* ÔNG TRẦN VĂN MƯỜI, CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH PHÚ YÊN: Đặt, đổi tên đường là cần thiết, cấp bách
Thực tế trên địa bàn TP Tuy Hòa đã và đang có nhiều con đường mới mở nhưng chưa được đặt tên, một số tên đường bị trùng lắp (do sáp nhập địa giới hành chính) hoặc cần đổi tên cho phù hợp. Một số công trình công cộng cũng chưa có tên gọi chính thức. Do đó, tại kỳ họp trước, UBDN tỉnh Phú Yên đã có tờ trình về việc đặt, đổi tên một số đường, công trình công cộng ra kỳ họp HĐND tỉnh. Tuy nhiên, do chưa đủ các yếu tố cần thiết, độ chín muồi nên phải gác lại.
Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh tiếp tục có tờ trình về vấn đề này. Theo tôi, đây là một việc làm cần thiết, cấp bách. Theo đề án, UBND tỉnh đã thực hiện việc lựa chọn đặt, đổi tên một số đường phố, công trình công cộng đúng theo nguyên tắc, quy định chung của Chính phủ, phù hợp với tiêu chí đã được xác định qua hội thảo khoa học, ý kiến của Hội đồng tư vấn về đặt, đổi tên đường phố, công trình công cộng và qua các đợt tổ chức lấy ý kiến góp ý của đông đảo cử tri, nhân dân. Là đại biểu HĐND tỉnh, tôi nhất trí với đề án, tờ trình về đặt, đổi một số tên đường, công trình công cộng ở TP Tuy Hoà của UBND tỉnh tại kỳ họp này.
* ÔNG LÊ NHƯỜNG, QUYỀN HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Cần có chính sách tiếp nhận, thu hút những người đã có trình độ sau đại học
So với nhiều địa phương trong cả nước, cán bộ có trình độ sau đại học ở Phú Yên còn ít, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế. Mặt khác, thời gian qua một số địa phương, đơn vị đưa cán bộ đi đào tạo sau đại học chưa đúng đối tượng, quy hoạch chưa đảm bảo theo chuyên ngành đã được phân bổ dẫn đến tình trạng có lĩnh vực thì quá nhiều, có lĩnh vực thì quá ít người theo học, nhất là các lĩnh vực chuyên ngành kỹ thuật công nghệ cao. Vì vậy theo tôi, việc UBND tỉnh có tờ trình về chính sách thực hiện đề án đào tạo sau đại học đến năm 2015 phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên (nói ngắn gọn là đề án đào tạo sau đại học) tại kỳ họp lần này của HĐND tỉnh là thiết thực. Đây là việc phải làm, nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nòng cốt, chuyên gia đầu đàn đáp ứng sự phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh nhà.
Tuy nhiên theo tôi, cùng với việc bỏ kinh phí ra đào tạo, tỉnh cần quan tâm đến việc tiếp nhận, thu hút, sử dụng có hiệu quả những người đã có trình độ trên đại học (là người trong tỉnh, ngoài tỉnh, hoặc đang ở nước ngoài). Cụ thể, những trường hợp tự bỏ kinh phí tự học, đã lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, có học hàm giáo sư, phó giáo sư nếu tình nguyện về công tác tại Phú Yên, tỉnh hỗ trợ kinh phí là bao nhiêu? Bố trí, sắp xếp công việc như thế nào?... Vì vậy theo tôi, cần có một đề án riêng hoặc bổ sung nội dung như đề cập ở trên vào trong đề án đào tạo sau đại học.
* ÔNG NGUYỄN CÔNG BÁU, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN PHÚ HÒA: Cần sớm thực hiện chế độ phụ cấp cho các chức danh cán bộ không chuyên trách
Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có đến với người dân, có được thực hiện triệt để hay không phụ thuộc rất lớn vào lực lượng cán bộ ở cơ sở, trong đó có cán bộ không chuyên trách cấp xã, là bí thư chi bộ thôn, buôn, khu phố, cán bộ nhà văn hoá…Thực tế cho thấy, nếu không cho chỉ tiêu ngoài định biên, không có phụ cấp cho các chức danh cán bộ không chuyên trách thì bộ máy ở cấp xã rất khó hoạt động hiệu quả. Vì vậy tôi hoàn toàn ủng hộ và đề nghị kỳ họp HĐND tỉnh lần này thông qua tờ trình của UBND tỉnh về mức phụ cấp cho các chức danh cán bộ không chuyên trách theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ. Cụ thể là xem xét, quyết định mức phụ cấp cho các chức danh cán bộ không chuyên trách được hưởng mức phụ cấp hàng tháng 60% lương bậc 1 của trưởng các đoàn thể cấp xã. Nếu tờ trình được thông qua, triển khai thực hiện, kinh phí trả tăng thêm toàn tỉnh một năm là gần 8,5 tỉ đồng (cho khoảng trên 740 người). Tuy không lớn, nhưng đây là gánh nặng thêm cho ngân sách huyện, nhất là những huyện nguồn thu ngân sách thấp nếu ngân sách xã, phường, thị trấn thiếu nguồn kinh phí chi trả. Tuy nhiên, bù lại nó sẽ tạo điều kiện cho cấp cơ sở hoạt động hiệu quả cao.
* ÔNG NGUYỄN HỮU THỜI, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN TÂY HÒA: Bổ sung biên chế để phục vụ dân tốt hơn
Việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục- đào tạo (GD-ĐT), văn hoá thông tin (VHTT), y tế cơ sở là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhu cầu bức thiết của người dân. Tôi cho rằng, việc tăng biên chế cho sự nghiệp y tế cơ sở cũng như sự nghiệp GD-ĐT, VH-TT và sự nghiệp khác hoàn toàn không mâu thuẫn với việc tinh giảm biên chế hiện nay. Hướng giảm biên chế chung là giảm đầu mối, giảm tổ chức trung gian, giảm bớt con người (không đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, sức khoẻ…) làm cho bộ máy hành chính khu vực nhà nước tinh gọn, bảo đảm chất lượng hoạt động hiệu quả. Riêng đối với sự nghiệp GD-ĐT, VH-TT, y tế và sự nghiệp khác, trên cơ sở đầu dân, hệ thống trường lớp mà phân biên chế bảo đảm phục vụ tốt nhất các dịch vụ, hưởng lợi cho nhân dân.
NG.HUỆ (thực hiện)