Thứ Năm, 28/11/2024 12:35 CH
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
Chủ Nhật, 18/11/2007 16:51 CH

Trong phiên làm việc sáng 17/11, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhận được 18 chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là phương thức điều hành giá cả thị trường và tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong 100 phút “đăng đàn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh chỉ trả lời được 13/18 câu hỏi trực tiếp của các đại biểu. Tuy nhiên theo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, phần trả lời đã cho thấy Bộ trưởng “chuẩn bị kỹ, nhiều thông tin, số liệu và nắm tình hình đầy đủ”.


071118- BT TC.jpg

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội


VAI TRÒ CỦA BỘ TÀI CHÍNH VÀ KHO BẠC “ĐƠN GIẢN QUÁ”


Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) liên quan đến những sai phạm trong việc giải ngân khống của Đề án 112, trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp chấm dứt tình trạng giải ngân khống, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nêu cơ chế giải ngân đối với đề án 112 là Ban điều hành Đề án 112 ký kết hợp đồng với các chủ triển khai thực hiện dự án. Với chức năng của cơ quan tài chính, căn cứ vào hợp đồng, căn cứ vào kết quả sản phẩm ký kết với Ban Điều hành 112 và các chủ đề án, khi có sản phẩm sẽ thanh toán theo chế độ.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, sau khi kiểm toán đã phát hiện có một số khoản đã tạm ứng nhưng chưa chi và cũng có những khoản đã giao kế hoạch nhưng chưa thực hiện (khoảng 22,4 tỷ đồng), theo kết luận của Chính phủ, khoản tiền này sẽ được thu hồi về ngân sách. Ngoài ra còn một khoản tương đối lớn là chi chưa thực hiện đúng phân cấp như quy định. Cụ thể theo mục tiêu của đề án sẽ chi cho các bộ ngành để mua máy chủ hoặc xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu. Tuy nhiên các bộ ngành địa phương lại dùng cả nguồn kinh phí này để mua máy đầu- cuối và trang bị mạng lan trong nội bộ đơn vị mình. Theo kết luận của kiểm toán là chi sai mục tiêu, tuy nhiên Thủ tướng đã kết luận, giao cho Bộ Tài chính kiểm tra nếu chi thực sự cho công tác triển khai, ứng dụng tin học để thực hiện chương trình thì vẫn cho quyết toán. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết hiện Bộ Tài chính đang tiến hành kiểm tra và đang thu hồi những khoản đã tạm ứng mà chưa có sản phẩm, nhưng chưa phát hiện ra những khoản sai. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nếu phát hiện sai phạm chúng tôi sẽ xử lý sai phạm và kỷ luật đối với cán bộ”. Về trách nhiệm của kho bạc, ông Vũ Văn Ninh cho rằng kho bạc không tham gia vào Hội đồng nghiệm thu các sản phẩm nên không chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng của sản phẩm.


Tiếp tục trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết yêu cầu Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định “có chuyện giải ngân khống ở đề án 112, chuyện “treo thưởng” những nơi giải ngân nhanh được cấp vốn nhiều không?” và “Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong thực hiện chức năng giám sát chi tiêu như thế nào?” vì “Bộ Tài chính có một Thứ trưởng tham gia vào ban điều hành nên không thể nói không có trách nhiệm trong việc này”. Ông Vũ Văn Ninh cho rằng Bộ Tài chính và kho bạc đều không biết có chuyện chi khống trong Đề án 112 hay không. “Nếu nhà đầu tư và nhà thầu thông đồng với nhau để ký kết và xác định khối lượng đưa tới kho bạc thì cũng không phát hiện được vì chúng tôi chỉ căn cứ vào chứng từ, vào các chứng cứ pháp lý để thanh toán. Kho bạc cũng không có trách nhiệm phải đi kiểm tra mà hai bên phải chịu trách nhiệm về việc đó”, Bộ trưởng nói.


Chưa bằng lòng với câu trả lời trên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng người đứng đầu Bộ Tài chính giải thích vai trò của Bộ và Kho bạc “đơn giản quá”: “Nếu Kho bạc và Bộ Tài chính chỉ thấy bên A và B thống nhất chi đúng rồi mà thông qua thì tôi cũng có thể làm được giám đốc Kho bạc”; “Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong ban điều hành như thế nào, Cử một lãnh đạo vào ban điều hành để làm gì hay chỉ để cho có thành phần?”, ông Thuyết nhấn mạnh.

 

GIẢM THUẾ KHÔNG PHẢI LÀ GIẢI PHÁP DUY NHẤT ĐỂ GIẢM GIÁ


Giá tiêu dùng là một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Đại biểu Đặng Văn Xướng (đoàn Long An) đề nghị phân tích sâu hơn về kết quả thực hiện, quản lý Nhà nước trong việc bình ổn giá đã qua nhất là nhóm chính sách tiền tệ, việc kiểm tra, thanh tra chống độc quyền, đầu cơ để tăng giá trục lợi. Đại biểu Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) chất vấn: “Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao có phải do chủ quan của các nhà lãnh đạo hay không, hay do sức đề kháng của đất nước không đủ ngăn chặn cơn lốc giá của thế giới”.


Trả lời những thắc mắc của các Đại biểu, ông Vũ Văn Ninh đưa ra hàng loạt lý do khiến chỉ số giá liên tục tăng trong đó có nguyên nhân Bộ Tài chính dự báo giá chưa sát với thực tế tình hình. Theo đó, ông Ninh cho rằng việc dự báo giá trong năm qua là “hết sức khó khăn”, và diễn biến giá cả “luôn nằm ngoài dự báo của cả thế giới”.


Mặt khác, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Nhà nước cũng có chủ trương điều hành giá cả theo kinh tế thị trường. Nếu không điều hành giá theo tín hiệu thị trường, chúng ta sẽ phải bù lỗ rất nhiều. Ông Ninh nêu ví dụ, với giá xăng dầu như hiện nay, Nhà nước phải bù lỗ gần 4.000 đồng/lít dầu hoả. Vì thế theo giá hiện nay thì có khả năng sẽ phải bù lỗ dầu tới 12.000 tỷ đồng, ngoài ra nếu tiếp tục giữ giá thì xăng cũng sẽ lỗ.


Về giải pháp giảm thuế nhập khẩu để kiềm chế tăng giá, nhiều đại biểu đặt câu hỏi vì sao mặc dù thuế đã giảm mà một số mặt hàng giá trong nước vẫn không giảm giá; Công tác thanh tra, kiểm tra giá được thực hiện như thế nào vì thời gian qua Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu nhưng một số doanh nghiệp vẫn không giảm giá... Đại biểu Võ Tiến Trung (đoàn Phú Yên) đặt vấn đề “liệu có hiện tượng đầu cơ móc ngoặc độc quyền để tăng giá không?”


Trả lời những câu hỏi trên, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng giảm thuế chỉ là một trong những giải pháp để điều hành giá. Giảm thuế không có nghĩa là giảm được giá hoàn toàn. Giải thích cho việc thời gian qua công tác thanh tra về giá chưa tốt, ông Ninh cho rằng mặc dù Chính phủ cũng đã có chỉ đạo kiểm tra các tập đoàn, tổng công ty lớn xem có giảm giá như cam kết không nhưng kết quả còn tuỳ thuộc vào sự tích cực của từng địa phương. Nhiều địa phương đã làm tốt nhưng cũng có một số địa phương chưa thực hiện tốt.


Liên quan đến giá điện, Bộ trưởng Tài chính cho biết, đây là vấn đề lớn nằm trong lộ trình điều chỉnh giá của Chính phủ. “Nhu cầu điện ngày một tăng, còn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Bình quân giá điện một Kwh hiện nay 1.085 đồng, nhưng chúng ta đang bán với giá 842 đồng. Lộ trình giá điện phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đạo giá điện phải đảm bảo được đời sống nhân dân, nhu cầu sản xuất”.


SẼ NGHIÊN CỨU GIẢM BỚT CÁC KHOẢN THU


Liên quan đến các khoản phí mà theo nhiều đại biểu còn là gánh nặng cho người dân, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Nhà nước đã chỉ đạo các nơi bãi bỏ một số khoản phí không nằm trong danh mục. "Sắp tới sẽ rà soát và tiếp tục bỏ nếu không hợp lý. Còn phí dịch vụ công thì đã là dịch vụ, ai có yêu cầu thì phải đóng phí", ông Ninh trả lời.


Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Quốc Dung, Thái Bình về lệ phí trước bạ và các khoản phí, lệ phí khi chuyển nhượng đất, bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, lệ phí trước bạ về thực chất là một khoản thu thuế. Để bớt các khoản thu, Bộ Tài chính sẽ bàn với Bộ Tài nguyên- Môi trường xem xét theo hướng sau này có thể sẽ chỉ thu 1 khoản là thuế địa chính.

Về giá hàng không, Chính phủ không quyết định giá dịch vụ hàng không mà chỉ định hướng, ngành hàng không được phép điều chỉnh nhưng phải đảm bảo vẫn hợp lý.

Liên quan tới lĩnh vực mua sắm tài sản công, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết một dự thảo các loại dịch vụ công trong đó có vấn đề sử dụng ô tô công đang được soạn và lấy ý kiến. Chính phủ không cấm mua ô tô, nhưng mua phải đúng với chức danh và tiêu chuẩn.


Sau 100 phút trả lời chất vấn, một số đại biểu vẫn bày tỏ chưa đồng tình với các giải thích của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Nhiều câu hỏi cụ thể về trách nhiệm của Bộ cũng như của cá nhân Bộ trưởng chưa có lời giải đáp thoả đáng.

* Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: “Đào tạo nhân lực để xoá đói giảm nghèo bền vững”

071118- BT NN.jpgBộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát “đăng đàn” ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Trong 105 phút đăng đàn, ông chỉ kịp trả lời được 15/36 câu hỏi của các Đại biểu Quốc hội.

Trong phần trình bày chung trước khi trả lời những câu hỏi chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề cập tới những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm như đời sống của người nông dân và hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp.

 

CHƯA CÓ ĐIỀU TRA VỀ THU NHẬP CỦA NÔNG DÂN SO VỚI DÂN THÀNH THỊ

Liên quan đến những vấn đề lớn được các đại biểu quan tâm là thu nhập và đời sống của bà con nông dân tăng chậm; nhiều nơi còn rất khó khăn, chênh lệch đời sống nhân dân giữa nông thôn và thành thị nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các vùng sâu, vùng xa ngày càng xa, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng hiện nay chưa có số liệu điều tra cụ thể về thu nhập của nông dân so với hộ thành thị trong năm 2007. Nhưng thực tiễn cho thấy rõ ràng thu nhập của bà con nông dân thấp hơn và tăng chậm hơn so với thu nhập của cư dân ở các thành thị và nguy cơ gia tăng chênh lệch thu nhập và đời sống giữa nông thôn và thành thị là có thực. Trước tình hình đó, Đảng và chính phủ đã có nhiều chủ trương để khắc phục tình trạng này. Trong năm 2007, Chính phủ cũng đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cụ thể như rà soát, miễn giảm các khoản đóng góp của nông dân. Bên cạnh đó Chính phủ cũng thực hiện các biện pháp rất quyết liệt để phòng chống dịch bệnh; thiên tai theo phương châm không để người dân nào bị đói, rét và không nhà cửa; tiếp tục triển khai hàng loạt các chương trình về phát triển nông nghiệp nông thôn như dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 135, 134, xây dựng thủy lợi, giao thông, khuyến nông…

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhờ những nỗ lực đó, năm 2007 là năm được mùa, được giá của nông nghiệp, thu nhập và đời sống của đa số nông dân ở các vùng tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên thiên tai dịch bệnh, giá vật tư cao đã lấy đi của người nông dân khá nhiều nên nhìn chung thu nhập thực của người nông dân vẫn tăng chậm. Để tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn cho khu vực nông nghiệp nông thôn và nông dân Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng đề án về các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

BỘ CÓ TRÁCH NHIỆM HỖ TRỢ NÔNG DÂN TĂNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) mở đầu phần chất vấn trực tiếp Bộ trưởng NN&PTNT với những câu hỏi: “Bộ sẽ có chương trình gì cụ thể để đời sống người nông dân khá lên trong hội nhập quốc tế” và “khi nào có thể thay đổi được hình ảnh của người nông dân là con trâu đi trước cái cày theo sau?”. Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi “Đến bao giờ Việt Nam mới có chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ hội nhập để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo?”

Trả lời câu hỏi đầu tiên của của Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, khi vào WTO Việt Nam có cơ hội thêm về thị trường, nhưng đồng thời tạo ra sự cạnh tranh trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản. Vì thế, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là phải tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của các loại nông sản; cụ thể là hỗ trợ nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo đó, Bộ sẽ tập trung vào một số biện pháp chính như chọn tạo giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao. Ở vựa lúa lớn của cả nước, vùng ĐBSCL thực hiện chương trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” rất hiệu quả, đã giảm được 30% phân bón, 20% thuốc trừ sâu, tăng được năng suất, chất lượng, hiệu quả. Với lĩnh vực rau quả cũng chọn tạo những loại giống mới chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, làm mạnh hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, khắc phục điểm yếu trong chăn nuôi manh mún, truyền thống, nhỏ lẻ bằng nuôi tập trung, hiện đại; Với thủy sản đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, bền vững; Tăng kỹ thuật trồng rừng, tập trung xóa đói giảm nghèo.

Về câu hỏi liên quan đến bức tranh nông nghiệp nông thôn Việt Nam đến năm 2020 và bao giờ thì thay thế được hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau", Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng đây là một vấn đề rất lớn và nó “không hẳn là theo sự mong muốn của chúng ta” vì vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp có liên quan đến cơ chế kinh tế thị trường. Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp cùng với ngành công nghiệp làm sao nghiên cứu thiết kế, chế tạo và sản xuất ra các loại máy nông cụ phù hợp với điều kiện của từng vùng với giá thành rẻ để cung cấp cho nông dân, để đẩy nhanh hơn quá trình cơ giới hoá nông nghiệp.

Về câu hỏi của Đại biểu Ngô Văn Minh, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ NN&PTNT đang có đề án trình Quốc hội về phát triển nông nghiệp – nông thôn theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá, cố gắng đến 30/12/2007 sẽ xong phần dự thảo và chậm nhất đến 30/3/2008 trình Quốc hội.

ĐỂ NGƯỜI NÔNG DÂN “LY NÔNG BẤT LY HƯƠNG”


Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (đoàn Thái Bình) về hiện tượng nông dân bỏ ruộng, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận có tình trạng này ở một số địa phương. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của tình trạng này là do ở những nơi điều kiện về đất đai và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, sản xuất cây lúa hiệu quả thấp. Trong khi đó công nghiệp, dịch vụ đang phát triển rất mạnh, tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm với thu nhập cao. Nên sức hấp dẫn đi tìm công ăn việc làm ở khu vực phi nông nghiệp cao hơn, thanh niên đi về các thành phố.


Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần phải tiếp tục tạo điều kiện để cho bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng của mình bằng cách đưa giống, đưa kỹ thuật, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng. Mặt khác tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để đưa công nghiệp về với nông thôn để "ly nông bất ly hương".


Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để nông dân sống được trên đồng ruộng, chỉ còn trông vào khoa học công nghệ và vốn, trong đó khoa học công nghệ là trọng điểm. Tuy nhiên, Bộ trưởng tỏ ra lo âu khi đưa ra con số chỉ có 15% vốn từ phía doanh nghiệp. Trong đó chỉ có chưa đến 5% vốn đầu tư của nước ngoài là đầu tư vào nông nghiệp. Mặt khác, đời sống của bà con nông dân còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề khác. Vì thế theo ông Phát cần  phải tiếp tục giải quyết và phát triển mạnh mẽ về giáo dục, y tế, văn hóa và các ngành khác. “Theo chúng tôi chiến lược xóa đói giảm nghèo tốt nhất và bền vững nhất đó chính là phát triển nguồn nhân lực, trong đó trước hết là phát triển giáo dục ở khu vực nông thôn, bản thân chúng tôi cũng là con em nông dân”, ông Phát nhấn mạnh.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek