Ngày 1/4/1975, tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng. Trưa 30/4/1975, đại quân ta tiến vào Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhớ lại những ngày tháng hào hùng không thể nào quên ấy, đại tá Trần Văn Mười - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Trưởng ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên năm 1975, không giấu được xúc động:
Đại tá Trần Văn Mười (phải) thăm hỏi một cựu chiến binh ở xã An Dân, huyện Tuy An - Ảnh: PHẠM CÔNG
Đã 32 năm rồi nhưng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn những ký ức về cuộc chiến đấu gian khổ, về sự hy sinh không thể nào nói hết được của biết bao đồng đội, đồng bào, đồng chí vì độc lập, tự do vẹn toàn của đất nước hôm nay… Ngay sau khi ta giải phóng Phú Yên vào ngày 1/4/1975, Ban Quân quản được thành lập để điều hành công việc của một chính quyền cách mạng non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lực lượng vũ trang chúng tôi thì tập trung vào mấy nhiệm vụ chủ yếu. Đó là tiếp tục truy quét tàn quân ngụy còn lẩn trốn, thu vũ khí và quân trang quân dụng của địch, giữ tù binh, quản lý sân bay Đông Tác và lập kế hoạch phòng chống địch phản kích. Triển khai phương án này, chúng tôi bố trí các đơn vị đặc công, pháo binh, phòng không, các tiểu đoàn bộ binh vào những vị trí phù hợp. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang còn phối hợp với lực lượng an ninh tuần tra canh gác bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức mít-tinh phát động quần chúng chào mừng thắng lợi gắn với ra sức bảo vệ thành quả cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất… Có thể nói, những ngày ấy, công việc bề bộn cứ cuốn hút cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhưng ai nấy cũng đều rất vui, rất phấn khởi vì quê hương đã được giải phóng.
* Thưa đại tá, Phú Yên chúng ta đã góp phần như thế nào để cùng toàn dân tộc đi đến buổi trưa toàn thắng ngày 30/4/1975?
- Ngày 7/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ra lệnh cho Phú Yên tiếp nhận và hỗ trợ, tạo điều kiện cho hai đơn vị chủ lực là Sư đoàn 3 và Lữ đoàn 52 hành quân dọc Quốc lộ 1A để tiếp tục chiến đấu, giải phóng các tỉnh phía
Ở một góc độ khác, có thể nói rằng, chiến thắng đường 5 trước đó hơn một tháng (ngày 25/3/1975) của quân và dân Phú Yên đã gián tiếp góp phần vào ngày toàn thắng 30/4. Chiến thắng rất quan trọng này đã đánh bại hoàn toàn ý đồ rút lui chiến lược về co cụm phòng thủ đồng bằng để chờ thời cơ phản kích của quân ngụy Sài Gòn, từ đó tạo thêm điều kiện và thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là chiến thắng của sự quả cảm, táo bạo, quyết đoán, nhanh nhạy của quân và dân toàn tỉnh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, đồng thời chứng minh rằng bộ đội địa phương cũng có khả năng đảm nhận một hướng của chiến dịch hoặc mở những chiến dịch địa phương để tiêu hao, tiêu diệt, kềm chế, giam chân địch, tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực tập trung trên các hướng chiến dịch trọng điểm.
* Xin cảm ơn đại tá !
THẠCH BI SƠN – TRỌNG HẢO (thực hiện)