Chủ Nhật, 13/10/2024 01:16 SA
Một mùa xuân không thể nào quên
Chủ Nhật, 02/02/2014 15:00 CH

Xuân Giáp Ngọ 1954 - sáu mươi năm trước, vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp trực tiếp ra chiến trường chỉ huy cuộc quyết chiến ở Ðiện Biên Phủ. Xuân Giáp Ngọ 2014, Ông đã hóa thân thành mùa xuân vĩnh hằng, trường tồn với đất nước và lịch sử dân tộc. Tưởng nhớ Ông với tất cả lòng thành kính, Báo Phú Yên trích đăng trước tác của Ông “Một mùa xuân không thể nào quên” về cái tết độc lập đầu tiên năm 1946.

 

mot-mua-xuan.jpg

Mùa xuân đến với chúng tôi cập rập trên lưng đèo, trong đêm mưa.

 

Tết Độc lập đầu tiên ở Thủ đô chắc là vui lắm. Mười ngày trước, đã nghe thư Bác kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào chia sẻ cuộc vui chung với các chiến sĩ ngoài mặt trận, với gia đình chiến sĩ. Chiều hôm nay, khi qua Đà Nẵng, được đọc thư chúc Tết của Bác. Bác đã dành những tình cảm thắm thiết cho các chiến sĩ đang “đốt thuốc súng để giữ gìn Tổ quốc trong khi đồng bào đốt pháo mừng xuân”. Trong thư, Bác có mấy câu thơ:

 

Bao giờ kháng chiến thành công, Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.

Tết này ta tạm xa nhau,

Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.

 

Lá thư đầu xuân Bác viết chung cho cả nước đó, mỗi người đọc, đều tưởng như Bác viết cho chính mình.

 

Hôm sau, ra tới Huế. Chúng tôi cùng dự buổi mít ting lớn đón xuân với đồng bào tại bến Thương Bạc. Rừng người, cờ và biểu ngữ bát ngát. Chiều xuân chan hòa nắng ấm. Tất cả Huế đều có mặt. Đồng bào Huế sôi nổi khi nghe nói tình hình mặt trận, quyết tâm của Hồ Chủ tịch và Chính phủ là đẩy mạnh kháng chiến, tích cực chuẩn bị kháng chiến lâu dài đề phòng địch mở rộng chiến tranh.

 

mot-mua-xuan-1.jpg

Đồng chí Võ Nguyên Giáp thăm Trung đoàn Thủ đô năm 1946.

“Một năm mở đầu bằng mùa xuân”. Bác đã viết ba lá thư gửi đồng bào, chiến sĩ, thanh niên và nhi đồng nhân dịp xuân Bính Tuất. Xuân này lại là xuân mở đầu của những mùa xuân độc lập, tự do trên đất nước. Tết này, theo ý kiến của Bác, là Tết thực hành đời sống mới, Tết chia sẻ niềm vui chung của mọi người từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, Tết nghĩ đến các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Tối 30 Tết, tại Hà Nội. Như thường lệ, những đêm cuối năm, hai bên hè phố, các ngôi nhà, cửa đều khép kín. Đời sống vật chất còn nhiều khó khăn. Nhưng không khí của Tết Độc lập đã đến với mỗi căn nhà.

 

Dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng đều có một bàn thờ Tổ quốc, có cờ Nước, chân dung Hồ Chủ tịch, có đèn và hoa. Sau bữa cơm cúng gia tiên, câu chuyện ở mỗi gia đình đã là những câu chuyện mới, chuyện chính trị, chuyện về cuộc mít tinh lớn toàn thành để mừng xuân ngày mai, chuyện kháng chiến ở miền Nam. Mấy hôm trước, các khu đội tự vệ đã viết về những bức thư chúc Tết, nhắc nhở đồng bào luôn luôn nhớ tới các chiến sĩ đang đem xương máu hy sinh chiến đấu ở tiền tuyến, ăn Tết Độc lập thật tươi vui nhưng tiết kiệm, dành tiền gửi cho các ủy ban ủng hộ kháng chiến Nam Bộ.

 

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố vừa ăn cơm tối ở nhà riêng xong, thì Bác tới. Bác đến đột ngột, không báo trước. Bác muốn đi chúc Tết đồng bào Thủ đô nhân dịp đầu xuân.

 

Trời mưa lâm thâm. Đường phố lúc này vắng vẻ, thơm mùi thuốc pháo. Những lá cờ ban đêm thắm lại dưới ánh đèn.

 

Anh Hưng đưa Bác tới một gia đình ở phố Cửa Nam. Chủ nhà là đại đội trưởng tự vệ. Cả gia đình này đều hăng hái tham gia các hoạt động cứu quốc.

 

Ở nhà này ra, Bác muốn đến thăm một xóm lao động. Bác nói hãy đưa Bác tới một gia đình thật nghèo. Người nghèo trong thành phố còn nhiều lắm, nhưng đưa Bác đến nhà ai bây giờ?

 

Bác bảo dừng xe trước một ngõ nhỏ ở phố Sinh Từ: ngõ Hàng Đũa. Những ngõ, xóm này là cái mặt sau của thành phố mà bọn thực dân gần một trăm năm qua không bao giờ nghĩ đến chuyện sửa sang, dù chỉ là xây một chiếc máy nước, hay bắc một ngọn đèn.

 

Trời tối. Đường mấp mô, lầy lội vì mưa. Những lá cờ treo trước các mái nhà lụp xụp, đụng cả vào đầu khách đi qua đường. Bác đi sâu vào trong ngõ.

 

Một căn nhà cửa để ngỏ, có ánh đèn dầu. Bác dừng chân rồi rẽ vào.

 

Nhà khá đông người. Đây là nơi chung của mấy gia đình. Giữa nhà, trên vách có treo Quốc kỳ, ảnh Bác và những dây hoa giấy, mọi người đang ngồi nói chuyện vui vẻ. Câu chuyện tạm ngừng khi một ông cụ mặc chiếc áo kali cao cổ, chống gậy bước vào.

 

Thoạt đầu, ai nấy nhìn nhau, người gia đình này tưởng ông cụ là khách của gia đình kia. Bác hỏi thăm việc chuẩn bị Tết. Những người trong nhà trả lời Bác vui vẻ. Nồi bánh chưng đặt ở góc sân, nước đang sôi. Đôi mắt Bác hiện lên ánh vui, Bác nói mấy lời chúc Tết. Mọi người bỗng nhận ra cụ già hồn hậu đến các gia đình họ tối nay chính là Hồ Chủ tịch. Đúng như giấc mộng đẹp: Người từ trên bức ảnh treo kia, bước ra, đứng giữa ngôi nhà nghèo nàn của họ. Khác với khi Bác tới, lúc này không ai nói nên lời. Mọi cặp mắt đều ngước nhìn Bác. Người nói:

 

- Nước nhà mới độc lập. Miền Nam còn đang kháng chiến. Đồng bào lao động ta làm ăn giờ còn vất vả. Nhưng có độc lập rồi thì sẽ có tất cả.

 

Bác đi ra giữa lúc những người trong nhà còn bàng hoàng vì xúc động. Họ đã quên mời Người và các đồng chí cùng đi uống nước. Tất cả đổ ra cửa, đứng trông theo.

 

Tối hôm đó, Bác đi thăm khá nhiều nơi. Xuân độc lập đầu tiên, Người muốn đem lại niềm vui cho nhiều gia đình trong thành phố. Khi Bác tới nhà một viên chức nghèo ở phố Hàng Lọng, thì trời đã khuya. Người trong nhà sửa soạn đi ngủ. Những chiếc màn đã được căng lên. Chiếc dây thép giăng giữa nhà, đầy quần áo. Không ai trong gia đình nghĩ có khách tới vào giờ này, đó là Cụ Chủ tịch nước.

 

Chương trình đi chúc Tết đồng bào của Bác đêm 30 đã xong. Ngày mai mùng một, Bác còn rất nhiều công việc. Bác sẽ tiếp các đồng chí Trung ương, Chính phủ và các đại biểu đoàn thể tới chúc Tết. Bác sẽ dự cuộc mít ting đầu xuân của nhân dân toàn thành tổ chức tại Nhà hát Lớn. Bác sẽ đến thăm và nói chuyện với một đơn vị Vệ quốc đoàn, vui chơi với các cháu thiếu nhi tại ấu trĩ viên, dự bữa cơm liên hoan với các chú cảnh vệ tại Bắc Bộ Phủ… 

 

Tiễn Bác về xong, đồng chí Chủ tịch Ủy ban quay trở lại nhà. Sắp đến giao thừa, anh ra bờ hồ đón xuân. Phố xá lúc buổi tối vắng vẻ, giờ đã trở nên rất đông đúc. Người nào cũng muốn được hưởng không khí trong lành của mùa xuân độc lập đầu tiên. Chưa bao giờ, ở Hà Nội, lại có một đêm giao thừa đông vui nô nức như vậy.

 

Tiếng pháo đón xuân bắt đầu nổ ran khắp thành phố. Vui xuân theo những người hái lộc, anh Hưng đến trước cổng đền Ngọc Sơn. Đang đi vào đền anh chợt nhìn thấy trong đoàn người tấp nập trên cầu Thê Húc, có một cụ già mặc áo dài, quấn chiếc khăn len quanh mặt. Chỉ thoáng nhìn đôi mắt sáng của ông cụ, anh đã nhận ra đúng là Hồ Chủ tịch. Bác bước đi chầm chậm giữa những người đang chen chúc nhau vào đền. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban lại nhìn thấy một người đứng gần đó đưa mắt ra hiệu cho mình. Đó là đồng chí bảo vệ Bác, Bác không muốn để người chung quanh nhận ra. Bác đã thấy mùa xuân ở một xóm lao động, ở gia đình một viên chức nghèo. Bác còn muốn biết những giờ phút đón xuân độc lập tại đây, giữa đồng bào, trên đường phố, trong một ngôi đền rất thân thuộc với người Hà Nội, nằm giữa hồ Hoàn Kiếm.

 

đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek