Chủ Nhật, 29/09/2024 22:35 CH
CHE-GUEVARA: Hiện thân của khát vọng tự do và bình đẳng
Thứ Hai, 08/10/2007 08:30 SA

LTS. Đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Cu-ba, nhân dân châu Mỹ La-tinh và nhân loại tiến bộ trên thế giới thì Ernesto ‘Che’ Guevara từ lâu đã là một huyền thoại. Cái chết của ông đã làm sinh sôi biết bao sự sống và sức sống khác.

 

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ông hy sinh (9/10/1967 - 9/10/2007), Báo Phú Yên xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của đồng chí VŨ VĂN THOẠI, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, về nhân vật “huyền thoại” này.

 

071008-che-4.jpgCó lẽ bắt đầu từ sự cảm nhận đến cảm phục về một con người, một nhân cách, tôi tự tìm đọc và cũng đã đôi lần viết lên những suy nghĩ của mình đối với Chê và cũng có lẽ từ những xẻ chia thông qua các bài viết của tôi, một số bạn bè trong những chuyến công tác nào đó, ở nơi này, nơi nọ tìm thấy những tác phẩm, những tư liệu về Chê thì họ đều gởi đến tôi với niềm trân trọng, hoặc là : “Kính tặng anh Ba để có thêm tư liệu về anh hùng Chê”, hoặc là “Tặng anh Ba để bổ sung bộ sưu tập về Chê- Bản lĩnh- tính cách- tình yêu và sự bất tử”.

 

Với tôi, điều rõ ràng là, Chê từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong tâm tưởng, trong suy nghĩ, trong xẻ chia mỗi khi có dịp nói về Cu Ba- hòn đảo tự do- anh hùng và xinh đẹp, nói về cuộc cách mạng đầy khí phách và rực lửa; và nói về những lãnh tụ của cuộc cách mạng ấy, những người mà tư tưởng và tấm gương của họ luôn là nguồn cổ vũ bất tận cho cuộc đấu tranh vì tự do, công lý và bình đẳng giữa các dân tộc.

 

*

*   *

Thấm thoát mà đã 40 năm, kể từ buổi chiều ngày mùng 9 tháng 10 năm 1967, khi loạt đạn cuối cùng của kẻ thù vang lên kết thúc cuộc đời của một chính khách, một lãnh tụ cách mạng, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi vì tự do trong điều kiện hoàn toàn thúc thủ, đã làm cho cả đất nước Cu Ba, cả Châu Mỹ La tinh và nhân loại tiến bộ nuối tiếc, bàng hoàng.

 

Chê bị bắt sau khi ông bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt, bắt đầu từ 4 giờ sáng, tại vùng rừng núi phía Tây Bôlivia. Các nhân viên cục tình báo Trung ương Mỹ ngay lập tức có mặt ở nơi ông bị bắt và cũng chỉ vài giờ sau đó, chúng đã quyết định giết chết ông mà không cần mang ra xét xử.

 

Rõ ràng, khi quyết định giết và thủ tiêu thể xác của ông, kẻ thù hy vọng việc làm đó sẽ giúp vĩnh viễn chôn vùi một tư tưởng, một nhân cách, vĩnh viễn xóa đi một biểu tượng của khát vọng đấu tranh vì tự do và bình đẳng giữa các dân tộc, đấu tranh vì lẽ sống của lớp bần cùng. Thế nhưng, những gì diễn ra đã hoàn toàn ngược lại với những toan tính của chúng. Cái chết của ông ngay lập tức được đáp trả bởi những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng chục triệu người trên khắp thế giới, lên án hành động dã man và đen tối của nhà cầm quyền Bôlivia và cơ quan tình báo Trung ương Mỹ. Đáng chú ý là cuộc biểu tình của sinh viên nhiều trường đại học ở Bôlivia, họ tuyên bố Chê là biểu tượng cho thế hệ thanh niên thế giới hiện nay, họ thừa nhận Chê là công dân, là người yêu nước của chính nước họ. Họ đòi chính phủ truy nhận cho Chê quốc tịch Bôlivia, bởi lẽ Chê đã đấu tranh và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng cho Bôlivia.

 

Ở Achentina, tổ quốc của Chê, hàng ngàn người biểu tình lên án, phản đối tội ác của CIA và Chính phủ Bôlivia. Tại Buenos Aires, trong một buổi lễ cầu nguyện cho Chê, một vị chủ tọa đã nói : “Hai phần ba nhân loại rất bức xúc trước cái chết của anh. Một phần ba nhân loại còn lại không phải không hiểu biết gì về tương lai của lịch sử. Chúng ta muốn cùng đi trên con đường hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, con đường đó chính là con đường mà Ernesto Che Guevara đã đi”.

 

071008-che-2.jpg

Hình ảnh Chê-Guevara trong trường học ở Cu-Ba

 

Còn tại Lahabana, tối ngày 18/10/1967 tức sau hơn 10 ngày, kể từ khi Chê trút hơi thở cuối cùng dưới bầu trời Bôlivia, một buổi lễ tưởng niệm chưa từng có diễn ra tại Quảng trường Cách mạng, với sự  có mặt của hàng triệu người dân Cu Ba. Trong không khí đặc biệt trang nghiêm và đầy xúc động, Fidel nói : “Đêm nay chúng ta tụ họp về đây để cùng bày tỏ tình cảm của mình với một con người được xem là một trong những đồng chí gần gũi nhất, được cảm phục nhất và không còn nghi ngờ gì nữa - người đồng chí kiệt xuất nhất của chúng ta trong cuộc cách mạng”.

 

Thật hiếm có một con người mà cả cuộc đời và sự nghiệp tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại một nhân cách sống, một nhiệt huyết cách mạng ngày càng tỏa sáng trong lòng nhân dân Cu Ba, nhân dân Châu Mỹ Latinh và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

 

*

*    *

Chê sinh ngày 16/4/1928 tại Rosario, Achentina. Năm 1953, Ông tốt nghiệp Đại học y khoa, nhưng không hành nghề y. Từ Achentina ông sang sinh sống ở Guetemala và tham gia phong trào bảo vệ chính phủ quốc gia dân tộc và tiến bộ, song bị thất bại. Từ đó ông quyết định rời khỏi nước này và có mặt ở Mêhicô. Tại đây, trong một dịp tình cờ, chỉ sau vài giờ trò chuyện, Chê và Fidel đã thống nhất với nhau về nhiều vấn đề của phong trào cách mạng. Từ sự thống nhất đó đã gắn bó hai người mà sau này trở thành biểu tượng của tình bạn, tình đồng chí.

 

Hai giờ sáng ngày 25/11/1956, trên con tàu mang tên Granma do Fidel chỉ huy xuất phát từ cảng Tuxpan, Che-guevara cùng 82 chiến sĩ Cu Ba đã thực hiện một hành động táo bạo, đổ bộ bằng đường biển lên đất liền Cu Ba. Sau gần 10 ngày đêm lênh đênh trên biển với biết bao hiểm nguy, mãi đến ngày 2/12/1956, con tàu mới cập vào bờ biển Cu Ba và cuộc chiến đấu đầy cam go bắt đầu từ đó. Và cũng chính từ cuộc chiến đấu một mất một còn đó đã  sớm bộc lộ khả năng quân sự tuyệt vời của Chê, điều mà ngay cả Fidel cũng không ngờ tới và vì thế Chê đã trở thành một trong những chỉ huy xuất sắc của nghĩa quân, được Fidel chỉ định là Tư lệnh mặt trận miền Trung, trực tiếp tiến đánh giải phóng Xan-ta-cla-ra, thủ phủ tỉnh Villas, cùng với các mặt trận khác, tiến lên đánh đổ chế độ độc tài thân Mỹ Batista, giải phóng hoàn toàn Cu Ba vào ngày 1/1/1959, cắm ngọn cờ xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở phía Tây bán cầu.

 

Sau thắng lợi của cách mạng, Chê nổi lên như một huyền thoại. Ông có mặt ở những cánh đồng mía với hai bàn tay lao động hăng say. Ông đại diện cho Chính phủ Cu Ba tham dự các phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Ông dẫn đầu đoàn đại biểu Cu Ba đi thăm và ký kết nhiều hiệp định, hiệp ước với các nước thuộc Châu Mỹ Latinh, Châu Âu, Châu Phi, Châu Á, trong đó phải kể đến những chuyến đi lịch sử đến các nước trong phe xã hội chủ nghĩa như: Liên bang Xô Viết, Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Âu khác. Tại các diễn đàn quốc tế và trong nước, tại các cuộc hội đàm song phương và đa phương bao giờ Ông cũng đứng về phía các dân tộc bị áp bức. Bao giờ ông cũng lên án đến tận xương tủy sự tàn bạo khôn cùng của chủ nghĩa Đế quốc, mầm mống và nguyên nhân của mọi thảm họa đối với con người và con đường duy nhất, không lay chuyển đối với ông và những người cách mạng là đấu tranh chôn vùi chủ nghĩa Đế quốc ở tận sào huyệt cuối cùng.

 

*

*    *

Có thể nói Che-Guevare là hiện thân của lẽ sống cách mạng. Ông quyết định chọn con đường cách mạng và hết lòng đấu tranh vì thắng lợi của sự lựa chọn ấy. Đối với ông, chiến đấu cho một Châu Mỹ tự do, bình đẳng, thoát khỏi mọi ách áp bức của chủ nghĩa Đế quốc bao giờ cũng là nỗi khát khao mãnh liệt. Chính vì thế, ngay sau khi giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng Cu Ba, Ông quyết định rời khỏi Cu Ba để tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng dưới một bầu trời khác. Chính quyết định có tính lịch sử đó đã làm lay động con tim và khối óc của không ít các chính khách. Song điều đặc biệt hơn là quyết định đó đã làm lay động đến hàng triệu trái tim trên trái đất này.

 

071008-che-1.jpg

Chê-Guevara là biểu tượng anh hùng của thanh niên thế giới

 

Lá thư giã biệt mà Chê bí mật gởi lại cho Fidel đề ngày 1/4/1965 trước lúc lên đường, có đoạn:

... Tôi cảm thấy rằng, tôi đã hoàn thành vai trò bổn phận đã gắn bó tôi với cách mạng Cu Ba trên vùng đất này và tôi phải nói lời từ biệt anh, từ biệt các đồng chí của anh, với nhân dân của anh mà giờ đây cũng là nhân dân của tôi.

 

Hồi tưởng lại quá khứ, tôi tin rằng tôi đã làm việc một cách chính trực và tận tâm để củng cố cho thắng lợi của cách mạng.

 

…Giờ đây các phần đất khác trên thế giới đòi hỏi sự đóng góp khiêm tốn của tôi. Tôi có thể làm điều mà anh không thể làm được, vì trách nhiệm của anh là người đứng đầu nhà nước Cu Ba . Và vì vậy đã đến lúc chúng ta phải chia tay nhau.

 

…Nếu một ngày nào đó, trong những giờ phút sau cùng của tôi xảy ra ở một phương trời xa lạ nào khác thì ý nghĩ sau cùng của tôi cũng sẽ hướng về dân tộc này và đặc biệt là hướng về anh. Tôi rất biết ơn về những lời giáo huấn và tấm gương của anh. Đó là những điều mà tôi sẽ cố gắng trung thành cho đến khi hành động của tôi có được kết quả cuối cùng.

 

Tôi luôn luôn đồng nhất với chính sách đối ngoại của cuộc cách mạng của chúng ta, và tôi sẽ tiếp tục như vậy. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi vẫn cảm thấy trách nhiệm của mình là một chiến sĩ cách mạng Cu Ba, và tôi sẽ luôn hành xử như thế. Tôi không ân hận là đã không để lại  gì cho vợ con tôi, tôi rất hạnh phúc với điều này. Tôi không yêu cầu gì cho vợ con tôi vì nhà nước sẽ cung cấp đủ để họ an tâm trong cuộc sống và được học hành.

 

Còn biết bao điều tôi muốn bày tỏ với anh và với nhân dân chúng ta, nhưng tôi cảm thấy không cần thiết vì ngôn từ không thể biểu đạt hết những gì tôi muốn nói...

 

-  Tổ quốc hay là chết.

 

... Hôn anh với tất cả nhiệt tình cách mạng.

 

Ở Chê, tình cảm cao đẹp không chỉ với cách mạng, ông còn là người con hiếu thảo, người chồng, người cha mẫu mực. Lá thư cuối cùng gởi lại cho cha mẹ, ông viết : “Mười năm trước con đã viết cho cha mẹ một lá thư từ biệt. Có lẽ  lá thư lần này là lá thư từ biệt cuối cùng. Con nào có muốn vậy, chẳng qua đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra đối với con. Điều đó cũng có nghĩa rằng, đây có thể là lần   mạo hiểm cuối cùng của con, con không đi tìm cái chết, nhưng rất có khả năng điều đó sẽ đến. Nếu xảy ra trường hợp này con muốn ôm hôn cha mẹ lần cuối”.

 

Cùng với những lá thư ấy, ông cũng dành cho các con của mình những ý nghĩ sau cùng. Ông viết: “Một ngày nào đó khi các con đọc lá thư này, điều đó cũng có nghĩa là cha không còn nữa. Các con sẽ nhớ rất ít hoặc thậm chí không thể nhớ điều gì về cha. Cha các con là người hành động theo niềm tin của mình và luôn trung thành với niềm tin đó”, “Trên tất cả, từ trong sâu thẳm con người con phải luôn sẵn lòng cảm nhận bất kỳ sự bất công nào đối với bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Đó chính là phẩm chất cách mạng cao quý nhất”. Và rằng “Các con hãy lớn lên như những người cách mạng”.

 

*

*    *

Đã 42 năm kể từ khi ông lặng lẽ rời khỏi Cu Ba, sau thắng lợi của cách mạng và sau 40 năm kể từ ngày ông trút hơi thở cuối cùng, Che-Guevara vẫn sống trong lòng nhân dân Cu Ba và  bè bạn. Tấm áp phích lớn phác họa chân dung Chê vẫn đặt ở vị trí trang trọng, đối diện Quảng trường Cách mạng Lahabana, hình ảnh Chê bao giờ cũng xuất hiện trong các cuộc mít tinh lớn, đặc biệt Đảng và Nhà nước Cu Ba quyết định lấy ngày mùng 8 tháng 10  hàng năm tức trước ngày hy sinh của Chê một ngày làm ngày tưởng niệm “Người du kích Anh hùng”, và từ đó đến nay đã gần tròn 40 năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cu Ba vẫn một lòng trung thành với quyết định đó.

 

Đặc biệt hơn, sau đúng 30 năm (1967-1997), bằng nỗ lực phi thường và sự giúp đỡ của Chính phủ tiến bộ Bôlivia, Đảng và Nhà nước Cu Ba đã tìm được chính xác hài cốt của Chê và đồng đội.  Ngày 17 tháng 10 năm 1997, tại Quảng trường mang tên Chê ở thị xã Xan-ta-cla-ra, miền trung Cu Ba, một nghi lễ được tổ chức trọng thể nhất theo nghi thức quân đội với sự có mặt của Fidel Castro cùng các lãnh tụ cách mạng và hàng chục vạn nhân dân Cu Ba trong đó có cả vợ và các con ông để đưa tiễn Chê và đồng đội của ông đến nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Trước vong linh Chê và đồng đội, Fidel nói: “Xin cảm ơn anh, Chê, vì sứ mệnh lịch sử, vì cuộc đời và vì tấm gương của anh. Xin cảm ơn anh đã đến và chiến đấu cùng chúng tôi trong cuộc đấu tranh gian khổ. Ngày hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây và cùng thề rằng sẽ luôn bảo vệ những lý tưởng và những giá trị mà anh đã quên mình chiến đấu”.

 

“Xin chào các đồng chí, những người anh hùng của binh đoàn quốc tế. Những lý tưởng mà các đồng chí đã ngã xuống để bảo vệ cùng với nhân dân chúng ta, sẽ không bao giờ có thể bị kẻ thù tước đoạt! Và chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau chiến đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn”.

 

Và, khi hài cốt của Chê và các anh hùng liệt sĩ được đặt vào lăng, thì cả đất nước Cu Ba, từ nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học đến tàu bè và các loại xe đều đồng loạt kéo còi vĩnh biệt.

 

Thế là sau 30 năm, ông lại trở về yên nghỉ trong lòng Tổ quốc thứ hai của mình- Tổ quốc Cu Ba anh hùng và huyền thoại.

 

Đấu tranh vì tự do và bình đẳng luôn là khát vọng mà con người đang vươn tới, song để đạt được lý tưởng cao đẹp đó hoàn toàn không dễ dàng. Con người còn phải đi tiếp những chặng đường rất dài của lịch sử. Thế nhưng, điều đáng mừng là trên từng bước đi đó, họ luôn được cổ vũ bởi những tấm gương mà Che-Guevara là một trong những tấm gương bất tử.

 

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng lời bình của First news khi nói về Chê: “Mỗi con người đều có mục đích và lẽ sống riêng của mình, với Chê đó là hiến dâng đời mình cho cách mạng, cho hạnh phúc nhân loại. Tuy anh không còn nữa nhưng chúng ta vẫn tìm thấy nơi con đường anh chọn niềm kiêu hãnh chói ngời một chân lý và niềm tin”.

 

Xin gởi tới hương hồn Chê và đồng đội của Ông nén hương ngưỡng mộ!

 

01-10-2007

 

VŨ VĂN THOẠI

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek