Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên có mức tăng trưởng cao liên tục. Giai đoạn 5 năm (2000-2005) mức tăng 10,87%, năm 2006 và năm 2007 cũng tiếp tục tăng ở mức 13,3%; đời sống nhân dân ổn định và phát triển; các mặt văn hóa, tinh thần cũng có nhiều tiến bộ.
Nhà máy đường KCP góp phần phát triển công nghiệp chế biến Phú Yên - Ảnh: N.TRƯỜNG |
Nhìn tổng quát theo đánh giá của các cơ quan lãnh đạo và chuyên gia, kinh tế – xã hội Phú Yên những năm qua có những nét nổi bật sau đây:
Mặt thành tựu:
- Nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao và ổn định, bước đầu thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển, kể cả nguồn lực bên ngoài và nguồn lực tại chỗ. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Trong nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch cơ cấu đáng kể theo sự điều tiết của cơ chế thị trường. Hàm lượng khoa học, kỹ thuật tăng dần trong kết cấu giá trị ở nhiều mặt hàng địa phương.
- Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, một số công trình bắt đầu phát huy tác dụng.
- Một số chủ trương, chính sách thu hút đầu tư tạo được chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách… có kết quả. Hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Mặt tồn tại, yếu kém:
- Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, khả năng cạnh tranh còn thấp, quy mô còn quá nhỏ. So sánh chung với cả nước và một số tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ thì thấy như sau: Phú Yên so với cả nước: diện tích chiếm 1,53%, dân số chiếm 1,04%. So với trong vùng diện tích chiếm 13,9%, dân số chiếm 11,3%.
Mức tăng GDP cao hơn mức tăng của cả nước (cả nước tăng 7,5 – 8,5%), ngang bằng mức tăng của nhiều tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, quy mô GDP còn rất nhỏ. So với cả nước, Phú Yên chiếm tỉ lệ 0,7%; so với các tỉnh trong vùng: chiếm tỉ lệ 8%. Nếu so với một số tỉnh trong khu vực thì thấy như sau: Bằng khoảng 41% của Đà Nẵng; bằng 46% của Bình Định; bằng 35% của Khánh Hòa; bằng 61% của Quảng Ngãi và bằng 59% của Quảng Nam.
GDP bình quân đầu người đạt mức khoảng trên 6,04 triệu đồng, xấp xỉ mức của một số tỉnh trong khu vực. Nếu so sánh chung chỉ bằng 79% mức bình quân trong vùng và bằng 59% so với bình quân của cả nước.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhưng còn chậm và chưa vững chắc (tỉ lệ theo cơ cấu: nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ là: 32,1%, 32,3%, 35,6%). Số liệu vừa nêu cho thấy tỉ trọng GDP công nghiệp xây dựng cao hơn nông nghiệp, nhưng nhìn chung GDP nông nghiệp vẫn còn chiếm tỉ lệ cao so với cả nước (GDP nông nghiệp cả nước chiếm 20,1%, một số tỉnh trong vùng như: Khánh Hòa 18%, Đà Nẵng 5,7%...).
Nếu nhìn theo cơ cấu lao động thì lao động nông nghiệp chiếm khoảng 70%, công nghiệp- xây dựng chiếm 11%, dịch vụ chiếm 19%.
Về chất lượng lao động, xét theo trình độ văn hóa: 1,2% không biết chữ; 45% tốt nghiệp tiểu học; 25% tốt nghiệp trung học cơ sở; 12% tốt nghiệp trung học phổ thông. Xét theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Có trình độ đại học, cao đẳng 5,4%; trình độ trung cấp 9,3%; sơ cấp 4,3%; công nhân kỹ thuật nhưng không có bằng cấp 4,5%; Lao động không có nghề, không nghiệp vụ, chuyên môn 76,5%.
- Thu ngân sách nhà nước hàng năm chỉ đáp ứng nhu cầu chi khoảng 60%, nếu so với cả nước bằng 0,35%, so với trong vùng chỉ chiếm 4,13%.
- Quy mô vốn đầu tư phát triển hàng năm thấp, chỉ xấp xỉ 50-60% mức bình quân trong vùng và so với cả nước bằng khoảng 0,8%.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư trong những năm qua và đã được cải thiện nhiều, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cao của tiến trình công nghiệp hóa. Ví dụ hệ thống giao thông đường bộ, toàn tỉnh có 2.242km, trong đó quốc lộ 9,3% (208km); tỉnh lộ 16,8% (377km); huyện lộ 27,3% (274 km). Nhưng chất lượng đường rất kém: Đường bê tông xi măng 62km (3,2%); đường bê tông nhựa 307km (15,5%); đường thâm nhập nhựa 179km (9%); đường lót đá dăm 20km (1%); đường đất 1.406 km (71,2%).
Đáng chú ý là hệ thống hạ tầng ở những khu vực trọng yếu, các khu công nghiệp chưa được cải thiện. Khu công nghiệp Hòa Hiệp, cơ sở hạ tầng bên trong hàng rào được đầu tư tốt, nhưng chậm đầu tư đoạn đường nối từ cổng khu công nghiệp đến quốc lộ 1A, cũng như đoạn đường từ cầu Hùng Vương đến cầu Đà Nông nên việc vận chuyển hàng hóa vật tư ra vào khu công nghiệp hết sức khó khăn. Các khu công nghiệp còn lại thì cả bên trong và bên ngoài hàng rào, từ công trình cấp điện, nước, đường sá đến hệ thống xử lý môi trường đều đầu tư dở dang. Như vậy có thể thấy rõ tính hấp dẫn của các khu công nghiệp Phú Yên giảm rất nhiều, mặc dù tỉnh có chính sách thu hút đầu tư tốt.
Lắp ráp xe tại Nhà máy ô tô JRD – 100% vốn
Về chính sách thu hút đầu tư, Phú Yên ban hành được chính sách thu hút đầu tư sớm, có nhiều biện pháp xúc tiến đầu tư. Nhờ vậy, thời gian qua, tỉnh đã tạo sự chú ý và thu hút được một số nhà đầu tư đến làm ăn, nhưng cũng chỉ mới có những nhà đầu tư nhỏ, các dự án lớn đang trong quá trình chuẩn bị các bước xây dựng dự án. Gần đây nhiều tỉnh cũng ban hành chính sách thu hút đầu tư tốt, cộng với một số yếu tố khác như vị trí địa kinh tế tốt, hạ tầng tốt ,làm tăng tính cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương. Nếu Phú Yên không sớm tìm ra những mặt hạn chế, yếu kém của mình để đề ra những chính sách, biện pháp bổ sung thì tính hấp dẫn thu hút đầu tư của Phú Yên sẽ càng mất điểm.
Thấy được những khó khăn của mình, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã xây dựng những định hướng, quy hoạch phát triển và đề ra nhiều giải pháp, biện pháp đúng. Cho đến nay, rà soát lại các chủ trương, định hướng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh (2000-2010) tầm nhìn đến 2020 đều đúng.
Tuy nhiên, về các biện pháp thực thi và kết quả đạt được còn chưa như mong muốn.
Chúng ta điểm lại một số chủ trương lớn như: Chủ trương phá thế “ốc đảo”. Trước đây trong nhiều văn kiện, diễn đàn chúng ta thường coi quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất, sân bay Tuy Hòa, quốc lộ 25, cảng Vũng Rô… như là những lợi thế phát triển, hấp dẫn nhà đầu tư. Nhưng đó chỉ mới là những tiềm năng, thực tế Phú Yên còn trong thế chơi vơi “ốc đảo”, trong với ra, ngoài với vào đều khó tới. Để phá thế “ốc đảo”, lãnh đạo tỉnh đã đề ra một số chủ trương, biện pháp đúng như: Xây dựng cảng Vũng Rô cùng với tuyến giao thông động lực phát triển nam Tuy Hòa; Mở lại sân bay Tuy Hòa (Đông Tác); Nâng cấp quốc lộ 25; Cùng với Bình Định mở tuyến quốc lộ 1D (Quy Nhơn – Sông Cầu). Đầu tư nâng cấp ĐT 645, cùng với tỉnh Đắk Lắk nối Tuy Hòa với Buôn Ma Thuột; chúng ta xúc tiến ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt và đường ống dẫn nhiên liệu lên Tây Nguyên; Đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải mở tuyến đường hầm đèo Cả, đèo Cù Mông. Cho đến nay có dự án đã thực hiện xong giai đoạn đầu, có dự án còn trong giai đoạn xúc tiến thủ tục đầu tư. Những kết quả bước đầu đã tạo ra hệ thống hạ tầng liên kết vùng, phá thế bị cô lập. Những nỗ lực đó đã góp phần giảm thiểu khó khăn, nhưng chưa thể coi những khó khăn đã được khắc phục.
Đồng thời với việc thiết lập mạng giao thông liên vùng, chúng ta quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, phối hợp hỗ trợ phát triển với TP Hồ Chí Minh và với các tỉnh liền kề. Những nỗ lực đó tạo ra thế và lực cho Phú Yên phát triển.
Cùng với chính sách thu hút đầu tư, chúng ta cũng đã xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài. Chính sách đó đã có tác dụng tạo động lực cho mọi người quan tâm đến việc học tập nâng cao trình độ.
Có một vấn đề chúng ta nên chú ý, đó là việc chăm sóc nhà đầu tư. Có thể nói xung quanh những vấn đề mà nhà đầu tư phải đối mặt hàng ngày như vấn đề dịch vụ tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, an ninh trật tự, đời sống, sinh hoạt của cán bộ công nhân và nhà đầu tư… Họ mong muốn được sự quan tâm của lãnh đạo. Thiết nghĩ, một hãng sản xuất, một doanh nghiệp họ còn có chương trình chăm sóc khách hàng, thì việc chăm sóc nhà đầu tư là bộ phận không thể thiếu trong chính sách thu hút đầu tư. Định kỳ, lãnh đạo tỉnh nên có chương trình tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp cần sự giúp đỡ.
Tóm lại, những thành tựu vừa qua của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đạt được là to lớn, nhưng như dẫn chứng và phân tích trên cho thấy những khó khăn, thách thức còn nhiều và không nhỏ; Tốc độ phát triển vừa qua cũng chỉ đạt xấp xỉ tốc độ chung của các tỉnh trong khu vực, chưa đủ lực tạo nên sự bứt phá để vượt qua ngưỡng trung bình.
Sự mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển tốc độ cao với những tiền đề vật chất hiện có là khá lớn. Nếu không có ý chí và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh thì không thể huy động được sức mạnh của nội tại và bên ngoài để tạo nên sự bứt phá.
Câu hỏi đặt ra là Phú Yên có cơ hội để bứt phá vượt lên không? Câu trả lời là có. Cần nắm lấy cái đã có và tiếp tục tạo ra cơ hội mới. Chắc chắn lãnh đạo tỉnh có nhiều quyết sách và giải pháp tốt, chúng tôi chỉ đề xuất 4 nội dung sau đây:
- Chọn một trong những dự án lớn triển khai thực hiện có kết quả tạo ra cú hích nhảy vọt. Nhìn trong tương lai thì Phú Yên có nhiều nguồn lực để tạo nên sự bứt phá. Một số dự án lớn như Nhà máy lọc dầu 4 triệu tấn, vốn đầu tư khoảng 1,7 tỉ USD; khu du lịch phức hợp Long Thủy – Hòn Chùa 4,5 tỉ USD; khu công nghiệp lọc hóa dầu Hòa Tâm hơn 11 tỉ USD, đặc biệt dự án khổng lồ xây dựng thành phố mới của một tập đoàn Dubai 500 tỉ USD. Cán bộ và nhân dân Phú Yên nghe rất phấn khởi, nhưng đối với những dự án lớn nhà đầu tư phải có thời gian để chuẩn bị.
Được biết hiện nay UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản thỏa thuận cho nhà đầu tư lập dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm. Và sau 4 năm chuẩn bị dự án, đến nay Công ty Techno Star Management Ltd. liên doanh với Công ty Telloil đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư Nhà máy lọc dầu tại khu vực Vũng Rô – Bãi Chính – Làng Thượng. Hiện nay liên doanh Techno Star -Telloil đang khẩn trương triển khai giai đoạn thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công để có thể khởi công vào năm đến. Chủ đầu tư này đã thành lập công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (VRP) để điều hành dự án. Như vậy, trong số các dự án lớn kể trên thì dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô là khả thi nhất, cần tập trung hỗ trợ cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
- Tiếp tục và tập trung đầu tư cao cho nâng cấp phát triển hạ tầng nội tỉnh. Kiên trì đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm đầu tư hầm đèo Cả, nâng cấp quốc lộ 25, cùng với tỉnh Đắk Lắk đề nghị mở quốc lộ 29 từ cửa khẩu Đắk Ruê (biên giới với Campuchia) đến Vũng Rô, kiên trì đề xuất dự án đường sắt đi Tây Nguyên (Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột). Đây là chiến lược tạo thế để Tuy Hòa là cửa ngõ mới cho Tây Nguyên ra biển, cũng như trong mối liên kết Nam Tuy Hòa – Vân Phong (Bắc Khánh Hòa) là những mối liên kết chiến lược, tạo thế phát triển khu vực.
- Đầu tư tập trung cho phát triển nguồn nhân lực. Yếu tố con người là yếu tố quyết định để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự phát triển của địa phương, Phú Yên sẽ có nhu cầu rất lớn lực lượng nhân lực có trình độ cao và có tay nghề được đào tạo. Tập trung chăm lo đào tạo, thu hút nhân tài và đào tạo nghề cho lực lượng lao động. Bố trí nguồn đầu tư tài chính thích đáng cho mục tiêu đào tạo. Khai thác có hiệu quả các cơ sở đào tạo hiện có của địa phương đồng thời áp dụng các hình thức hợp tác liên kết để nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề tại chỗ.
- Động viên sức mạnh của toàn Đảng bộ, toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức. Đứng trước khó khăn nếu thiếu ý chí và niềm tin thì sẽ không vượt qua nổi. Vấn đề rất thực tiễn và không đơn giản. Nếu lãnh đạo không tạo ra niềm tin và chỗ dựa niềm tin cho mọi người thì không ai dám đứng ra đương đầu, gánh vác những công việc khó khăn; nhà đầu tư từ bên ngoài đến cũng sẽ không yên tâm làm ăn.
Dù với những tiền đề vật chất còn nhiều khó khăn nhưng nếu cộng thêm một niềm tin, một ý chí quyết tâm, khát vọng vươn lên vì Phú Yên giàu đẹp nhất định sẽ gặt hái được những thành công to lớn.
TS NGUYỄN THÀNH QUANG
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên)