Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Bình Minh khẳng định nguyên tắc hàng đầu của Việt Nam khi tham gia giải quyết các vấn đề tại Liên hợp quốc trong vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an là quán triệt các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an từ 1/1/2008, Thứ trưởng Minh cho biết thách thức không nhỏ mà Việt Nam gặp phải khi đảm đương vai trò này là sức ép trực tiếp của các nước lớn và sự tác động của một số nước liên quan trên các vấn đề an ninh khu vực khi thể hiện quan điểm thông qua các lá phiếu tại Hội đồng Bảo an. Sức ép này xuất phát từ sự cọ xát về quan điểm cũng như lợi ích của các nước trong và ngoài Hội đồng Bảo an tại Liên hợp quốc, từ các nhóm nước khác nhau hay ngay cả từ các nước bạn bè truyền thống, các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó công việc tham gia Hội đồng Bảo an đặt ra những vấn đề cần hết sức lưu tâm như tình hình thế giới vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, các quyết định tại Hội đồng Bảo an thường khẩn trương nên cần có cơ chế quyết sách kịp thời ở trong, ngoài nước, trong đó có những vấn đề nhạy cảm, và đây lại là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ làm thành viên Hội đồng Bảo an nên chưa có kinh nghiệm trên một số vấn đề.
Cùng lúc đó, Việt Nam sẽ phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh, hòa bình thế giới và khu vực, trong đó có những vần đề liên quan đến lợi ích các nước lớn và các nước trong khu vực. Việt Nam sẽ phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ tại Hội đồng Bảo an với khoảng hơn 200 cuộc họp chính thức và không chính thức mỗi năm.
"Để tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào các công việc của Hội đồng Bảo an, nguyên tắc hàng đầu của Việt Nam là quán triệt các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc", Thứ trưởng Minh nhấn mạnh. "Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an hoạch định và triển khai các quyết định của cơ quan này về các vấn đề chính trị, an ninh của thế giới. Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương và coi cách tiếp cận đa phương, điển hình là thông qua Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực để giải quyết các vấn đề chung là biện pháp hữu hiệu và lâu bền. Ý thức được đầy đủ sự cần thiết phải tiếp tục cải tổ bộ máy Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng để tổ chức này hoạt động một cách dân chủ, mang tính đại diện rộng rãi hơn và Việt Nam sẽ làm hết sức mình, đóng góp một vai trò tích cực trong quá trình quan trọng này".
Theo ông Minh, từ 1/1/2008 đến 31/12/2009, Việt Nam sẽ tham gia mọi hoạt động của Hội đồng Bảo an với tư cách một thành viên đầy đủ. Việt Nam sẽ tích cực cùng các quốc gia khác thảo luận tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến hoà bình và an ninh quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam có thể xem xét làm chủ tịch/phó chủ tịch một số ủy ban thuộc Hội đồng Bảo an hoặc giữ vai trò trung gian, hoà giải nhằm tìm kiếm giải pháp hoà bình cho các cuộc xung đột và chia sẻ kinh nghiệm tiến hành công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Trong tháng 7/2008, Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ có vai trò và nhiệm vụ hàng đầu trong việc đảm bảo hoạt động của Hội đồng Bảo an thông qua việc lên chương trình công tác, tổ chức, chủ tọa các cuộc họp, ra các tuyên bố chủ tịch, lưu hành các tài liệu của Hội đồng Bảo an. Việt Nam cũng sẽ xem xét thúc đẩy một số lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm và có ưu thế.
"Hai năm tới sẽ là hai năm vô cùng bận rộn, là thách thức cũng đồng thời là cơ hội lớn cho sự trưởng thành của ngoại giao Việt Nam. Những kinh nghiệm về phát huy vai trò chủ động trên các diễn đàn đa phương sẽ là bài học quý giá cho Việt Nam", Thứ trưởng Minh nhận xét.
Theo TTXVN