Thứ Năm, 03/10/2024 22:32 CH
Công việc gốc của Đảng
Thứ Năm, 15/02/2007 07:14 SA

Mỗi độ sang Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước nở hoa đổi mới, chúng ta lại nhớ Bác Hồ và những lời căn dặn của Người: Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, đào tạo cán bộ, sử dụng nhân tài là công việc gốc của Đảng cầm quyền.

 

070216-Vao-hoi-hoa-Xuan.jpg

Trẩy hội hoa Xuân - Ảnh: LÊ MINH

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề cán bộ và sử dụng cán bộ có vị trí rất quan trọng. Ngay khi chuẩn bị thành lập Đảng, từ những năm 1925-1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh Bác Hồ đã đặt ra những yêu cầu cơ bản về tư cách người cách mạng và suốt đời Người chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán cho cách mạng.

 

Trải nghiệm qua lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, huấn  luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề ra những yêu cầu đối với một người cán bộ cách mạng với những nội dung cụ thể mà hàng đầu là phải có đạo đức cách mạng. Bởi vì không có đạo đức thì dù người cán bộ có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Đạo đức cách mạng, đạo đức mới của người cán bộ, đảng viên là trung với nước, hiếu với dân, trung thành với Đảng, phấn đấu hy sinh cho Đảng và phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, làm cán bộ không phải làm quan phát tài mà là công bộc của dân. Thước đo đánh giá đạo đức người cán bộ là việc làm, hành động và kết quả công việc của người cán bộ ấy.

 

Cùng với yêu cầu về đạo đức, người cán bộ phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, người cán bộ phải thường xuyên học hỏi để nâng cao trình độ về mọi mặt, tùy theo từng loại cán bộ mà có yêu cầu cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, xã hội ngày càng phát triển, công việc cách mạng ngày càng nhiều, khoa học, kỹ thuật ngày càng tiến bộ, người cán bộ không thể lãnh đạo chung chung, chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ mà còn phải có tri thức. Do đó, người cán bộ không chịu học tập, không chịu nghiên cứu thì sẽ trở nên lạc hậu và bị cuộc sống đào thải. Chính vì vậy mà Bác khuyên cán bộ phải luôn luôn học tập, luôn luôn cầu tiến bộ và học tập là để hiểu biết, học để làm người, làm cán bộ để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và nhân loại.

 

Một yêu cầu lớn đối với cán bộ là liên hệ mật thiết với nhân dân, gần dân, hiểu dân để vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có phong cách công tác sâu sát, tỷ mỷ, thiết thực, “chân đi, miệng nói, tay làm”. Nếu không có tác phong như thế thì sẽ diễn ra tình trạng “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị”, còn công việc trì trệ, không tiến triển được.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra, cán bộ mắc bệnh quan liêu và chủ nghĩa cá nhân là căn nguyên đẻ ra tham ô và lãng phí. Các loại bệnh này là giặc nội xâm, nghĩa là giặc ở trong lòng bộ máy, chế độ xã hội và đội ngũ cán bộ. Do đó, cán bộ phải ra sức chống giặc nội xâm. Theo đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh là vấn đề sống còn đối với một Đảng cách mạng mới có thể chống được tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực khác. Chống giặc nội xâm hiệu quả sẽ củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước ta.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ rất sâu sắc, nhất là về sử dụng cán bộ có giá trị lâu dài, chỉ dẫn cho chúng ta nhiều vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiêïn nay. Có thể nêu một số nôïi dung cơ bản sau đây:

 

Một là, phải “hiểu và đánh giá đúng cán bộ”. Có hiểu đúng cán bộ mới đề bạt và sử dụng tốt cán bộ đó. Hiểu đúng cán bộ là phải nhìn nhận cán bộ một cách toàn diện, hiểu đúng cả những mặt tốt và hạn chế của họ, phải có những chuẩn mực đánh giá phù hợp với từng loại cán bộ ở từng cấp.Hai là, trong công tác cán bộ, “phải khéo dùng cán bộ”. Cán bộ ai cũng có cái hay, cái dở, khéo dùng tức là bố trí, sắp xếp, phải dùng chỗ hay của người và giúp người ta sửa chữa chỗ dở. Người từng nói: Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Bác nhắc nhở, phê bình: thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người: người thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, người thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng, nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công.Ba là, phải kết hợp cán bộ già và cán bộ trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Ưu điểm của cán bộ già mà nổi bật nhất là trung thành với cách mạng, nhiều kinh nghiệm, ưu điểm của cán bộ trẻ, mà nổi bật nhất là có sức khỏe, hăng hái. Nhược điểm của cán bộ già, mà chủ yếu nhất là sức khỏe yếu, nhiều người còn công thần, không tin lớp trẻ, nhược điểm của cán bộ trẻ, chủ yếu là ít kinh nghiệm… Do vậy phải kết hợp cả hai loại cán bộ và tùy hoàn cảnh, tùy yêu cầu mà từng ngành, từng cấp, từng loại cán bộ mà kết hợp và trong quy định chung cần thiết phải đề ra tiêu chuẩn nhất định cho từng loại cán bộ.

 

Bốn là, phải kết hợp cán bộ tại chỗ và cán bộ do trên điều về. Người lưu ý: tốt nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ, nếu không có thì trên điều cán bộ về phải kết hợp chặt chẽ cả hai loại cán bộ này với nhau. Vấn đề là người cán bộ được điều về có đủ tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu và sự kết hợp với cán bộ tại chỗ phải bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác, đoàn kết thống nhất.

 

Năm là, phải chống lại tính biệt phái, tư tưởng cục bộ địa phương, tránh đầu óc cánh hẩu, phe cánh, họ hàng, thân quen trong sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Bác viết năm 1947 chỉ ra khuyết điểm lớn là ham dùng người thân quen, hợp với mình. Tính địa phương cục bộ hiện nay vẫn còn nặng, chưa dễ gì gột rửa được. Tính địa phương cục bộ trong công tác cán bộ gây cản trở lớn cho sự nghiệp cách mạng, do đó thực thi chủ trương luân chuyển cán bộ hiện nay cần góp phần khắc phục căn bệnh này.

 

Sáu là, trong công tác cán bộ, phải chú trọng “cầu người hiền tài” và “có gan cất nhắc cán bộ”. Trong thời kỳ mới lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời được các nhân sĩ, trí thức, quan chức trong chế độ cũ tham gia công việc của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đào tạo cán bộ, nhân tài cho cách mạng nên đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển, nhân tài nảy nở như hoa mùa xuân. Người dạy rằng: “Cất nhắc cán bộ không nên làm như giã gạo”, nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ; khi đã cất nhắc rồi thì không giúp đỡ họ ; khi họ mắc sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhấc lên, thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời.

 

Để có đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng, huấn luyện, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng trọng dụng nhân tài là “công việc gốc” của Đảng. Hiện nay, công tác này cũng được chú trọng, nhưng còn nhiều yếu kém. Chế độ, chính sách chưa thu hút được người tài giỏi. Một loạt các tỉnh đã đề ra chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút nhân tài nhưng các chính sách đó chưa đủ hấp dẫn. Tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra mạnh, chảy ra ngoài nước, chảy từ công sở nhà nước, doanh nghiệp nhà nước ra các cơ quan, doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.

 

Nhân tài, cán bộ giỏi ở nước ta không thiếu. Vấn đề là ở chỗ phải biết cách chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cho đúng. Cần nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, nhất là chính sách sử dụng nhân tài và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Trong điều kiện lịch sử mới hiện nay, toàn cầu hóa trở thành xu thế thời đại, khoa học, công nghệ thông tin và nền kinh tế dựa trên tri thức phát triển mạnh, có những bước nhảy về chất do tích hợp được nhiều thành tựu của các thời kỳ trước thì vấn đề cán bộ, nhân tài (phát hiện, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ) trở thành vấn đề ở tầm chiến lược của các quốc gia và các tập đoàn kinh tế, các đơn vị sản xuất, kinh doanh… Các nước đang phát triển như Việt Nam, trong quá trình CNH, HĐH, hội nhập, hợp tác quốc tế  cần nhận thức đầy đủ những lợi ích và những khó khăn để lựa chọn con đường phù hợp. Và, để “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”, việc phấn đấu thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh “kỷ nguyên toàn cầu”, càng yêu cầu nâng cao chất lượng cán bộ, nguồn nhân lực và cần thu hút, trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp chấn hưng đất nước.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek