Thứ Hai, 30/09/2024 00:29 SA
Cần giữ gìn và phát huy truyền thống Trường Trung học bình dân miền Nam Trung bộ
Chủ Nhật, 07/10/2007 08:00 SA

LTS: Trường Trung học bình dân miền Nam Trung bộ là một trường đặc biệt, được mở ra trong hoàn cảnh đặc biệt, dành cho đối tượng đặc biệt là những cán bộ có trình độ sơ đẳng tiểu học, nhằm nâng cao trình độ cán bộ làm nền cho sự phát triển về sau. Vì hoàn cảnh lịch sử, trường chỉ mở được 3 khóa (từ năm 1947 đến 1952) nhưng đã đào tạo hơn một nghìn cán bộ, trong đó, sau này có nhiều người là cán bộ chính trị cấp cao, tướng lĩnh quân đội, anh hùng lực lượng vũ trang, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường (10/1947 - 10/2007), Báo Phú Yên xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Huỳnh Trúc - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên là học viên của Trường Trung học bình dân Nam Trung bộ.

 

Trường Trung học bình dân miền Nam Trung bộ ra đời  vào mùa thu năm 1947, đến nay đã tròn 60 năm.

 

Như chúng ta biết, sau Cách mạng tháng Tám ở miền Nam Trung bộ cũng như cả nước có một lớp cán bộ trẻ đầy nhiệt tình cách mạng nhưng trình độ văn hóa còn hạn chế, hầu hết chỉ mới học tiểu học.

 

Đồng chí Phạm Văn Đồng thường suy nghĩ muốn làm người, muốn làm cách mạng phải học. Ông cha ta đã nói: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” nghĩa là ngọc không trau dồi không thành vật quý, người ít học hỏi không thấu đạo lý. Xuất phát từ nhận thức trên, Trường Trung học bình dân miền Nam Trung bộ ra đời. Đây là một mô hình nhà trường kiểu mới, một trường đặc biệt trong hoàn cảnh sau Cách mạng tháng Tám hai năm. Bài học đầu tiên của trường do đích thân người sáng lập giảng là bài học “Trung với nước, hiếu với dân”. Hầu hết học sinh là những cán bộ trẻ, đang công tác ở huyện ở tỉnh. Phương pháp của trường là phương pháp bình dân, với phương châm trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học. Trong hai năm học, trường dạy chương trình trung học 4 năm và có đủ các môn cơ bản: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Nhạc, Họa.

 

Đây không chỉ là trường văn hóa mà còn là trường chính trị đào tạo cán bộ chính trị cho Liên khu 5. Trường mở ra từ 1947 đến năm 1952, trong 3 khóa đã đào tạo hơn 1000 cán bộ phục vụ yêu cầu kháng chiến.

 

Những quyết sách kháng chiến lâu dài được đồng chí Phạm Văn Đồng và Liên khu ủy 5 quyết định là: Sản xuất tự túc, bao vây kinh tế địch, phát hành tín phiếu, mở trường Trung học bình dân… Đúng như giáo sư Hoàng Tụy nhớ lại: “Hồi ấy sau năm 1946, Pháp thường xuyên ném bom, bắn phá, càn quét các tỉnh khu 5, ai cũng lo chống giặc và tự túc sản xuất để sống còn, còn ai có tâm trí nghĩ đến học hành, thế mà kỳ diệu thay, suốt mấy năm dưới sự lãnh đạo của anh Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng), nhà trường ở đây không ngừng phát triển, đặc biệt anh đã chỉ đạo thành lập Trường Trung học Lê Khiết và Trường Trung học bình dân miền Nam Trung bộ. Hai trường này đã góp phần thiết thực nâng cao dân trí và đào tạo cán bộ, trở thành biểu tượng niềm tin vào sức mạnh giải phóng của giáo dục ở một miền đất từ xưa vốn nghèo khổ mà hiếu học”. Đến cuối năm 1952, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến và kiến quốc, Đảng đã tung hết thầy giáo và học viên vào các chiến dịch lớn, chuẩn bị tổng tấn công chống giặc Pháp  xâm lược và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn ở Lào và Campuchia.

 

Từ ngôi trường này, các thế hệ thầy và trò đã phát huy truyền thống trung với nước hiếu với dân trên mọi nẻo đường của đất nước, góp phần tích cực vào sự thành công của hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Ở Phú Yên, trong 3 khóa học có 176 cán bộ được cử đi học trường Trung học bình dân. Qua hoạt động thực tiễn và học lên, có đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, là thứ trưởng, có đồng chí là anh hùng quân đội, hàng chục đồng chí đang giữ trọng trách lãnh đạo ở các tỉnh, nhiều đồng chí là bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, nhạc sĩ; có đồng chí là giáo sư, tiến sĩ.

 

Chúng ta rất tự hào về những học trò Trường Trung học bình dân miền Nam Trung bộ ở tỉnh  Phú Yên, tất cả đều cống hiến hết mình, không một học sinh nào đi chệch lý tưởng cách mạng “Trung với nước hiếu với dân”.

 

Ngày 1/5/1995, đại biểu các Ban liên lạc và cựu giáo viên đến chúc thọ đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng chí Phạm Văn Đồng nói: “Trường Trung học bình dân miền Nam Trung bộ mà các đồng chí giáo viên, học viên, nhân viên… đã cùng chung sức xây dựng, chúng ta đều đã biết trường có nhiều thành tựu, đào tạo được nhiều cán bộ góp phần vào sự nghiệp đấu tranh cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do. Những điều đó là hiển nhiên, khỏi phải nhắc lại nữa. Tôi nghĩ nếu như một sự kiện nào đó trong lịch sử còn có ý nghĩa, còn được nhắc đến, thì điều đó còn mang tính thời sự, còn có tác dụng đối với hoạt động của con người, của xã hội. Nếu không như vậy thì lịch sử chỉ là lịch sử, một khúc sông cụt của cả dòng sông lớn và thời gian càng trôi đi, khúc sông cụt lịch sử càng bị khuất lấp, lãng quên. Còn nếu các đồng chí nguyên là thầy và trò của trường thấy rằng còn có ý nghĩa lịch sử, còn có sức sống, tác dụng tốt đối với công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước ta thì không nên chậm trễ không được phá hoại thời gian để làm cho ý nghĩa, tác dụng  đó  bị  phai nhòa.

 

HUỲNH TRÚC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek