Chủ Nhật, 29/09/2024 16:22 CH
Từ mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh”
Thứ Bảy, 01/09/2007 14:00 CH

Trong “Tuyên ngôn Độc lập” Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.

 

070831-bac-ho1.jpg

Ngày 2/9/1945, tại Quãng trường Ba Đình, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

 

Độc lập, tự do” của dân tộc, của đất nước luôn phải gắn với cuộc sống “Ấm no hạnh phúc” của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Nếu nước được “Độc lập” mà dân không được hưởng “Tự do, ấm no, hạnh phúc” thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Trách nhiệm của Đảng và Chính phủ là phải đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như Người đã nói: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (1). Phấn đấu để dân được “ấm no, hạnh phúc” cũng gian nan không kém gì phấn đấu để đạt được mục tiêu “Độc lập, tự do”.

 

Tính từ Cách mạng tháng Tám đến nay, thuận lợi, thành công rất to lớn, nhưng khó khăn, tổn thất cũng không ít. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi ta còn chưa biết cụ thể “chủ nghĩa xã hội” là thế nào, thì có người đã coi cuộc sống cộng đồng bình quân chủ nghĩa với kinh tế tự cấp, tự túc gian khổ để kháng chiến, đã là bước đầu của “Xã hội xã hội chủ nghĩa” rồi. Đến kháng chiến thành công thì có tư tưởng nóng vội. Cho đến tháng 1/1994 (Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng), chúng ta khẳng định mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Và đến Đại hội IX của Đảng, tháng 6 năm 2001, chúng ta bổ sung để có mục tiêu hoàn chỉnh là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh...” theo lô-gích phát triển của lịch sử, nhằm cụ thể hóa mục tiêu “Độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc” mà dân tộc ta phấn đấu từ Cách mạng tháng Tám. Nay mục tiêu đó đang cần thực thi trong những điều kiện mới, bằng những chủ trương, chính sách mới.

 

Đọc lại Chủ trương cứu nước (tức Cương lĩnh) của Mặt trận Việt Minh trong Cách mạng tháng Tám chúng ta thấy, cùng với mục tiêu “Độc lập tự do” là các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ nhân quyền, dân quyền, tài quyền, tôn trọng cả công hữu lẫn tư hữu... để dân có được “ấm no, hạnh phúc”.

 

Ngày nay, nếu lấy tinh thần quyết tâm của Cách mạng tháng Tám là “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết tâm giành cho kỳ được độc lập”, thì cũng phải với quyết tâm cao không kém, để đạt mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Khó khăn là khó khăn lắm, gian nan là gian nan nhiều. Dân tộc Việt Nam ta còn phải quyết tâm phấn đấu nhiều lắm. Không ai có thể chủ quan, tự mãn được.

 

Tôi nhớ năm 1983, tôi sang Nhật Bản làm giáo sư thỉnh giảng Trường đại học Keio, một học giả nước này nói với tôi rằng: “Trước thời Minh trị Duy tân ở Nhật, và ở Việt Nam lúc đó là triều Thiệu Trị- Tự Đức, cuộc sống kinh tế của nhân dân Nhật Bản không cao hơn của nhân dân Việt Nam. Nhưng hiện nay, chỉ xét về kinh tế, Việt Nam kém Nhật Bản khá xa”.

 

Ngày nay nhiều bạn bè nhận xét: Việt Nam đang trở thành “Con Rồng”, “Con Hổ” về kinh tế ở châu Á. Nhưng cũng có người nhắc ta “Đừng chủ quan, khó lắm đấy!”. Một trí thức Việt kiều (2) đưa ra luận điểm về “Việt Nam - đột phá từ triết lý phát triển”, trong đó nói rõ: “Chúng ta cần phân tích sâu hơn thực trạng và triển vọng tăng trưởng của đất nước để thấy hết trách nhiệm của thế hệ chúng ta hôm nay, không phải hổ thẹn vào năm 2045, khi thế hệ con cháu chúng ta kỷ niệm 100 năm Quốc khánh và 70 năm ngày thống nhất đất nước”.

 

Từ mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh...” hiện nay, nhìn về Cách mạng tháng Tám chúng tôi cũng rất quan tâm khi thấy hai trong bốn nguy cơ mà ngay từ Hội nghị toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII, đã cảnh báo là: “1. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. 2. Nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu” (3) chưa được khắc phục có hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng  còn có những yếu tố thiếu bền vững.

 

Đứng từ góc độ lịch sử, tôi nghĩ rằng: Ngày nay, lấy mốc kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng tháng Tám mà quyết tâm phấn đấu là rất phù hợp. Bởi vì: Nếu sau Cách mạng tháng Tám, nhà thơ Tố Hữu đã phấn khởi nói lên rằng: “Trăm năm mất nước mất nhà/ Hôm nay mới cất lời ca tiếng cười” thì 100 năm sau bước ngoặt đó (2045), chúng ta sẽ phấn khởi, tự hào cao hơn là: Dân Việt Nam đã giàu, nước Việt Nam đã mạnh; Xã hội Việt Nam đã công bằng, dân chủ, văn minh. Điều này phù hợp với mục tiêu mà Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Là người làm sử hiện đại, tôi luôn lấy quá khứ và hiện tại làm cơ sở để suy ngẫm về tương lai.

 

Năm nay tôi đã 82 tuổi đời, 60 tuổi Đảng, nhớ lại những ngày Cách mạng tháng Tám 1945, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chúng tôi chẳng hiểu được gì cao cả, xa xôi về chủ nghĩa xã hội, chỉ bằng vào thực tế mà ca ngợi cách mạng là: “Sao vàng, Cờ đỏ: Cửa ngỏ, Dân no”.

 

Nay dân ta mới no mà chưa giàu; về an ninh trật tự (“Cửa ngỏ”) đã  bảo đảm an ninh về chính trị, nhưng trật tự an toàn xã hội còn nhiều bức xúc. Thấy như vậy, nhưng không ai bi quan. Đó là khó khăn, thách thức trong bước đi lên. “Tất cả do con người, tất cả vì con người”! Phải bằng mọi biện pháp tăng cường nguồn nhân lực, đào tạo phát triển nhân tài, phát huy dân chủ, xây dựng và phát triển kinh tế tri thức... Tất cả để tiến tới một nền văn minh  mới của Việt Nam trong thế kỷ này.    

 

Giáo sư VĂN TẠO -  N.D

 

 

(1) Hồ Chí Minh. Tuyển tập. NXB Sự thật, 1960, trang 544.

(2) TS Vũ Minh Phương, Đại học Quốc gia Xin-ga-po.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tháng 1/1994, trang 25.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek