Thứ Tư, 02/10/2024 00:21 SA
Buổi sáng 30/4 lịch sử
Thứ Hai, 30/04/2007 07:01 SA

Sau những chiến thắng dồn dập liên tiếp của đại quân ta, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp ra kết luận: “Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc”.

 

070430-sg1.jpg

Nhân dân Sài Gòn hân hoan đón chào bộ đội giải phóng ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu

 

Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện làm Phó tư lệnh.

 

Với năm cánh quân tiến công ào ạt, đập nát mọi kháng cự của địch, rạng sáng 30/4/1975, bộ đội giải phóng đã áp sát Sài Gòn, làm nên một chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc. Chúng tôi muốn gợi lại cùng bạn đọc không khí hào hùng của buổi sáng 30/4 ấy ở Sài Gòn qua đoạn trích sau đây từ cuốn sách “Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” (NXB QĐND, 2005).

 

Buổi sáng 30 tháng 4, ở dinh Độc Lập, Dương Văn Minh đang chủ trì cuộc họp các tổng trưởng của chính quyền Sài Gòn để chuẩn bị cho lễ ra mắt “tân nội các” dự định sẽ tiến hành vào 10 giờ sáng. Nhưng khi nhận được tin các đơn vị nòng cốt bảo vệ vòng ngoài đều bị tiêu diệt và tan rã, các binh đoàn, quân đoàn của ta từ nhiều hướng đã tràn vào tới nội đô, Dương Văn Minh buộc phải đưa ra một bản tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn xin “ngừng bắn… để cùng thảo luận  về việc bàn giao chính quyền”!

 

Nhưng khi các cánh quân của ta từ nhiều hướng dũng mãnh đè bẹp mọi sự kháng cự cuối cùng của địch, đang ồ ạt tiến vào nội đô Sài Gòn, thì mọi toan tính của chính quyền Sài Gòn đã quá muộn!

 

070430-sg4.jpg

Lữ đoàn xe tăng 203 đánh chiếm phủ Tổng thống nguỵ

 

Cũng trong sáng ngày 30 tháng 4, từ Hà Nội, Bộ Chính trị điện chỉ thị cho mặt trận như sau:

 

“Tiếp tục tiến vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch”.

 

Nhận được điện chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã lệnh cho các quân khu, quân đoàn, đơn vị tham gia chiến dịch:

 

1. Các quân khu, quân đoàn, đơn vị, tiếp tục phát triển tiến công thật nhanh vào các khu vực và mục tiêu đã quy định trong thành phố và địa phương.

 

2. Kêu gọi quân địch đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí, bắt giữ và tập trung các sĩ quan địch từ cấp tá trở lên.

 

3. Nếu chỗ nào địch chống cự thì lập tức tiến công tiêu diệt ngay.

 

Khi nghe đài phát thanh Sài Gòn thông báo Tổng thống chính quyền Sài Gòn yêu cầu ngừng bắn thì cán bộ, chiến sĩ ta hiểu rằng giờ toàn thắng đã đến và càng quyết tâm tiến nhanh vào chiếm dinh Độc Lập, bắt toàn bộ bọn đầu sỏ chính quyền Sài Gòn.

 

Đoàn xe tăng, cơ giới của Quân đoàn 2 tiến vào tới trước cửa dinh Độc Lập. Xe tăng 843 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận trực tiếp làm trưởng xe luôn dẫn đầu; kíp xe gồm: Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỳ và Lừ Văn Thái. Tiếp sau là xe 390 do chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm: Lê Đình Phượng, Nguyễn Văn Tập và Ngô Sĩ Nguyên; riêng pháo thủ Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau. Xe 843 tiến đến trước hàng rào dinh Độc Lập húc thẳng vào cổng phụ, bên cạnh cổng chính, xe bị mắc kẹt dừng lại. Ngay lúc đó, xe 390 lao lên, húc đổ cổng chính dinh Độc Lập. Trung úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận từ xe 843 cầm lá cờ Giải phóng, chạy lên cắm trên đỉnh nóc dinh tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Lúc đó là 11 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

Cùng thời gian, trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ và một số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 và biệt động thành Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính quyền Sài Gòn. (1)

 

Ngay sau đó, đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đến đài phát thanh. Trong lúc đồng chí Thệ và các đồng chí cán bộ Trung đoàn 66 soạn thảo nội dung lời tuyên bố đầu hàng, thì đồng chí Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 đến, mọi người cùng bàn bạc soạn thảo tiếp. Đồng chí Thệ đọc cho Dương Văn Minh chép lại nội dung bản tuyên bố đầu hàng.

 

Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn: “Tôi Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam - Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam”. Tiếp đó đồng chí Bùi Văn Tùng vinh dự thay mặt các đơn vị Quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, dõng dạc tuyên bố: “… Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn… Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã hoàn toàn giải phóng”.

 

Từ đài phát thanh Sài Gòn vừa được giải phóng, tiếng nói của đội quân chiến thắng được truyền tới khắp mọi miền Tổ quốc và tới khắp năm châu, báo tin vui sự nghiệp giải phóng miền Nam đã hoàn thành, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã toàn thắng.

 

Đứng trong “dinh Độc Lập” - thủ phủ chính quyền Sài Gòn đã về tay cách mạng; cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 ý thức sâu sắc  rằng mình đã cùng cả dân tộc tới được đích thắng lợi của mấy chục năm chiến đấu kiên cường, anh dũng.

 

Cũng trong sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Quân đoàn 2 đánh chiếm dinh Độc Lập thì các Quân đoàn 3, 1, 4 và Đoàn 232 đã đánh vào nội đô, chiếm gọn các mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu, bộ quốc phòng, biệt khu thủ đô, tổng nha cảnh sát của chính quyền Sài Gòn.

 

Cùng với các cánh quân tiến vào giải phóng thành phố, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã chiếm lĩnh nhiều công trình kinh tế, văn hóa, làm chủ các đường phố, hăng hái dẫn bộ đội đi chiếm các vị trí của địch, lùng bắt bọn ác ôn lẩn trốn, tham gia gìn giữ trật tự trị an, nhanh chóng ổn định tình hình.

 

Để kịp thời bảo đảm trật tự an ninh trong thành phố và các vùng vừa được giải phóng, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 được ủy nhiệm của Bộ chỉ huy chiến dịch, chủ động ra Thông cáo số 1 báo cáo với toàn thể đồng bào: “Quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975. Chính quyền Sài Gòn đã phải đầu hàng vô điều kiện…”, và tạm thời nêu sáu quy định để mọi người thực hiện, bảo đảm trật tự trị an và sinh hoạt bình thường trong thành phố. Đài phát thanh Sài Gòn cứ 15 phút lại phát đi bản Thông cáo số 1 một lần.

 

Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến cuối cùng đại thắng.

 

Thành phố Sài Gòn - thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu hoàn toàn giải phóng.

 

Nhân dân Sài Gòn xuống đường hò reo đón chào bộ đội cách mạng. Cờ đỏ sao vàng, cờ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam rợp các đường phố. Bà con cô bác, nam nữ thanh niên, các cháu thiếu nhi vây quanh các anh bộ đội, vây quanh những chiếc xe tăng, những khẩu pháo, nét mặt ai nấy đều hân hoan rạng rỡ. Cả Sài Gòn, cả Việt Nam lúc ấy sống trong niềm vui vô tận. Đó là niềm vui giải phóng của cả dân tộc Việt Nam mong đợi suốt 21 năm, đúng hơn là 30 năm kể từ ngày Nam Bộ kháng chiến. Trong giờ phút hào hùng của lịch sử, mọi người đều xúc động nhớ tới Bác Hồ. Bác Hồ ơi! Tuân theo Di chúc của Người chúng con đã thực hiện trọn vẹn điều Bác hằng mong “đánh cho Mỹ cút” và hôm nay “ngụy đã nhào”, non sông thu về một mối, Nam - Bắc sum họp một nhà.

 

070430-sg5.jpg

Thanh niên Sài Gòn chào đón các chiến sĩ tự vệ Giải phóng Sài Gòn

 

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương, cảnh sát thuộc quân khu 3 địch, lực lượng tổng trù bị còn lại và tàn quân của quân đoàn 1 và quân đoàn 2 chạy về, đập tan hệ thống ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định, các tỉnh Tân An, Gò Công, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa - Vũng Tàu… tạo điều kiện cho Quân khu 8 và Quân khu 9 cùng với nhân dân địa phương tiến công và nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân khu 4 địch và giải phóng đồng bằng Cửu Long trong 2 ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5 năm 1975.

 

- Cụ thể đã tiêu diệt làm tan rã khoảng 250.000 tên địch (trong đó có khoảng 160.000 tên bị bắt và đầu hàng, 15.700 tên bị diệt, còn lại tan rã). Tính đến ngày 10 tháng 10 năm 1975, có thêm hơn 700.000 tên ra trình diện (có 30 tướng, hơn 400 đại tá, hơn 2.000 trung tá, hơn 5.000 thiếu tá, gồm 60.000 cấp úy, còn lại là hạ sĩ quan, binh sĩ và nhân viên ngụy quyền). Về đơn vị, có 7 sư đoàn bộ binh (3 sư đoàn mới khôi phục), 5 lữ đoàn, 4 sư đoàn không quân, 90 đơn vị hải quân… Ta đã thu: 500 khẩu pháo, hơn 400 xe tăng thiết giáp, hơn 800 máy bay, hơn 600 tàu chiến, hơn 270.000 khẩu súng các loại, hơn 3.000 xe các loại, thu toàn bộ kho tàng địch.

 

- Ta hy sinh và bị thương hơn 6.000 đồng chí (chủ lực), bị cháy và hỏng 33 xe tăng, tiêu thụ khoảng 4.500 tấn đạn lớn.

 

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng có nhiều ý nghĩa hết sức to lớn.

 

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc ta; mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước ta.

 

(ND)

_____________

1. Nội các chính quyền Sài Gòn bị bắt gồm có Dương Văn Minh - Tổng thống, Nguyễn Văn Hiền - Phó tổng thống, Vũ Văn Mẫu - Thủ tướng chính phủ, Bùi Tường Huân - Phó thủ tướng. Nguyễn Văn Hảo - Phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ kinh tế, Lý Quang Trung - Bộ trưởng bộ thông tin, Nguyễn Văn Điệp - Bộ trưởng thương mại, Lê Quang Trưởng - Bộ trưởng bộ tài chính, Nguyễn Văn Ba - Thứ trưởng thông tin, Bùi Thế Dung - Thứ trưởng quốc phòng, Nguyễn Hữu Hành - Chuẩn tướng phụ tá tổng thống, Vũ Quang Chiêm - Đại tá chánh văn phòng phủ thủ tướng…

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek