Nhân chuyến công tác Hà Nội, tôi đến thăm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) đúng dịp triển lãm “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B”. Những năm tháng gian khổ, hào hùng của dân tộc được tái hiện sinh động qua hàng ngàn bộ hồ sơ, hình ảnh kỷ vật của cán bộ đi B. Triển lãm còn giới thiệu huân, huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen, thư, tiền, ảnh cá nhân… của cán bộ gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, công tác. Trong hồ sơ và kỷ vật của cán bộ đi B có những vật dụng cá nhân đã gắn bó với họ trong quá trình công tác, chiến đấu như mũ tai bèo, khăn rằn, ba lô, võng dù, bi đông, túi vải, dép cao su, gậy Trường Sơn…
Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước - Trần Hoàng trao tặng hồ sơ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cho gia đình
Với nhận thức sâu sắc về trách nhiệm nghề nghiệp, thể hiện tinh thần “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, phát huy vai trò, giá trị của tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã bảo quản chỉnh lý, hệ thống hóa và sắp xếp theo mẫu tự gần 56 ngàn bộ hồ sơ cán bộ đi B từ 1959 – 1975. Mới đây, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, kỷ niệm 62 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tại Hà Nội đã diễn ra một việc làm đầy ý nghĩa. Đó là lễ trao danh mục hồ sơ cán bộ đi B của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho 12 tỉnh, trong đó tỉnh Phú Yên có 1088 hồ sơ cán bộ đi B vào Nam công tác theo con đường dân sự. Việc làm đầy trách nhiệm, nghĩa tình với người có công của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và những cán bộ làm công tác lưu trữ đã giúp nhiều gia đình biết thêm những thông tin, có cơ hội nhận lại những hồ sơ, kỷ vật của người thân.
Cuộc triển lãm “ Hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B “ đã làm xúc động trái tim hàng vạn người, vì phản ánh cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, gắn với số phận của hàng chục vạn con người trong bối cảnh chiến tranh. Một cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho chúng tôi biết: Suốt mấy chục năm qua, cùng với hàng vạn hồ sơ khác, hồ sơ đi B của chị Đặng Thùy Trâm vẫn luôn được những người làm công tác lưu trữ bảo quản và giữ gìn trong điều kiện tốt nhất tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Theo hồ sơ, Đặng Thùy Trâm còn có biệt danh là Sao Mai. Đây là biệt danh bắt buộc cho bất cứ ai đi B ngày ấy. Chị là người con của hai vùng đất: Huế (quê cha) và Quảng
Những dòng tự thuật trong lý lịch và những lời nhận xét của các cấp chính quyền, đoàn thể ghi trong hồ sơ đã toát lên hình ảnh Đặng Thùy Trâm như một người con gái có tấm lòng nhân hậu, một người bạn chân thành với bạn bè, một học sinh tích cực trong học tập, công tác, một bác sĩ có tấm lòng cao cả, một đoàn viên thanh niên ưu tú có lý tưởng, hoài bão và luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi B vào Nam công tác khi Tổ quốc cần. Đọc mỗi trang trong hồ sơ đi B của Đặng Thùy Trâm, ta có thể hiểu đây không chỉ đơn thuần là những tờ khai lý lịch cán bộ thông thường mà mỗi nét chữ là sự kết tinh và hội tụ cả đạo đức, năng lực, ý chí và lý tưởng sống của người nữ thanh niên trí thức trong thời chiến: Sẵn sàng hy sinh vì quê hương đất nước.
Trải qua thời gian, các giấy tờ đã ngã sang màu vàng, nhưng nét chữ vẫn còn rõ ràng, dễ đọc. Trên các trang viết là chữ của Đặng Thùy Trâm, nét chữ nghiêng, mềm mại, giống như nét chữ của chị trong nhật ký.
Liên hệ với nhật ký chiến trường của chị, có thể nói rằng chính chiếc nôi gia đình, truyền thống quê hương và ý chí của chị thể hiện trong hồ sơ đi B là xuất phát điểm, là hành trang bảo đảm tạo nên sức mạnh cho cuộc sống và hành động của chị nơi chiến trường Quảng Ngãi, để từ đó tạo nên một anh hùng Đặng Thùy Trâm.
HỒNG VIỆT