Thứ Ba, 07/05/2024 01:43 SA
Thổi làn gió mới vào nông nghiệp, nông thôn
Thứ Sáu, 30/10/2020 07:00 SA

HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm từ sen và giới thiệu đến khách hàng. Ảnh: MẠNH THÚY

Dưới sự kiến tạo của chính quyền tỉnh, sự tiên phong từ doanh nghiệp và nhập cuộc của chính người nông dân, việc ứng dụng những thành quả khoa học và công nghệ (KH-CN) vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Một làn gió mới đang thổi vào ngành Nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nông thôn.

 

Thời gian qua, ngành KH-CN tỉnh đã huy động các nguồn lực tập trung tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà trọng tâm là thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, giá trị cao vào ứng dụng tại địa phương. Việc ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp đã đóng góp vào quá trình xây dựng nền nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng toàn diện, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

 

Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi

 

Hiện tỉnh có 1 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận, 9 nhãn hiệu tập thể. Giai đoạn 2010-2020, trên địa bàn tỉnh triển khai 24 đề tài, dự án cấp quốc gia; 40 cấp tỉnh và 60 cấp cơ sở về lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí 305 tỉ đồng. Trong đó, các dự án cấp quốc gia chủ yếu thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Thực hiện dự án Nông thôn miền núi cấp nhà nước do Viện Nuôi trồng thủy sản III chuyển giao công nghệ: “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm Thái Bình Dương”, năm 2018, Công ty CP Bá Hải đã triển khai sản xuất giống và chuyển giao công nghệ nuôi hàu cho 41 hộ dân tại các xã Xuân Phương, Xuân Cảnh, Xuân Bình (TX Sông Cầu) và An Ninh Đông (huyện Tuy An). Kết quả dự án cho thấy, sau thời gian nuôi trung bình 6 tháng, hàu đạt kích cỡ 12-15 con/kg. Các hộ tham gia dự án thu được 4 tấn hàu/mô hình/bè 200m2. Với giá bán trung bình hiện nay là 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí và khấu hao mỗi hộ thu được 18-23 triệu đồng/vụ. Từ hiệu quả mô hình đã có thêm 15 hộ ở các phường thuộc TX Sông Cầu và huyện Tuy An mua giống hàu, học hỏi kỹ thuật và nuôi hàu thương phẩm.

 

Ông Nguyễn Thái Bình ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu), cho biết năm 2019, gia đình ông thả hàu đợt 1, với số lượng 10.000 nắp (rổ nhựa hình chữ nhật) hàu giống. Trong 7 tháng, ông thu lợi nhuận được gần 50 triệu đồng. Thấy nuôi hàu ổn định, năm 2020, ông Bình tiếp tục thả đợt 2 với số lượng 16.000 nắp. “Nuôi hàu tương đối nhàn, ít tốn công chăm sóc, mỗi tháng chỉ vệ sinh lồng bè vài lần; cũng không cần cho ăn vì hàu tự ăn tảo biển và các bã hữu cơ. Tuy nhiên, hàu cũng như các đối tượng thủy sản khác, sợ thủy triều đỏ hay mưa lớn gây sốc nước ngọt”, ông Bình nói. Còn ông Lại Kỳ Thạch ở phường Xuân Phú (TX Sông Cầu), trong lúc loay hoay tìm đối tượng nuôi mới, đã được giới thiệu mô hình nuôi hàu. Hiện ông Thạch đang nuôi hàu đợt đầu tiên theo quy trình nuôi và các biện pháp kỹ thuật do Công ty CP Bá Hải chuyển giao. Sau 5 tháng theo dõi, hàu đang phát triển tốt, đang chuẩn bị thu hoạch.

 

Theo ThS Phùng Bảy, Trưởng Phòng Sinh học thực nghiệm (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông và đầm Ô Loan là những vùng nuôi thủy sản tập trung, nhưng môi trường các vùng này đều đang bị quá tải. Các địa phương cần quy hoạch lại vùng nuôi, hướng đến giảm lượng lồng bè, đa dạng đối tượng nuôi. Trong cơ cấu các đối tượng nuôi, hàu vừa giúp xử lý ô nhiễm môi trường vừa có thể nuôi lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế nên là đối tượng nuôi rất tiềm năng.

 

Cũng thực hiện dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi để tạo sinh kế cho người dân các vùng khó khăn, năm 2018, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thực hiện dự án cấp Nhà nước: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò trong các nông hộ và trang trại”. Qua 3 năm, hiện mô hình đã triển khai trên diện tích 200ha bắp lấy cây theo hướng chuỗi liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - HTX nông nghiệp - nông dân sản xuất với hơn 100 hộ ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) tham gia. Mỗi tháng, vùng trồng bắp này cung cấp khoảng 1.500 tấn bắp ủ chua cho các công ty sữa Vinamilk, TH, Nutifood. Vừa qua, sản phẩm bắp ủ chua đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.

 

Đánh giá hiệu quả từ mô hình trồng bắp ủ chua, ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết cây bắp phù hợp với chân đất ở địa phương nên phát triển rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, đang thổi một làn sinh khí mới lên vùng đất Sơn Thành Tây nói riêng và huyện Tây Hòa nói chung. “Thời gian tới, địa phương rất mong tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục có chính sách ứng dụng KH-CN; đầu tư, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ để giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế”, ông Mai Ne nói.

 

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương triển khai tại TX Sông Cầu. Ảnh: THÁI HÀ

 

Chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc thù địa phương

 

Nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để tạo ra các sản phẩm đặc thù của địa phương, thời gian qua, ngành KH-CN tỉnh đã triển khai các công trình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao, qua đó, các sản phẩm nổi tiếng của địa phương từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết tỉnh đang tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương. Trọng tâm là đăng ký nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), chỉ dẫn địa lý nhằm quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ. Đến nay, nhờ đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu, nhiều sản phẩm đã được thị trường cả nước biết đến, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm nông nghiệp địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong số đó, NHTT Rượu Quán Đế, NHCN Muối Tuyết Diêm, NHTT Cá ngừ đại dương Phú Yên đang được quản lý và phát triển tốt.

 

Để gia tăng uy tín thương hiệu và giá trị của sản phẩm đặc thù địa phương, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh cho phép đấu thầu thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh về nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm hàng hóa của tỉnh, tập trung một số nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời việc làm này sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm thông qua tất cả các giai đoạn sản xuất từ tìm nguồn nguyên liệu, chế biến, vận chuyển và phân phối ra thị trường.

 

Sản phẩm nước mắm truyền thống là một điển hình. Khi chưa có NHTT Nước mắm Phú Yên, nhiều cơ sở sản xuất không có nhãn hiệu, phải dựa vào nhãn hiệu của người khác nên hiệu quả không cao, lại gây khó khăn cho việc quản lý, tiêu thụ. Rồi “cơn lốc” nước chấm công nghiệp tấn công thị trường, các làng nghề nước mắm truyền thống khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, khiến sản phẩm đặc trưng mất dần vị thế. Để khẳng định giá trị sản phẩm địa phương, năm 2011, tỉnh triển khai xây dựng NHTT Nước mắm Phú Yên. Tham gia dự án này, các cơ sở sản xuất nước mắm được trang bị và cung cấp kiến thức cần thiết để phục vụ sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ông Phạm Văn Khải, chủ cơ sở nước mắm Tân Lập (TX Sông Cầu), cho biết: “Từ khi được cấp giấy chứng nhận NHTT, sức tiêu thụ của sản phẩm tăng mạnh, thị trường được mở rộng. Hiện nay, nước mắm Tân Lập đã có mặt tại hệ thống siêu thị Co.opmart và nhiều đại lý trên cả nước”.

 

Ông Dương Bình Phú cho biết thêm: Thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục đẩy mạnh truyền thông; tham mưu xây dựng chính sách về KH-CN; đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương để nhân rộng mô hình, kết quả ứng dụng KH-CN thành công phát triển thành sản phẩm hàng hóa, góp sức cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek