Thứ Năm, 10/10/2024 11:25 SA
Trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội (*)
Chủ Nhật, 13/10/2013 07:00 SA

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 25 năm trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội. Cho đến nay, các nhà quân sự, các nhà sử học trong nước và ngoài nước đã viết khá nhiều về trận đại thắng không quân chiến lược Mỹ, một trận mà nhiều nhà báo nước ngoài đã gọi là trận Điện Biên Phủ trên không.

B52131013.jpg
Xác B52 trên hồ Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội

Chúng ta đều biết, với thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mỹ đã phải bắt đầu xuống thang chiến tranh. Qua 4 năm đàm phán với ta, đến tháng 10/1972, trước ngày bầu cử tổng thống một tháng thì Việt Nam và Mỹ đã đi đến thỏa thuận về một văn bản của “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, dự kiến sẽ ký kết ở Hà Nội ngày 22/10/1972 và sau đó ký chính thức vào ngày 31/10 tại Paris. Ngày 23/10, Nixon đột nhiên gửi công hàm cho Chính phủ ta đề nghị tạm hoãn việc ký kết vì có “trục trặc” từ phía chính quyền Thiệu.

Ngày 26/10, Chính phủ ta đã có tuyên bố về tình hình cuộc đàm phán và công bố toàn văn bản dự thảo hiệp định trước dư luận thế giới, khẳng định “chính quyền Nixon phải chịu trách nhiệm trước nhân dân Mỹ về việc trì hoãn ký kết hiệp định làm cho cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài”.

Nixon và Kissinger lập tức mở một đợt tuyên truyền rộng rãi cho rằng hòa bình đã trong tầm tay, chỉ còn một số vấn đề kỹ thuật. Và ngày 7/11/1972, Nixon đã thắng cử.

Trong cuộc đàm phán được nối lại, Kissinger đòi sửa đổi gần 200 điểm trong văn bản hiệp định, điểm quan trọng nhất là trong khi quân Mỹ rút khỏi nước ta thì lực lượng quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam. Thực chất, Mỹ muốn kéo dài cuộc đàm phán để chuẩn bị hành động quân sự buộc ta phải chấp nhận điều kiện của chúng. Tổng thống Nixon đã có thư cho Kissinger chỉ thị sẵn sàng ngừng đàm phán, phía Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động quân sự nếu cần. Trong thời gian đó, Nixon đã ra lệnh tăng cường phong tỏa Hải Phòng và tăng cường chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc.

Đến ngày 14/12, trong một cuộc họp của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Nixon phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích lớn bằng không quân chiến lược vào khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Sau này, trong hồi ký, ông ta viết rằng: “Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi trong cuộc chiến tranh này”. Mỹ đã huy động 193 máy bay B52, 999 máy bay chiến thuật, lập ra Bộ Chỉ huy lâm thời để điều hành cuộc tập kích chiến lược lớn. Và chính vào lúc quả bom B52 đầu tiên của Mỹ ném xuống Hà Nội thì ở Pari, cũng vào lúc ấy, phía Mỹ lại gửi cho đại sứ ta đề nghị nối lại đàm phán.

Rađa ta đã phát hiện ngay từ khi các đội B52 của Mỹ từ Guam và từ Utapao bay về hướng bắc, đến Pakxe thì theo dõi sát. Chúng vượt đèo Mụ Gia thì Hà Nội và Hải Phòng được lệnh báo động. Các đơn vị bộ đội sẵn sàng chiến đấu. Vấn đề là phải gấp rút sơ tán trong đêm hàng chục vạn thường dân vừa trở về, bằng mọi phương tiện, trên mọi nẻo đường, công tác dân phòng được tiến hành tốt, vội vã, khẩn trương.

Trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972, địch đã sử dụng tới 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá vào thủ đô Hà Nội, trung tâm lãnh đạo và trái tim của cả nước ta, đánh phá thành phố cảng Hải Phòng, không phân biệt mục tiêu quân sự hay dân sự, đánh phá bừa bãi vào vùng đông dân cư.

Theo các nhà sử học quân sự Mỹ, trong 12 ngày đêm, Mỹ đã tiến hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá đã lớn hơn sự tàn phá của các cuộc ném bom suốt trong cả cuộc chiến tranh từ trước cho đến lúc bấy giờ. Khối lượng bom đạn ném xuống trong cuộc tập kích tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945, Nixon và các nhà chiến lược quân sự Mỹ tin chắc rằng với sức mạnh tàn phá ấy, Hà Nội nhất định phải khuất phục.

Trái với dự đoán chủ quan của Lầu Năm Góc, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của Mỹ, gây cho không quân chiến lược Mỹ những tổn thất nặng nề, buộc Nixon phải chấm dứt cuộc tập kích tàn bạo và đề nghị nối lại cuộc đàm phán ở Paris theo những điều khoản đã được thỏa thuận trước đây.

Qua 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay B52, đạt tỉ lệ trên 17%, một tổn thất mà chính Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ đã thú nhận là không thể chịu đựng được.

Đây là một thắng lợi vĩ đại, có thể nói là một thắng lợi kỳ diệu của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước ta, nhân dân tiến bộ trên thế giới. Ta còn nhớ suốt mấy ngày đêm, trong khi đài Hà Nội báo tin cho cả nước, thì đài Giải phóng đã phát thanh liên tục: “Lửa miền Bắc đang giục lửa miền Nam, lửa Hà Nội đang giục lửa Sài Gòn. Từ ngoài vô trong, từ tiền tuyến lớn anh hùng đến hậu phương bất khuất đều vang lên tiếng nói đanh thép: đánh!”.

Thắng lợi ấy đã góp phần quyết định thực hiện chiến lược “Đánh cho Mỹ cút”, chuẩn bị đầy đủ tiền đề tiến lên “Đánh cho ngụy nhào”, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, hoàn thành sự nghiệp độc lập, thống nhất nước nhà.

Có được thắng lợi to lớn như vậy, trước hết là do sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất sớm, từ cuối năm 1967, Người đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ và chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng lực lượng phòng không và không quân, từ năm 1967 đã đưa một số đơn vị vào chiến trường để trực tiếp nghiên cứu đánh B52. Từ đó, quân và dân ta luôn luôn chuẩn bị về mọi mặt để sẵn sàng đánh bại nấc thang cao nhất của địch trong chiến tranh phá hoại.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh quân chủng phòng không - không quân đã dày công nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tác chiến đánh B52, bảo vệ Hà Nội. Qua nhiều bước, tháng 7, tháng 9, tháng 10 với những kinh nghiệm từ chiến trường miền Nam, kế hoạch ấy ngày càng được hoàn thiện: từ thực tiễn chiến trường và qua công tác nghiên cứu, vấn đề phát hiện và đánh B52 đã được biên soạn thành tài liệu để huấn luyện bộ đội, đặc biệt là cho các đơn vị tên lửa và rađa.

Suốt trong 12 ngày đêm, chúng tôi luôn có mặt ở Sở Chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh. Các đồng chí ở Bộ Chính trị đều chú ý theo dõi và chỉ đạo. Chủ tịch Tôn Đức Thắng, mặc dù tuổi cao sức yếu, vẫn cùng các đồng chí lãnh đạo khác đến thăm bộ đội và nhân dân, đặc biệt là ở những nơi chiến đấu ác liệt hoặc bị tàn phá nặng nề.

Đêm đêm, bầu trời Hà Nội đỏ rực từng phía, soi sáng bàng bạc những màn dây nhiễu tua tủa phản ánh hành động bạo tàn của địch, và biết bao cảnh hy sinh tang tóc của đồng bào ta, nhà cửa đổ nát, bệnh viện hoang tàn, trường học, công trình văn hóa có nơi hầu như bị san phẳng. Ban ngày, đi thăm bộ đội và nhân dân, trước cảnh hố bom nối tiếp hố bom hàng chục mét, tưởng chừng như cảnh trên mặt trăng. Thế mà nhìn vào những thanh niên gái trai trên các nẻo đường, vẫn thấy ánh mắt bình tĩnh, cương quyết, phản ánh niềm tin của dân tộc ta ở thắng lợi cuối cùng.

Thắng lợi của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ là thắng lợi của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của dân tộc ta. Như Hồ Chủ tịch đã nói: Dù chúng có B57, B52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi mất mát, hy sinh, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Có thể nói, đây là cuộc chiến tranh toàn dân phát huy đến trình độ cao, trong đó không những bộ đội mà cả dân quân tự vệ và mọi người dân đều cùng một ý chí quyết chiến quyết thắng.

Thắng lợi của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ còn là thắng lợi của trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Mỹ đã huy động tới 50% lực lượng không quân chiến lược B52. Mỗi máy bay B52 là một trung tâm tác chiến điện tử, một kho bom di động trên không. Trong khi đó, chúng ta chưa phải đã tập trung lực lượng lớn lắm. Rõ ràng, đây là một cuộc đối chọi vô cùng quyết liệt về ý chí và trí tuệ giữa ta và địch. Điều mà Mỹ bất ngờ nhất là trong điều kiện các sân bay bị đánh phá và khống chế liên tục, không quân ta vẫn cất cánh đánh địch: trong điều kiện tác chiến điện tử hiện đại rất mạnh mà chúng cho rằng nhất định sẽ làm tê liệt hệ thống rađa và tên lửa Việt Nam, bộ đội ta vẫn phát hiện được chúng và bắn rơi nhiều B52 tại chỗ, có chiếc rơi ngay mà chưa kịp ném bom.

Thắng lợi đó là một biểu hiện thành công mới của học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: lấy đại nghĩa thắng bạo tàn, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của mọi lực lượng, kết hợp phòng tránh và đánh địch nhiều, lấy thô sơ và tương đối hiện đại thắng hiện đại, mang đầy đủ những nhân tố của một chiến dịch phòng không tạo nên sức mạnh và thế mạnh hơn địch để thắng địch.

Ở đây, chúng ta muốn nói lên lòng biết ơn chân thành đối với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đối với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

(*) Ngày 16/12/1997 tại Hà Nội, UBND thành phố và Viện Lịch sử quân sự đã tổ chức cuộc Hội thảo “Kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội đã tham dự. Bài tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày tại Hội thảo được đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 46, tháng 12/1997, tr.5-6 

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek