Thứ Năm, 03/10/2024 16:14 CH
Tiến tới cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XII
Tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu là thành viên Chính phủ
Chủ Nhật, 25/02/2007 10:53 SA

Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Ngọc Thanh đã công bố dự kiến số lượng ĐB sẽ là 500 người, gồm 167 ĐB thuộc cơ quan trung ương, 331 ĐB địa phương và 2 ĐB dự phòng tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐB QH khóa XII.


070225- QH.jpg
So với khóa XI, số ĐB dự kiến cho khóa XII tăng 26 ĐB chuyên trách, giảm 7 ĐB là thành viên Chính phủ, giảm 26 ĐB thuộc khối Mặt trận Tổ quốc VN (MTTQVN) và các tổ chức thành viên.


Đa số ý kiến phát biểu tại hội nghị đều chưa đồng tình với số lượng, cơ cấu dự kiến, đặc biệt trong việc cắt giảm số ĐB thuộc khối MTTQ, việc cơ cấu ĐB là người ngoài Đảng quá ít, việc không có cơ cấu cho các ĐB là người tự ứng cử và việc chỉ định đích danh bốn cơ quan trong khối thông tấn, báo chí.


Đề nghị tăng đại biểu ngoài Đảng lên 20%

 

Nhận xét về việc tăng, giảm số lượng ĐB dự kiến cho Quốc hội khóa XII, ông Lê Truyền (phó chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQVN) cho rằng việc giữ nguyên 10 ĐB thuộc cơ quan Đảng như khóa XI trong khi giảm tới 26 ĐB thuộc khối MTTQVN và các tổ chức thành viên (bao gồm cả trung ương và địa phương) là không hợp lý.


Ông Truyền nói: “Tại hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng bí thư nói kỳ Quốc hội tới phải có tỉ lệ thích đáng số ĐB thuộc khối Mặt trận và có số lượng hợp lý cho ĐB công tác tại cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và các thành phần khác. Nhưng theo cơ cấu thì phần “thích đáng” lại bị giảm đi, phần “hợp lý” lại được giữ nguyên hoặc tăng lên. Điều đó không phù hợp với thực tế, nhất là khi chúng ta ngày càng mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, MTTQVN ngày càng được đặt ra những yêu cầu, vị trí mới trong xã hội”.

Đối với khối cơ quan Chính phủ, mặc dù cơ cấu dự kiến cho Quốc hội khóa XII chỉ còn 15 ĐB (giảm 7 ĐB) song nhiều ĐB vẫn đề nghị cần giảm tối thiểu các thành viên thuộc cơ quan hành pháp tham gia Quốc hội. Ông Phạm Thế Duyệt nói: “Xu hướng là ĐB thuộc cơ quan hành pháp không nhất thiết phải quá cao, không nhất thiết cứ phải thành viên Chính phủ tham gia Quốc hội”.

Cùng với việc đề nghị giảm bớt số ĐB thuộc cơ quan Đảng, Chính phủ, các ĐB đề nghị cần tăng số lượng ĐB là người ngoài Đảng. GS Lưu Văn Đạt (nguyên tổng thư ký Hội Luật gia VN) cho rằng cơ cấu 90% ĐB là đảng viên là không hợp lý trong bối cảnh ngoài Đảng có nhiều hiền tài cần phải kêu gọi tham gia Quốc hội. Ông Phan Khắc Hải (chủ tịch Hội Xuất bản, in, phát hành sách VN) thẳng thắn: “Tôi không tán đồng cơ cấu chỉ có 10% ĐB là người ngoài Đảng. Tôi đề nghị phải nâng tỉ lệ này lên 20%”.

Bên cạnh những đề nghị tăng số lượng ĐB là người ngoài Đảng, nhiều ĐB cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi dự kiến cơ cấu không dành tỉ lệ cho ĐB là những người ứng cử tự do. GS-TS Phan Đình Diệu (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói: “Cơ cấu này không có số lượng cho ĐB tự do ứng cử. Nói cách khác là quyền tự do ứng cử của tất cả người dân đã bị loại trừ”. Theo ông Lê Truyền, nếu chiếu theo dự kiến cơ cấu thì người tự ứng cử không có chỗ để vào Quốc hội. Ông Truyền khẳng định: “Chúng ta phải nhìn nhận người tự ứng cử là người có tâm huyết, có đủ điều kiện tham gia Quốc hội chứ không phải họ là người bất mãn”.

Dự kiến số lượng ĐB Quốc hội khóa XII của các cơ quan trung ương:

Cơ quan Đảng: 10 ĐB (bằng khoá trước)
Cơ quan Chủ tịch nước: 3 (bằng khoá trước)
Cơ quan của Quốc hội: 84-85 (tăng 20)
Cơ quan Chính phủ: 15 (giảm 7)
MTTQVN và các tổ chức thành viên: 31 (giảm 5)
Tòa án nhân dân tối cao: 1 (bằng khóa XI)
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: 1 (bằng khóa XI)
Bộ Quốc phòng: 15 (giảm 2)
Bộ Công an: 3 (tăng 1)
Các cơ quan thông tấn báo chí (Đài Truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN, Thông tấn xã VN, báo Nhân Dân): 4.

Không nên cơ cấu

Theo GS Phan Đình Diệu, cuộc bầu cử lần này là dịp để khẳng định sự đổi mới, dân chủ. Vì vậy, theo ông Diệu, không nhất thiết phải định ra một cơ cấu cứng về thành phần ĐB. Ông Diệu đề xuất: “Cử người theo cơ cấu định trước là không nên. Muốn có cơ cấu thì phải tìm giải pháp hiệp thương, tuyên truyền bầu cử để có được cơ cấu như mong muốn. Muốn bầu cử dân chủ trong điều kiện hiện nay, MTTQVN sẽ làm vai trò tổ chức hiệp thương, giới thiệu những người ứng cử ĐB Quốc hội chứ không phải giới thiệu ĐB Quốc hội”.

Tuy nhiên, theo ông Duyệt, vướng mắc hiện nằm ở Luật bầu cử ĐB Quốc hội (sửa đổi năm 2002) và hội nghị hiệp thương lần thứ nhất là bước góp ý với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử trung ương để Quốc hội có một cơ cấu, thành phần ĐB cho tất cả các tầng lớp nhân dân.

Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, đồng thời là phó chủ tịch Hội đồng bầu cử trung ương, cũng đồng ý với việc thay đổi được luật là cách tốt nhất để phát huy dân chủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ông Được hứa sẽ cố gắng đến mức tối đa để cuộc bầu cử thật dân chủ, bảo đảm chất lượng ĐB Quốc hội theo xu thế của thời đại.

Theo TTO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek