Thứ Năm, 03/10/2024 20:20 CH
Chống lãng phí từ bộ máy và cán bộ, công chức
Thứ Sáu, 16/02/2007 07:20 SA

Cùng với tham  nhũng, lãng phí hiện nay đã trở thành quốc nạn. Đất nước còn nghèo, cuộc sống của dân còn nhiều khó khăn mà nạn lãng phí diễn ra nghiêm trọng và kéo dài ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có tính phổ biến trong xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau.

 

NHỮNG CON SỐ LÀM ĐAU LÒNG NGƯỜI

 

070216-TN.jpgTrong thời gian 6 năm thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, báo cáo của Quốc hội cho biết, tiền quà biếu của 663 đơn vị lên tới con số 4 nghìn tỷ đồng; xe công dư thừa hàng trăm chiếc (chưa kể nhiều cán bộ sử dụng xe vượt tiêu chuẩn và dùng xe không đúng công vụ); có những cán bộ tiền điện thoại cá nhân đòi nhà nước chi lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng… Nghiêm trọng hơn cả là lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, lãng phí về tiền, đất, chất xám và thời gian do nhiều dự án treo và sử dụng sai mục đích. Báo cáo của Chính phủ về khiếu nại của nhân dân nêu rõ, có tới 2052 dự án huy động 27 nghìn ha đất nhưng chỉ có khoảng một phần ba số đất đó được sử dụng, trong khi đó phải tiến hành giải phóng mặt bằng, bố trí định cư đối với hàng nghìn hộ dân do phải di dời nơi cư trú. Tình hình ấy xảy ra phổ biến ở các tỉnh lân cận thủ đô và các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa bàn đô thị. Chẳng hạn ở Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc có tới gần 300 dự án treo với gần 8000 ha đất. Hải Phòng thì hơn một nửa số dự án ODA bị treo nhiều năm với số vốn hàng trăm triệu USD. Trong 8 dự án đang treo thì dự án xây dựng khu cầu Rào 2 với tổng số vốn gần 46 tỷ đồng vay ODA của Chính phủ Phần Lan mà hơn 2 năm qua mới làm lễ khởi công rồi để đấy vì không giải phóng được mặt bằng. Hoặc dự án thoát nước vùng nội thành Hải Phòng có quyết định của Chính phủ đầu tư hơn 40 triệu USD từ năm 1999 nhưng đến nay vẫn còn 43 hộ dân không chịu nhận tiền đền bù nên tiến độ chậm và cứ mưa thì nước ngập đường, sinh hoạt của dân thêm khổ vì nước mưa, nước thải. Các dự án treo, chậm tiến bộ dẫn đến bị rút vốn đầu tư thì sự lãng phí không sao tính hết. Chưa kể khoảng 50% các khu công nghiệp, khu chế xuất bỏ trống không có người thuê. Điển hình là khu Nomura ở Hải Phòng thành lập từ năm 1994 đến nay mới cho thuê được 39 ha trên diện tích 153 ha, v.v và v.v.

 

Lãng phí trong xây dựng cơ bản còn liên quan đến cuộc sống của người dân trong diện giải tỏa. Ở thành phố Hồ Chí Minh có gần 5000 hộ dân trong diện giải tỏa nhưng mấy năm nay chưa bố trí được tái định cư. Đất đai thu hồi không sử dụng, lãng phí tài nguyên, tốn kém công của, chất xám xây dựng dự án còn người dân thì chịu hậu quả. Không an cư thì sao lập nghiệp, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, khó khăn thêm. Người dân bị thiệt hại, cùng với cách làm không đúng của chính quyền từ cơ sở đưa tới việc dân khiếu kiện, tác động tiêu cực xã hội rất lớn.

 

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đã nêu rõ do đầu tư dàn trải nên gây ra lãng phí lớn. Những lãng phí lớn, nghiêm trọng ấy đều do một số các cơ quan, đơn vị, cán bộ gây ra. Hàng nghìn tỷ đồng quà biếu, hàng chục ngàn ha đất, hàng trăm triệu USD từ các dự án treo, chậm tiến độ mà các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ nêu trên chưa phản ánh đầy đủ thực trạng lãng phí hiện nay trên các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội ở nước ta, nhưng đã cho thấy tính chất cực kỳ nghiêm trọng về sự lợi dụng chức vụ, quyền hành của một số cán bộ, công chức, bằng nhiều cách khác nhau gây ra những thất thoát to lớn tiền bạc, của cải của nhà nước và nhân dân.

 

Vấn đề đặt ra là, những lãng phí ấy không có cơ quan, đơn vị hay là cá nhân nào chịu trách nhiệm cả mà người ta thường đổ cho cơ chế, biện bạch về sự bất cập, không đồng bộ hoặc yếu kém của bộ máy hay đổ lỗi cho khách quan, cho mặt trái của kinh tế thị trường. Thực tế những năm qua cho thấy lãng phí chủ yếu xảy ra ở các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị và thành phần kinh tế nhà nước mà nguyên nhân hàng đầu là một số cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền, lạm quyền và lộng quyền gây ra. Mặc dù Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, nhà nước có luật pháp về tiết kiệm, chống lãng phí nhưng việc thực thi không thu được kết quả bao nhiêu mà tệ lãng phí cùng với tham nhũng ngày càng phát triển, gây hậu quả xấu nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân và là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

 

ĐẨY LÙI THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ: CÁCH NÀO?

 

Để phòng, chống và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và tiến hành cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức” Hồ Chí Minh, yêu cầu đảng viên, cán bộ lãng đạo phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Cuộc vận đồng này thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng ta, do đó đảng ủy các cấp cần tập trung trí tuệ, lực lượng lãnh đạo cuộc vận động với quyết tâm cao và nghị lực lớn, nói là làm và nói là đi liền với hành động. Người đứng đầu các ngành và đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần thực sự vào cuộc, phụ trách cuộc vận động và mạnh dạn phát động đảng viên, quần chúng, lắng nghe ý kiến đảng viên, quần chúng đối với phòng chống tham nhũng, lãng phí, ra sức bảo vệ người tố cáo lãng phí, tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Lãng phí tuy khác với tham nhũng ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho nhà nước, cho nhân dân”. Đó chính là “giặc nội xâm” vì nó ở trong bộ máy, trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Do đó, chống lãng phí phải làm từ trong bộ máy Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức, đơn vị kinh tế. Theo đó, chống lãng phí trước hết là từ cán bộ, công chức, đảng viên, những người có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Các giải pháp về cơ sở, chính sách phải đồng bộ, khả thi gắn liền với việc tuyên truyền, giáo dục và thực thi pháp luật nghiêm minh.

 

Vấn đề có ý nghĩa đối với chống lãng phí ở các cơ quan, đơn vị hiện nay là thực hiện ráo riết quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, nhất là những công việc dễ nảy sinh tiêu cực, lãng phí. Cấp ủy đảng cơ sở, chi ủy phải thật sự chủ động trong việc xây dựng quy chế làm việc, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong việc phát huy vai trò tổ chức đảng, đảng viên thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị mình, góp phần hạn chế, giảm sự lộng quyền ở một số người lợi dụng quyền hành để lãng phí, tiêu cực. Ra sức củng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra nhân dân gắn liền với phát huy dân chủ ở từng cơ quan, đơn vị và tăng cường công tác kiểm tra sinh hoạt đảng của cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng và chi bộ. Nêu gương tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên dũng cảm và đấu tranh chống lãng phí hiệu quả.

 

Trong việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo sự liêm chính của đảng viên, cán bộ, công chức cần chú ý nội dung về quyền và nghĩa vụ đối với từng loại chức danh để phòng chống sự lợi dụng chức vụ, quyền lực dẫn đến lạm quyền, lộng quyền. Việc lợi dụng quyền lực dẫn đến lãng phí cần xác định đúng tội danh và người, tổ chức gây ra lãng phí, theo đó xử lý nghiêm người, tổ chức gây ra phải bồi hoàn vật chất, kỷ luật nghiêm khắc về Đảng, sa thải vĩnh viễn không được làm công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Công khai việc xử lý để mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức viên chức biết, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek