Thứ Bảy, 12/10/2024 23:35 CH
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:
Nhớ mùa xuân thắng lợi trên bàn đàm phán
Thứ Tư, 05/02/2014 07:00 SA

Từng là người phụ nữ duy nhất, đại diện cho một trong bốn bên đặt bút ký Hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giữ cương vị Phó chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Bình luôn dốc hết tâm sức cho nước, cho dân. Sau khi nghỉ hưu, nữ chính trị gia nổi tiếng, cháu ngoại chí sĩ Phan Chu Trinh vẫn miệt mài làm việc. Bước vào mùa xuân thứ 87 của đời mình, người phụ nữ thông minh, lịch lãm tại Hội nghị Paris năm nào vẫn đầy ắp dự định và mong cho đất nước ngày một phát triển.

 

nho-mua-xuan.jpg

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng các đại sứ và lãnh đạo tỉnh Phú Yên trồng cây lưu niệm tại vườn cây hữu nghị Khu du lịch sinh thái Sao Việt  - Ảnh: MINH KÝ

* Thưa bà, trong hơn 80 mùa xuân đã qua, bà ấn tượng với mùa xuân nào nhất?

 

- Mỗi mùa xuân có một dấu ấn riêng với những cảm xúc riêng. Cái tết vui nhất đối với tôi là cái tết sau khi ký Hiệp định Paris - Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký vào 27/1/1973. Không lâu sau đó thì tết đến. Lúc ấy, tôi và một số đồng chí còn ở bên Pháp. Chúng tôi đón một cái tết rất đặc biệt với bà con Việt kiều; một cái tết mang đậm hồn Việt trên đất Pháp, có bạn bè cùng chia sẻ. Niềm vui lớn nhất trong mùa xuân năm đó chính là thắng lợi của chúng ta trên bàn đàm phán, là Hiệp định Paris được ký kết.

 

* Giai đoạn 1968-1972, bà nổi tiếng trong các cuộc họp báo về hội nghị 4 bên ở Paris, với sự thông minh và phong cách lịch lãm, duyên dáng. Vì sao bà vẫn giữ được sự duyên dáng, lịch lãm trong cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng đó, thưa bà?

 

- Lúc bấy giờ, tôi không nghĩ mình có lịch lãm hay không, đó là điều tự nhiên của con người mình. Nhưng mình đại diện cho cả dân tộc Việt Nam, cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nên trong các hoạt động ngoại giao hay trả lời phỏng vấn báo chí đều có sự chuẩn bị chu đáo. Mình phải dự kiến tình hình. Tất nhiên có những tình huống phát sinh và mình phải xử lý một cách thông minh, nhưng nói chung là phải chuẩn bị kỹ. Cũng có lúc gặp khó khăn đấy, nhưng vì đã chuẩn bị kỹ nên lúc nào chúng tôi cũng tự tin. Cả đoàn là một tập thể đoàn kết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Và chúng tôi luôn nghĩ rằng sau lưng mình là cả một cuộc chiến đấu của dân tộc nên vững vàng, tự tin trước đối phương.

 

* Nhìn lại chặng đường đã qua, từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ lâm thời tại Hội nghị Paris, Bộ trưởng Bộ Giáo dục… sau khi đất nước thống nhất rồi làm Phó chủ tịch nước, bà tâm đắc nhất điều gì?

 

- Với tất cả nhiệm vụ được giao, tôi luôn cố gắng làm hết sức mình. Tôi không được đào tạo về ngoại giao nhưng từng hoạt động chính trị, đó là vốn liếng để mình có thể áp dụng, đấu tranh trên bàn đàm phán. Tôi xác định phải làm hết trách nhiệm của mình, huy động trí tuệ tập thể cùng đóng góp và luôn rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn lần trước. Cứ thế tôi vừa làm vừa học tập.

 

Tôi từng dạy học, dù chưa được đào tạo ở trường sư phạm. Sau giải phóng, các đồng chí lãnh đạo nói rằng trong giai đoạn phát triển này, vấn đề giáo dục rất quan trọng và tin tưởng giao cho tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1976 đến 1987, tôi đã làm việc hết sức mình. Sau này, khi tôi sắp sửa nghỉ hưu, các đồng chí lãnh đạo nói: Bây giờ cần có một Phó chủ tịch nước là phụ nữ. Tôi nói các đồng chí cứ cân nhắc, thấy tôi làm được thì tôi sẽ làm. Tôi luôn luôn mong muốn đóng góp cho đất nước, cho nhân dân. Tôi nghĩ nhân dân mình xứng đáng có một tương lai tốt đẹp sau bao nhiêu năm chiến đấu, hy sinh, gian khổ.

 

* Xuân Giáp Ngọ này, bà bước vào tuổi 87. Bà có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi đón mùa xuân thứ 87 của cuộc đời?

 

- Nếu tính theo tuổi hưu thì lẽ ra tôi đã nghỉ hưu mấy chục năm rồi (cười). Tôi làm Phó chủ tịch nước trong 10 năm, đến năm 2002, ở tuổi 75, tôi mới nghỉ hưu. Khi đó tôi có quyền nghỉ và xứng đáng được nghỉ nhưng từ khi gọi là nghỉ hưu về mặt nhà nước, trên thực tế tôi vẫn làm việc vì thấy tình hình đất nước còn nhiều khó khăn. Chúng ta đã chiến đấu rất dũng cảm, rất anh hùng để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Rồi chúng ta bước vào giai đoạn phát triển đất nước với muôn vàn khó khăn. Sau 30 năm liên tục kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đất nước bị tàn phá nặng nề, xã hội gánh chịu nhiều hậu quả của chiến tranh. Thế giới đi vào toàn cầu hóa; đất nước ta đứng trước những khó khăn mới. Tôi hiểu được tình hình đó và thấy rằng mình còn sức khỏe, còn làm việc được thì phải tiếp tục đóng góp. Cho nên sau khi nghỉ hưu, tôi thành lập Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam đến nay đã hơn 10 năm. Tôi muốn tập hợp các anh chị em có tâm huyết và năng lực để tiếp tục cống hiến cho đất nước.

 

Tôi cho rằng trong năm 2014 này, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những khó khăn. Vì vậy, mọi người phải cùng góp sức, làm sao để đất nước chúng ta vượt qua khó khăn, đạt được những mục tiêu đã đặt ra. Riêng tôi xác định mình còn sức khỏe, còn đóng góp được thì cố gắng làm.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek