Sáng qua (31/10), dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008, phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung, phân bổ ngân sách địa phương năm 2008.
Thảo luận tại hội trường, phần lớn các đại biểu đều bày tỏ sự tán thành cao đối với Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách trình bày trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách năm 2007, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách năm 2008 của Chính phủ. Một trong những vấn đề thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đó là phần ngân sách dành cho đào tạo. Các đại biểu đều mong muốn Chính phủ chỉ đạo cụ thể, quyết liệt việc phân bổ ngân sách hợp lý và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước có hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực này. Đại biểu Nguyễn Viết Lểnh (đoàn Bình Định) đề nghị Chính đầu tư, nâng cấp các cơ sở đào tạo để có thể đạt được chuẩn quốc tế, vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa thu hút trở lại số học sinh, sinh viên hiện nay đang được bố mẹ đầu tư cho đi đào tạo ở nước ngoài. Đại biểu này cho rằng nếu chúng ta có những trường học chất lượng quốc tế thì chúng ta có thể đào tạo ở ngay trong nước và đặc biệt có thể mở dịch vụ đào tạo cho các nước trong khu vực. Các ý kiến đại biểu cho rằng, Chính phủ dành nguồn ngân sách cho giáo dục và coi đây là nguồn đầu tư cho phát triển, như thế chắc chắn sự nghiệp giáo dục sẽ phát triển.
Liên quan vấn đề tiết kiệm chống lãng phí, ý kiến của các đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề này ở hầu hết các lĩnh vực có liên quan đến ngân sách Nhà nước trong 9 tháng qua. Đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) kiến nghị Chính phủ cần làm rõ 2 loại lãng phí: vô hình và hữu hình. Đại biểu này cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã đề cập tương đối rõ về các hành vi lãng phí ngân sách Nhà nước ở dạng hữu hình nghĩa là có thể đo đếm được. Qua báo cáo cho thấy, tổng số lãng phí đã được phát hiện và kiến nghị thu hồi cùng các khoản mà một số địa phương và bộ, ngành tiết kiệm được qua tự kiểm lên đến 3.751 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu Văn, những lãng phí ở dạng vô hình có ảnh hưởng đến nền kinh tế còn lớn hơn nhiều. Đó là lãng phí do sử dụng vốn và quản lý tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước chưa hiệu quả, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên khoáng sản, lãng phí do quy hoạch, bố trí dự án dàn trải kém hiệu quả hay chưa thật cần thiết; chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn Nhà nước, chậm tiến độ các công trình dự án sử dụng ngân sách Nhà nước nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia… gây ra lãng phí lớn về cơ hội, về thị trường, về hiệu quả kinh tế xã hội do dự án chậm đưa vào sử dụng, chi phí quản lý tăng... Mặc dù những lãng phí ở dạng vô hình này có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nhưng hiện nay những lãng phí đó lại chưa được tính toán, chưa đưa ra những con số tuyệt đối mặc dù ai cũng có thể cảm nhận rất rõ dạng lãng phí này, và trên thực tế vẫn có thể tính toán được con số tuyệt đối.
Đại biểu Trần Minh Mẫn (Long An) lại băn khoăn về những khoản thu ước đạt cao như thu từ khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đại biểu này phân tích, mặc dù là hai khoản thu có tỷ trọng lớn, nhưng theo Báo cáo của Chính phủ thì hai khu vực này đang gặp một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Theo VOV