Thứ Hai, 30/09/2024 12:21 CH
"Lãng phí lớn nhất là bỏ qua cơ hội"
Thứ Năm, 28/06/2007 09:30 SA

Cho rằng "Nghị định về cách chức người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí tài sản công" mới ban hành lần này là sự cụ thể hóa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng lưu ý đến sự lãng phí liên quan đến việc xác định các ưu tiên cho đất nước và phân bổ các nguồn lực sai.

070628--nguyen-si-dung.jpg

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: "Lãng phí to lớn hơn thường do chính sách sai gây ra"

Nghị định về "cách chức người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí tài sản công" sẽ có tác dụng hỗ trợ như thế nào cho việc phát huy hiệu lực của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

Nghị định mới ban hành này thực chất là để triển khai và cụ thể hóa Luật nói trên.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, lãng phí trong việc quản trị tài sản công chỉ là một phần lãng phí nhỏ. Lãng phí lớn hơn thường nằm ở việc xác định các ưu tiên cho đất nước sai và việc phân bổ các nguồn lực của đất nước sai. Nghĩa là những lãng phí to lớn hơn thường do chính sách sai gây ra.

Giả sử, đầu tư xây một con đường với hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng rốt cuộc chỉ có vài trăm lượt xe cộ lưu thông mỗi ngày, đó chính là một sự lãng phí do việc xác định ưu tiên sai. Khi đó, sự lãng phí xảy ra không chỉ do giá trị sử dụng của con đường rất thấp, mà còn do nhiều cơ hội khác để phát triển kinh tế - xã hội đã bị bỏ qua.

Nghị định có nói đến "xử lý trách nhiệm người đứng đầu" nếu để xảy ra lãng phí tài sản công như xe công, nhà công vụ... Vậy giả sử nếu để xảy ra lãng phí các nguồn lực như tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản... thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu như thế nào?

Tài sản công  bao gồm tài sản quốc gia và tài sản nhà nước. Tài sản nhà nước mà người quản lý phải chịu trách nhiệm và nếu lãng phí sẽ bị cách chức là những tài sản như xe công, nhà công vụ... Còn các nguồn tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia. Tài sản quốc gia bị thất thoát, lãng phí vẫn chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm?

"Phải phân cấp trách nhiệm người đứng đầu"

Khi dự thảo Nghị định về quy định trách nhiệm người đứng đầu được đưa ra lấy ý kiến toàn dân, đã có những ý kiến lo ngại về hiệu lực thực thi. Vậy theo ông, việc thực hiện nghị định "cách chức người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí tài sản công" lần này có thể sẽ gặp khó khăn gì khi thực thi hay không?

Nếu chỉ quy định "người đứng đầu" chung chung mà không phân cấp người đứng đầu theo các thiết chế thì sẽ rất khó áp đặt trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm người đứng đầu phải được quy định theo quyền hạn và cấp bậc của các tổ chức quyền lực.

Chẳng hạn, người đứng đầu Chính phủ phải chịu trách nhiệm về chính trị với các chính sách ban hành. Các cấp như thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng... chịu trách nhiệm với Chính phủ và Chính phủ sẽ xử lý nếu để xảy ra sai phạm.

Kiểu "người đứng đầu" khác không phải cơ quan quản lý mà là các cơ quan cung cấp các dịch vụ quản lý công lại có những đặc thù riêng. Trách nhiệm là "anh" có cung cấp các dịch vụ đó công bằng hay không? Có cung cấp thường xuyên hay không? Chẳng hạn, "anh" có trách nhiệm cung cấp dịch vụ nước cho một đơn vị, một khu vực nào đó... Nhưng trong suốt nhiều năm trời, người dân ở đó vẫn không có nước để dùng. Nếu cách chức họ vì tội đã để xảy ra tham nhũng thì sẽ không hợp lý bởi họ không tham nhũng mà chỉ là đã không chịu cung cấp dịch vụ theo đúng chức năng và quyền hạn.

Đây là những sự phân cấp rất tinh tế mà nếu nghị định chỉ quy định chung như vậy sẽ không bao quát được hết khi xảy ra lãng phí và thất thoát.

"Cơ chế khuyến khích công chức thay vì kỷ luật"

Nghị định nêu rõ các cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình. Theo ông, quy định này khả thi đến đâu?

Pháp luật đóng vai trò quan trọng, nhưng chỉ một mình pháp luật thì không bao giờ giải quyết được vấn đề một cách triệt để.

Vấn đề mấu chốt là đạo đức công vụ, "phần mềm" bên trong điều khiển các hoạt động của tất cả công chức. Ngoài những quy chuẩn pháp lý, phải có thêm các tiêu chuẩn về đạo đức công vụ. Liêm chính, công tâm, tận tụy… là những tiêu chuẩn không thể thiếu của đạo đức công vụ.

Nhưng đây lại là những vấn đề lớn của cách thức tổ chức và vận hành bộ máy. Ở các nước, Thủ tướng vẫn là người lãnh đạo nhưng đứng đầu bộ máy công vụ phải là "anh" Tổng Công vụ trưởng.  Chẳng hạn như ở  Anh, Singapore...

Nhưng bên cạnh tiêu chuẩn về đạo đức công vụ, cần có những ràng buộc gì để công chức thực thi đúng trách nhiệm?

Đi theo mô hình này, "anh"  phải chấp nhận những chuẩn mực. Vi phạm chuẩn mực là các kiểm toán viên sẽ vào cuộc. Khi kiểm toán phát hiện ra sai phạm, nếu lỗi nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng hơn bị mất lương, nặng hơn nữa là mất chức.

Ngoài ra, để vận hành nền công vụ, họ có những cơ chế để khuyến khích các công chức tận tụy và tận tâm. Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm không phải chỉ bằng các biện pháp kỷ luật mà cần có hệ thống khuyết khích để công chức càng tiết kiệm được bao nhiêu thì bản thân họ sẽ càng hưởng lợi nhiều bấy nhiêu. Khi "anh" đã khuyến khích cho cả bộ máy cùng tiết kiệm để nền kinh tế tăng lên, thì phần "bonus" anh được hưởng cũng nhiều lên.

Như vậy, đạo đức và hệ thống khuyến khích là rất quan trọng để hình thành một nền công vụ. 

Theo VNN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek