Chủ Nhật, 29/09/2024 04:30 SA
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII:
Tăng trưởng kinh tế phải bền vững
Thứ Ba, 30/10/2007 07:35 SA

Hôm qua (29/10), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận những tồn tại, thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xoá đói giảm nghèo, chất lượng giáo dục đào tạo, chống tham nhũng, lãng phí, tốc độ tăng giá, những giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bền vững.

 

071030-hop.jpg

Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên thảo luận ở tổ

 

SỰ GƯƠNG MẪU CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU LÀ LIỀU THUỐC HỮU HIỆU PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

Một số đại biểu cho rằng thời gian qua Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Điều này được thể hiện ngay tại Văn phòng Chính phủ qua việc thanh tra Đề án 112, xử lý cán bộ của cơ quan này. Tuy nhiên ở một số nơi, việc điều tra, xét xử các vụ án trọng điểm, xử lý các hành vi nhũng nhiễu dân của một bộ phận công chức còn chậm, dẫn tới tình trạng khiếu kiện kéo dài...

 

Về biện pháp phòng, chống tham nhũng, nhiều đại biểu cho rằng, công khai, minh bạch, sự gương mẫu của người đứng đầu đơn vị là liều thuốc hữu hiệu phòng chống căn bệnh này. Theo đó, cần có sự phân cấp rõ ràng về mặt quản lý, nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, tránh tình trạng người đứng đầu vòng vo không dám chịu trách nhiệm, đùn đẩy cho tập thể; Hay nói cách khác, cần thể chế hóa trách nhiệm của người đứng đầu như một biện pháp nâng cao hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước. Một số đại biểu đưa ra hai vấn đề Chính phủ phải tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Đó là phải khẩn trương giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, thực hiện các chính sách chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Vấn đề thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

 

Theo một số đại biểu, thời gian qua, các tệ nạn xã hội, tai nạn lao động, tai nạn giao thông diễn ra phức tạp nhưng các biện pháp kiềm chế chưa cao. Nhiều người dân nêu ý kiến cho rằng tiến độ giải quyết các vụ án về tham nhũng còn chậm, lãng phí trong đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai vẫn còn diễn ra nhiều. Một số đại biểu dẫn số liệu nêu ra trong báo cáo Chính phủ cho thấy, hiện có hơn 200 trung tâm cụm xã được đầu tư nhưng sử dụng không hiệu quả. 732.877 ha đất của các lâm trường chưa được giao cho các địa phương quản lý trong khi người dân vẫn thiếu đất sản xuất.

 

NÔNG DÂN ĐANG PHẢI ĐÓNG QUÁ NHIỀU KHOẢN PHÍ

 

Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và xoá đói giảm nghèo cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho ý kiến. Một số đại biểu nêu một thực tế, nông dân hiện đang phải đóng quá nhiều khoản phí. Bên cạnh đó, phương tiện canh tác ở vùng nông thôn hiện nay vẫn thủ công, manh mún, năng suất thấp, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn... Vì thế nhiều lao động chính ở nông thôn phải bỏ ra thành phố kiếm sống và tìm việc làm. Các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Trước mắt, Chính phủ nên giảm bớt những khoản đóng góp của nông dân, đồng thời tăng cường đầu tư cho hệ thống thủy lợi, hỗ trợ vốn, giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân và có chính sách thu mua nông sản hợp lý. Một số đại biểu cho rằng giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn trong năm 2008 mà Chính phủ đưa ra còn mờ nhạt. Theo các đại biểu, Chính phủ cần tập trung đầu tư kiên cố hoá kênh mương, ở cả đồng bằng và miền núi, đầu tư cho giao thông nông thôn, điều chỉnh chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường để họ yên tâm công tác.

 

Về công tác xoá đói giảm nghèo, các đại biểu cho rằng đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và mấy năm qua Chính phủ cũng đã có nhiều chương trình mục tiêu để nhân dân các dân tộc vùng đói, nghèo được hưởng các chính sách ưu đãi như vay vốn và các chương trình, chiến lược khác. Các cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội cũng được cải thiện nhưng trên thực tế do đất canh tác ít, công nghiệp không có, việc làm càng khó khăn hơn nên thu nhập thực tế của người dân nơi đây rất thấp.

 

ĐÀO TẠO TẠI CHỨC: “BẰNG CẤP THẬT NHƯNG CHẤT LƯỢNG CHƯA THẬT”

 

Chất lượng giáo dục đào tạo cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nêu ý kiến. Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua có khá nhiều trường đại học được thành lập, nhưng các trường dạy nghề và đào tạo nghề còn rất ít. Việc chuẩn bị nhân lực lao động cho trước mắt và cả lâu dài đều chưa đáp ứng được. Nhiều vấn đề khác như trang thiết bị trường học, chất lượng đào tạo cũng được các đại biểu đem ra “mổ xẻ” với mong muốn lĩnh vực giáo dục sẽ có sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Một số đại biểu yêu cầu cần xem xét lại việc đào tạo tại chức tại địa phương. Theo các đại biểu, chất lượng đào tạo của hình thức này rất cần được chấn chỉnh vì “bằng cấp thật nhưng chất lượng chưa thật”.

 

Trong phiên thảo luận hôm qua, một số đại biểu cũng băn khoăn về giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Theo các đại biểu này, với tốc độ tăng giá tiêu dùng như hiện nay, việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng thấp dưới tốc độ tăng trưởng kinh tế là rất khó, nhất là khi chỉ còn hơn hai tháng nữa là kết thúc năm 2007. Về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng giá cả leo thang trong thời gian qua là do việc quản lý giá hiện nay còn để hổng khá nhiều. Do vậy, Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

 

                                                          

HOÀI THƯƠNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek