Những ngày qua, cả nước hướng về Hà Nội - nơi một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, một người “sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó” đã đi vào cõi thiên thu. Cả dân tộc không bao giờ quên ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 chấn động địa cầu, và cũng sẽ không quên ngày 4/10/2013 - ngày trái tim của vị Đại tướng kính yêu ngừng đập tại Viện Quân y 108.
Vẫn biết rằng không ai có thể bước ra ngoài quy luật sinh tử, vẫn biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã 103 tuổi, là vị tướng sống thọ nhất thế giới, vẫn biết đến một ngày Đại tướng sẽ về bên Bác Hồ, vậy mà khi ngày đó đến, cả nước vô cùng tiếc thương. Già trẻ, gái trai xếp hàng dài hàng cây số để viếng Đại tướng; nhiều gia đình lập bàn thờ Đại tướng, vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là một nhân cách lớn, một biểu tượng của sự công minh chính trực, sự dấn thân không mệt mỏi vì đất nước. Nhà thơ Việt Phương, người từng là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ủy viên thường trực Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Phan Văn Khải nói rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ánh sáng của trí tuệ được trải nghiệm, được hun đúc từ một cuộc đời không ngừng học tập. Và không ngừng cống hiến cho đất nước, cho dân tộc.
Đại tướng ra đi, để lại niềm tiếc thương, hụt hẫng cho hàng triệu người Việt Nam.
Con chưa bao giờ được gặp Đại tướng, nhưng con đã đến Điện Biên, đã lên đồi A1, đã đứng trên nóc hầm De Castrie và thấy rất đỗi tự hào. Khi đó con đã nghĩ về Đại tướng, về bao người lính vĩnh viễn nằm lại trên đồi A1, trên cánh đồng Mường Thanh… và bao người lính đã trở về - những người làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.
Con chưa bao giờ gặp Đại tướng, nhưng con đã đến Mường Phăng - căn cứ chỉ huy của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù đọc sách lịch sử và đã biết nhưng con vẫn ngạc nhiên khi bước vào Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, cách trung tâm chỉ huy của Pháp tại Mường Thanh chỉ chừng 25km. Con đã đứng rất lâu trước lán cỏ đơn sơ, nơi Đại tướng chỉ huy chiến dịch và hình dung ông mất ngủ như thế nào trước khi ra lệnh lùi thời gian đánh đến tháng 3 thay vì ngày 25/1/1954 như dự kiến, cũng không dùng “biển người” để tấn công quân Pháp theo đề xuất của các chuyên gia Trung Quốc. Thay vào đó, Đại tướng cho quân ta bao vây quân Pháp bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt. Và từ trên cao, pháo của ta nã xuống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đó là chiến thuật của một nhà quân sự tài ba, cũng là một người cầm bút, từng lấy bằng luật và từng dạy lịch sử Việt Nam để “truyền cho học sinh lòng yêu nước”.
Con chưa bao giờ gặp Đại tướng nhưng mỗi khi đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 là lòng con dâng lên niềm tự hào. Và mỗi tinh mơ trong nhiều tháng năm, con vẫn bồi hồi khi nghe giai điệu rộn rã của ca khúc Chiến thắng Điện Biên - khi ấy là nhạc hiệu của đài phát thanh.
Con chưa bao giờ gặp Đại tướng, song cũng như hàng triệu người Việt Nam, con ngưỡng mộ và kính yêu Đại tướng vì tài năng, vì sự dấn thân và vì tấm lòng của Đại tướng đối với dân tộc.
Con không nói “vĩnh biệt” đâu, vì Đại tướng luôn sống trong lòng dân Việt Nam. Dẫu trái tim Đại tướng đã ngừng đập, nhưng trí tuệ của Đại tướng vẫn luôn tỏa sáng.
Con không nói “vĩnh biệt” đâu, vì con sẽ nhớ mãi vị Đại tướng kính yêu - người luôn khiêm tốn và chưa bao giờ thôi tận tụy cống hiến cho dân, cho nước.
Con không nói “vĩnh biệt” đâu, vì như nhà thơ Việt Phương đã chia sẻ trên báo Tiền Phong: Đại tướng ra đi, để lại sự mất mát to lớn cho chúng ta nhưng đồng thời sự ra đi ấy cũng là một mùa gieo hạt, gieo những hạt mầm tốt tươi.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp không đi, mà chỉ về bên Bác Hồ”. Con tin như vậy.
PHƯƠNG TRÀ