Thứ Năm, 28/11/2024 08:42 SA
Sớm giải quyết dứt điểm những vụ việc tham nhũng, lãng phí
Thứ Năm, 06/12/2007 16:30 CH

Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Phú Yên khóa V đã dành trọn buổi chiều của ngày làm việc thứ hai (5/12) để nghe UBND tỉnh báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh theo nghị quyết giám sát của HĐND tỉnh.

 

Sau khi nghe Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra chuyên đề về vấn đề này; các đại biểu đã tập trung chất vấn các ngành chức năng chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2007 và những năm tới.

 

071206-HDND8.jpg
Đại biểu Hồ Văn Phước: " Vì sao có nhiều vụ án tiêu cực, tham nhũng xử lý quá chậm?"

 

VỤ ÁN NHỎ:  “XỬ GỌN”, VỤ ÁN LỚN: KÉO DÀI (!)

 

Đó là phát biểu thẳng thắn nhất của Đại biểu Trần Hoa (huyện Sông Hinh). Theo đại biểu Trần Hoa, người dân rất quan tâm, kỳ vọng đến việc xử lý dứt điểm các vụ việc tiêu cực tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Thế nhưng, chỉ có các vụ tiêu cực nhỏ ở cấp huyện, xã thì được các ngành chức năng xử lý nhanh, còn các vụ tiêu cực, tham nhũng với quy mô lớn ở tỉnh, như vụ tiêu cực ở Công ty AMASECO, vụ giống cây trồng “dỏm” liên quan đến Sở NN - PTNT… thì xử lý kéo dài! “Lãnh đạo các ngành chức năng có suy nghĩ gì, có thể hiện hết trách nhiệm của mình chưa trong việc chỉ đạo điều tra, xét xử các vụ việc tiêu cực, tham nhũng? – Đại biểu Trần Hoa nêu vấn đề.

 

Trên bàn chủ tọa kỳ họp, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Thị Nga đã phát biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Hoa. Đồng chí Trịnh Thị Nga phân tích cụ thể: Năm 2007, thanh tra tỉnh và các sở, ngành đã thanh, kiểm tra các vụ việc tiêu cực đạt tỉ lệ cao với 102/115 cuộc, buộc phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 4,39 tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo phòng chống tham nhũng vẫn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, đến nay, công việc triển khai thu hồi vốn sai phạm nộp ngân sách Nhà nước còn quá chậm, chỉ được hơn 1,966 tỉ đồng. Báo cáo của UBND nêu rõ đã xử lý kỷ luật 31 cán bộ sai phạm, nhưng đều là cán bộ cấp huyện, xã, chứ chưa có trường hợp nào ở các cơ quan cấp tỉnh! Đồng chí Trịnh Thị Nga bức xúc: “Đại biểu và cử tri đều quan tâm đặt câu hỏi: Có hay không có cán bộ cấp tỉnh sai phạm, tham nhũng cần xử lý kỷ luật qua 102 cuộc thanh tra?”

 

Các đại biểu Trần Văn Mười, Hồ Văn Phước, Trần Văn Đông và một số đại biểu khác đã nêu các ý kiến: Vì sao các vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra ngày càng nhiều ở các cấp; nguyên nhân vì sao có nhiều vụ án tiêu cực xử lý quá chậm; vụ tham ô xảy ra tại HTX NNKDTH Hoà An Tây (Phú Hoà) xảy ra đã lâu nhưng vẫn chưa được xét xử; dư luận không đồng tình việc xét xử vô tội đối với các cá nhân trong vụ án giống cây trồng có liên quan đến Sở NN- PTNT,… Hầu hết các câu hỏi trên vẫn chưa được lãnh đạo các ngành chức năng giải trình một cách cụ thể, chưa chỉ ra rõ những tồn tại cần giải quyết, mà chỉ nêu sẽ sớm xét xử các vụ án tham nhũng trong thời gian tới!

 

Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Tự Lực, trong phần trả lời, đã nêu khó khăn chung là tình tiết của nhiều vụ án rất phức tạp nên chậm điều tra, xét xử. Khó khăn nhất trong quá trình điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng về kinh tế là việc giám định vì hiện nay tại Phú Yên không có tổ chức giám định về vấn đề này nên công tác giám định về lĩnh vực xây dựng cơ bản, về tài chính bị “vướng”, kéo dài… rất mong đại biểu thông cảm, chia sẻ.

 

Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Đỗ Hữu Hồng Thái cũng đã khẳng định việc xét xử các vụ án tiêu cực rất nghiêm minh đúng người, đúng tội. Riêng vụ án giống cây trồng được xét xử sơ thẩm theo chứng cứ hồ sơ là vô tội, và Toà xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng cũng đã tuyên vô tội.

 

Báo cáo của UBND tỉnh thừa nhận, trong năm 2007 các cơ quan chức năng đã tiến hành tố tụng đưa ra xét xử chỉ được 6 vụ án tham nhũng. Riêng vụ tham ô, thiếu trách nhiệm và đưa hối lộ xảy ra tại gói thầu số 4 công trình xây dựng đê, kè chống ngập lụt TP Tuy Hòa (kè Bạch Đằng) đang có kế hoạch đưa ra xét xử. Hiện vẫn còn tồn 9 vụ án tiêu cực, tham nhũng đang được tiếp tục điều tra…

 

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đã nhận định: UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra một số lĩnh vực đã xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra phát hiện hành vi tham nhũng ở một số ngành, địa phương còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc xử lý một số vụ việc đã có kết luận chưa kịp thời; công tác điều tra truy tố đối với một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng còn chậm, chưa phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.

           

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi cũng đã phát biểu nêu rõ quyết tâm của UBND tỉnh trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Song, qua thực tế, giữa cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng chưa có sự phối hợp đồng bộ trong điều tra, xét xử, dẫn đến hồ sơ vụ án trả đi trả lại nhiều lần để tiếp tục điều tra, làm mất thời gian. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ sớm thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh; đồng thời yêu cầu thủ trưởng các cơ quan chức năng phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử dứt điểm các vụ án tham nhũng nhằm xây dựng lòng tin trong nhân dân.

 

CÒN “VƯỚNG” TRONG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

           

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp, trong năm 2006, tổng số dự án, công trình được đấu thầu với tổng giá trị được duyệt là 520, 21 tỉ đồng. Sau khi đấu thầu, tổng giá trị trúng thầu là 472,528 tỉ đồng, như vậy số tiền tiết kiệm  được thông qua giảm giá đấu thầu là 38,032 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, qua thực tế, đến nay nhiều nhà thầu đã thực hiện các dự án không kịp tiến độ; nhiều gói thầu trong số 61 gói thầu dự án, công trình được đấu thầu với giá thấp và đến khi thi công thì “đội” giá lên bằng hoặc cao hơn giá sàn gói thầu được duyệt. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đông Hòa) nêu ý kiến: “Có cơ quan nào thống kê, theo dõi được trong 61 gói thầu này đã trình lên cơ quan có thẩm quyền bổ sung dự toán được duyệt là bao nhiêu, và cơ quan thẩm tra đã từ chối thanh toán, quyết toán là bao nhiêu?”

 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Hiến giải trình không đi thẳng vào trọng tâm ý kiến của đại biểu, mà chỉ nêu: “…Theo hình thức mời thầu, thì đơn giá hợp đồng là trọn gói, trong trường hợp giá cả tăng thêm đã được thể hiện trong hồ sơ mời thầu, mà nhà thầu đã lường trước và chịu trách nhiệm trong quá trình thi công. Tuy nhiên, đối với những công trình lớn, nếu đơn giá nhân công, đơn giá vật tư thay đổi… thì Nhà nước mới điều chỉnh dự toán công trình”.

 

Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Duy Vinh trả lời: “Ngành tài chính đã tiến hành 20 cuộc thanh tra ở các đơn vị có liên quan sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, đã phát hiện sai phạm, xuất toán hơn 1,55 tỉ đồng, đề nghị các đơn vị giảm giá trị thanh toán công trình đầu tư 1,512 tỉ đồng”.

 

Chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng, đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng lập báo cáo bằng văn bản cụ thể về vốn đầu tư của 61 dự án, công trình để trình HĐND tỉnh có kế hoạch kiểm tra, giám sát.

           

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư và qua giám sát của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, có 34 dự án trong tổng số 354 dự án trên địa bàn tỉnh thi công chậm tiến độ so với kế hoạch, như các dự án cầu Hùng Vương, dự án cảng Vũng Rô giai đoạn 2, dự án chống ngập lụt TP Tuy Hoà…. Sở Tài chính đã thẩm tra quyết toán 183 dự án với tổng giá trị đề nghị 294 tỉ đồng, qua đó đã xuất toán giảm chi phí cho Nhà nước 4 tỉ đồng do quyết toán sai khối lượng, đơn giá, định mức. Kho bạc Nhà nước cũng đã từ chối thanh toán 364 trường hợp với tổng số tiền hơn 3,6 tỉ đồng đối với những trường hợp chưa thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư. Hiện còn tồn tại một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng không có hiệu quả, lãng phí như cảng cá Tiên Châu, một số chợ vùng miền núi…; một số cụm điểm công nghiệp đã đầu tư xây dựng nhưng không có nhà đầu tư vào khai thác kinh doanh; một số công trình nước sạch nông thôn vận hành không phát huy hiệu quả, gây mất lòng tin trong nhân dân…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã phát biểu cho rằng đã có dấu hiệu việc nhà thầu bỏ thầu thấp, dẫn đến việc tiêu cực, “rút ruột” công trình và thi công công trình không đảm bảo chất lượng. Do vậy, cần được quản lý chặt chẽ việc đấu thầu, nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong xây dựng công trình, nhằm chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư.

 

 

Chủ tịch HĐND Đinh Thanh Đồng: Triển khai có hiệu quả 7 vấn đề trọng tâm

 

Trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND tỉnh về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghe báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách: ý kiến thảo luận, chất vấn của các vị đại biểu HĐND tỉnh; giải trình bổ sung của các sở, ngành có liên quan và của UBND tỉnh, đồng chí Đinh Thanh Đồng, Chủ tịch HĐND, chủ tọa kỳ họp, kết luận:

 

1. Để thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới yêu cầu UBND tỉnh:

 

 

2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn.

 

3. Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, coi đây là khâu đột phá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm dân chủ và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào các nội dung: Về tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và công chức công vụ.

 

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, lãng phí. Trước mắt, tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; những sai phạm qua thanh tra đã có kết luận. Không ngừng giáo dục, rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức.

 

5. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về chấp hành chế độ thông tin, báo cáo; thực hiện tốt việc sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Trên cơ sở đó nhân rộng các gương điển hình tốt, phê bình và xử lý nghiêm khắc các trường hợp chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thi hành luật.

 

6. Chủ động xây dựng bộ máy Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh khi có hướng dẫn của Chính phủ kịp thời; đủ số lượng, đảm bảo chất lượng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

 

7. Tại các kỳ họp thường lệ HĐND, UBND tỉnh báo cáo tình hình kết quả thực hiện

NGUYÊN LƯU (ghi)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek