Chủ Nhật, 29/09/2024 22:23 CH
Kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2007
Chủ Nhật, 07/10/2007 09:42 SA

Ngày 6/10, phiên họp phiên họp thường kỳ tháng 9/2007 của Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các phó thủ tướng đã kết thúc.

 

071007-CP-hop.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ. - Ảnh customs.gov.vn

 

Tại Phiên họp này, Chính phủ đã nghe, thảo luận và cho ý kiến một số nội dung chính: Báo cáo về sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ; Báo cáo công tác chỉ đạo, đối phó cơn bão số 5; Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 về cải cách hành chính; Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật (sửa đổi); Dự án Luật Ðầu tư công; Dự án Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng; Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát biển; Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, thị trường trong nước và xuất nhập khẩu tháng 9 và chín tháng năm 2007; Báo cáo về công tác cải cách hành chính và tình hình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tháng 9 và quý III - 2007; Báo cáo về Ðề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (Ðề án 112).

 

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và chín tháng năm 2007, theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và ý kiến của các thành viên Chính phủ, mặc dù liên tiếp phải đối mặt với nhiều khó khăn phát sinh như: cúm gia cầm, hạn hán, giá xăng dầu tăng cao..., nhưng nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao, nhiều chỉ tiêu đạt khá so với cùng kỳ, nhiều mặt hoạt động xã hội có tiến bộ. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 8,16% (cùng kỳ năm 2006 tăng 7,84%), trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,15%; khu vực dịch vụ tăng 8,54%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị gia tăng của ngành dịch vụ tăng cao hơn mức tăng GDP và cao hơn nhiều so mức tăng cùng kỳ năm 2006 đã góp phần nâng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,1%, cao hơn so kế hoạch năm (kế hoạch 17%) với sự đóng góp tích cực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thị trường và giá cả, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 19,4% so cùng kỳ, vượt mức kế hoạch đề ra (kế hoạch là 17,4%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt được nhiều kết quả tốt, số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 38%, số vốn thực hiện tăng gần 20% so với chín tháng năm 2006. Các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, giảm nghèo, bảo trợ xã hội... có nhiều tiến bộ.

 

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chín tháng chưa đạt được mục tiêu kế hoạch là 8,5%. Ðể năm 2007, GDP tăng 8,5%, trong quý IV GDP phải đạt được 9,3%, đây là mức rất cao ( GDP quý IV năm 2006 chỉ tăng 8,96%). Chỉ số giá tiêu dùng chín tháng tăng cao với mức 7,32%, trong khi thị trường trong nước ba tháng cuối năm tiềm ẩn những yếu tố gây biến động giá, do nhu cầu nguyên vật liệu, hàng hóa sẽ tăng cao. Thực hiện vốn đầu tư, nhất là vốn tín dụng đầu tư và vốn trái phiếu Chính phủ đạt thấp. Ðời sống của một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Một số vấn đề xã hội như: tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, ách tắc giao thông và quản lý đô thị chưa tốt, gây bức xúc trong nhân dân. Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong ba tháng còn lại, đó là: Tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đi đôi với giảm chi phí sản xuất để nâng cao giá trị tăng thêm, nhất là đối với ngành công nghiệp, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, cải cách thủ tục đầu tư, tận dụng cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước; đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tỷ lệ nhập siêu; tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá trong những tháng tới, bảo đảm mức tăng giá (CPI) thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP); tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là các bệnh có khả năng lây nhiễm trong mùa đông; tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông, nhất là việc giải quyết nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc cải cách hành chính vừa qua đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, yêu cầu các bộ và địa phương rà soát lại toàn bộ công việc, làm tốt công tác cải cách hành chính nội bộ, cải cách hành chính thuế và nhất là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản.

 

Về Ðề án 112, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 112 ngày 25/7/2001 Phê duyệt Ðề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (gọi tắt là Ðề án 112). Ban điều hành Ðề án 112 được thành lập ngày 17/9/2001 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm sáu thành viên do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðình Thuần làm Trưởng ban. Ban điều hành Ðề án 112 hoạt động dưới hình thức kiêm nhiệm, được phép sử dụng con dấu và tài khoản của Văn phòng Chính phủ. Kinh phí hoạt động của Ban điều hành do Ngân sách Nhà nước cấp qua Văn phòng Chính phủ từ nguồn kinh phí thực hiện Ðề án 112. Ðánh giá về tình hình thực hiện đề án, Văn phòng Chính phủ cho rằng, mặc dù Ðề án đã có một số kết quả nhất định, tuy nhiên đã có những hạn chế, thiếu sót và bất cập trong thực hiện Ðề án 112. Cụ thể là, về bộ máy triển khai đề án, Ðề án 112 là một đề án lớn, quan trọng nhưng lại giao cho Ban điều hành do một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Trưởng ban và một số Thứ trưởng kiêm nhiệm làỦy viên điều hành triển khai thực hiện (các ủy viên tuy là ở các Bộ quan trọng có liên quan nhưng do bận công tác, nên ít dự họp và tham gia chỉ đạo, nhiều thành viên đã chuyển công tác hoặc đã về hưu nhưng không được bổ sung, thay thế). Trên thực tế, việc điều hành Ðề án do Trưởng ban và bộ phận thư ký giúp việc. Ban thư ký  lại ít biên chế, mà dùng nhiều cán bộ biệt phái từ các đơn vị khác... Với bộ máy như vậy, khó có thể triển khai tốt các nhiệm vụ của Ðề án được giao. Về thực hiện kinh phí của Ðề án, Tổng kinh phí được duyệt là 3.836,85 tỷ đồng, tổng kinh phí được cấp phát là 1.534,325 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng kinh phí đã sử dụng cho Ðề án là 1.159,636 tỷ đồng, còn lại 374,689 tỷ đồng. Trong quá trình tổ chức thực hiện Ðề án phát sinh một số sai phạm, đó là sai phạm của Ban điều hành và trực tiếp là Trưởng ban và Ủy viên thư ký Ban điều hành, không phải là sai của cả Ðề án. Về mặt hành chính, việc Ðề án có nhiều yếu kém không được sửa chữa, khắc phục trong thời gian dài là do yếu kém trong tổ chức, năng lực và hoạt động của Ban điều hành, sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ của Ban. Ban điều hành cũng không thực hiện đúng chế độ báo cáo thường xuyên theo quy định, dẫn tới các cơ quan có thẩm quyền và người lãnh đạo không nhận được thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình thực hiện Ðề án. Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các sai phạm trong việc triển khai thực hiện Ðề án không phải là sai phạm của cả Ðề án. Việc Bộ Công an vừa qua  khởi tố vụ án là khởi tố những hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản của Nhà nước trong quá trình thực hiện Ðề án, chứ không phải là khởi tố dự án. Do đó, các kết quả mà Ðề án đã đạt được cần tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, để việc quản lý và thực hiện Ðề án tốt hơn, Thủ tướng Chính phủ quyết định bàn giao nguyên trạng bộ máy giúp việc Ban điều hành Ðề án 112 cho Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp tục triển khai Ðề án. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an thực hiện nghiêm việc điều tra vụ án liên quan đến Ðề án này, nếu có dấu hiệu tham ô thì phải làm rõ và xử lý nghiêm, không lo ngại ảnh hưởng đến uy tín của Văn phòng Chính phủ. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng Bộ Thông tin và Truyền thông nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc lãnh đạo thực hiện Ðề án.

 

Về tình hình lũ lụt sau cơn bão số 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hậu quả của bão lũ là rất nặng nề. Hiện tại, ở hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình nhiều vùng đang bị ngập lụt, có nơi ngập sâu 6-7m, hàng chục nghìn người đang cần được giúp đỡ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng huy động lực lượng đưa hết số người bị "kẹt" trong lũ đến nơi an toàn, Các địa phương bị lũ thực hiện tốt việc chăm lo nơi ăn, ở cho nhân dân và sớm ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục sản xuất các vùng lũ.

 

* Chiều 6/10, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ có sự tham gia chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Chính sách xã hội. Những người chủ trì họp báo đã thông tin những vấn đề liên quan việc cho học sinh, sinh viên vay vốn theo Quyết định số157/2007/QÐ-TTg, ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; nội dung chính phiên họp thường kỳ tháng 9-2007 của Chính phủ và trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo liên quan việc cho học sinh và sinh viên nghèo vay vốn; tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và chín tháng năm 2007; những vấn đề liên quan sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ; việc thực hiện Ðề án 112 liên quan một số cán bộ Văn phòng Chính phủ.

 

Theo NDO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek