Chiều qua (31/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đặc xá và thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đặc xá do Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày, Dự án Luật Đặc xá đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Sau khi được chỉnh lý, Dự thảo Luật Đặc xá hiện nay gồm 6 chương, 36 điều, quy định trình tự, thủ tục thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác đặc xá và quyền, nghĩa vụ của người được đặc xá.
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đều thống nhất với ý kiến cho rằng, Luật Đặc xá được ban hành sẽ giúp cho việc thực hiện đặc xá đúng đối tượng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của công dân, có tác dụng động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù yên tâm và tích cực cải tạo tiến bộ, sớm được trở về gia đình và xã hội.
Thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau, về phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (đoàn Lạng Sơn) nêu ý kiến cần bỏ phạm vi điều chỉnh đối với cá nhân trong Dự thảo luật vì trong thực tế thực hiện việc đặc xá là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức. Cũng theo đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, không nên đưa hành vi nhận hối lộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định trong Luật Đặc xá vì hành vi này đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự, không chỉ bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá mà có hiệu lực áp dụng đối với các lĩnh vực cá nhân, tổ chức nếu có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
Về điều kiện của người được đề nghị đặc xá, nhiều đại biểu cho rằng, Luật Đặc xá cần quy định cụ thể thời hạn tối thiểu cần phải thi hành án phạt tù đối với người được xét đặc xá để đảm bảo công khai, minh bạch đồng thời thể hiện rõ tính răn đe đối với những đối tượng đang có ý định vi phạm pháp luật rằng chính sách khoan hồng của nhà nước là có giới hạn.
Đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng việc quy định thời hạn tối thiểu cần phải thi hành án phạt tù còn có tác dụng giáo dục, giúp cho người đang chấp hành bản án biết được mình cần phải chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam bao lâu để có thể được xét đặc xá. Mặt khác quy định này cũng không cản trở quyền của Chủ tịch nước trong việc xác định cụ thể thời gian chấp hành hình phạt tù với từng nhóm đối tượng.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng cần xác định rõ người được áp dụng Luật này là người đang chấp hành án phạt tù hay là người bị kết án tù. “Mỗi điều nói một khác, điều 2, 3.1; 3.3 nói là áp dụng với người bị kết án nhưng Điều 3.5 lại nói là người đang chấp hành án phạt tù. Toàn bộ chương II lại nói là áp dụng với người đang chấp hành án phạt tù nhưng đến điều 5.2 và toàn bộ chương III lại nói là người bị kết án”, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết lấy ví dụ. Ông Thuyết cho rằng, cần phải nói rõ ngay từ đầu là đối tượng được áp dụng Luật Đặc xá là người đang chấp hành hình phạt tù vì “người vừa bị kết án xong chưa chấp hành hình phạt tù mà Chủ tịch nước lại ra ngay quyết định đặc xá thì không hợp lý”.
Những ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận này sẽ được ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý. Dự kiến, Dự thảo Luật Đặc xá sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại cuối kỳ họp này.
Hôm nay (1/11), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe và thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của
Theo VOV