Thứ Sáu, 29/11/2024 04:37 SA
Xây dựng nhà nước pháp quyền theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ Nhật, 02/09/2007 07:00 SA

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kiến tạo nền Cộng hòa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ tổ chức tổng tuyển cử tự do bầu Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp để nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ.

 

070901-bac-ho1.jpg

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời sau cuộc tuyển cử đầu tiên trong cả nước ngày 6/1/1946.

 

Hiến pháp năm 1946 ra đời là thành quả dân chủ to lớn, mở đầu quá trình phát triển của nền chính trị hiến pháp dân chủ Việt Nam. Hiến pháp nêu rõ quyền dân chủ rộng rãi của nhân dân, phác thảo những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân, thể hiện “một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T4, tr.440). Nhà nước mới được xây dựng là của toàn thể dân tộc và Chính phủ là “Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”. Là chủ thể của Nhà nước, nhân dân có thực quyền tham gia kiểm soát hoạt động của bộ máy Nhà nước và công chức, viên chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước dân. Người thường dạy bảo, căn dặn cán bộ, viên chức rằng, dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải cậy thế với dân rồi sinh ra cửa quyền, lạm quyền, lộng quyền. Bác còn chỉ ra những căn bệnh xuất hiện trong chính quyền mới như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo làm mất lòng dân và nhấn mạnh: Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng… (Xem Hồ Chí Minh, Toàn tập, T8, tr.375).

 

Đối với việc củng cố, xây dựng Nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng mở rộng quyền dân chủ và các điều kiện đảm bảo phát huy dân chủ, thực hiện dân chủ để nhân dân lao động có thực quyền kiểm soát chính quyền và hoạt động của bộ máy Nhà nước, cán bộ, công chức. Muốn thực hiện dân chủ thì người dân phải hiểu, biết quyền lợi và trách nhiệm của mình. Do vậy một giải pháp rất quan trọng mà Bác Hồ đưa ra để xóa nạn mù chữ là diệt giặc dốt, nâng cao dân trí. Theo Người, khi dân trí được nâng lên thì nhân dân mới có khả năng, sáng kiến tham gia xây dựng Nhà nước, chọn lựa đại biểu, bổ sung chính sách, luật pháp cũng như thực hiện quyền dân chủ đúng đắn, thực hiện quyền giám sát, kiểm soát chính quyền Nhà nước và cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.

 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân là một kiểu Nhà nước mới do nhân dân lao động làm chủ, phục vụ lợi ích của dân và dân có quyền kiểm soát Nhà nước. Vấn đề cốt lõi trong xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm lợi ích và quyền lợi thuộc về nhân dân thì phải giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

 

Hơn 60 năm qua, nhất là trong hơn 20 năm đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm củng cố, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy dân chủ, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Nghị quyết Đại hội X của Đảng khẳng định: Việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN cần phải đặt lên trước hết là xây dựng cơ chế vận hành, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Theo đó, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì nhân dân có quyền giám sát và bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nếu họ không xứng đáng, không làm tròn nhiệm vụ “công bộc” của dân. Đó là nguyên tắc bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với chính quyền. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cán bộ, công chức Nhà nước chiếm một vị trí quan trọng trong việc củng cố, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thật sự vì dân. Cán bộ công chức Nhà nước phải thật sự là công bộc của dân, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, làm cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước phải là người am hiểu chính sách, pháp luật, đồng thời có liên hệ mật thiết với nhân dân, những người có tinh thần trách nhiệm và bao dung.

 

Theo tinh thần của Đại hội X và các Nghị quyết Trung ương 3, 4 và 5, Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới tổ chức gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, có thể thấy rõ rằng, việc đổi mới tổ chức và hoạt động Nhà nước từ lập pháp, hành pháp và tư pháp đều thể hiện sự vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới, mà nội dung cốt lõi là phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

 

Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới cần tập trung tốt một số việc cơ bản:

 

Ban hành và hoàn thiện chế độ công vụ gắn liền với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước, thiết thực phục vụ nhân dân.

 

Đề cao trách nhiệm giải quyết khiếu kiện, tố cáo của công dân, bảo đảm tính công minh của pháp luật, có lý, có tình.

 

Đẩy mạnh chống “giặc nội xâm” là tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Nghiêm khắc xử lý những cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, lộng quyền, lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi, nhũng nhiễu dân.

 

Tập trung sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ quản lý xã hội, quản lý đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phục vụ dân sinh.

 

Cần nắm vững tinh thần cơ bản có tính chất chỉ đạo là phát huy cao nhất quy chế dân chủ từ cơ sở, để xây dựng Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước, từ trung ương đến cơ sở, thực hiện sáng tạo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, góp phần đẩy mạnh công cuộc CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek