Thứ Hai, 06/05/2024 17:48 CH
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới (Bài 1)
Thứ Năm, 29/10/2020 11:00 SA

Lên cao nguyên Vân Hòa check-in cùng cây đỏ. Ảnh: TRẦN QUỚI

Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đang là xu hướng mới thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của du khách. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần đạt được mục tiêu kép là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

 

Bài 1: Trải nghiệm du lịch cộng đồng xứ Nẫu

 

Thời gian gần đây, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng được người dân tiếp cận và hưởng ứng mạnh mẽ. Những làng nghề truyền thống, làng quê chuyên canh, làng văn hóa du lịch... được định hướng đầu tư, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

 

Một ngày làm nông dân ở Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa), một đêm ngủ lại cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa), say nhịp cồng chiêng với đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh), thôn Xí Thoại (huyện Đồng Xuân) để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách…

 

Sáng làm nông dân, chiều say men rượu cần

 

Nằm giữa vùng hạ lưu sông Đà Rằng và một nhánh sông Chùa, làng Ngọc Lãng (viên ngọc sáng) như một cù lao xanh xinh xắn ngày ngày đón ánh bình minh và tạm biệt hoàng hôn trong không gian mênh mông bát ngát của sông nước, ruộng đồng và nét thâm trầm cổ kính của tháp Nhạn nghìn năm.

 

Cách đây 5 năm, lần đầu tiên người dân thôn Ngọc Lãng biết đến mô hình trồng rau và làm du lịch sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ở làng rau Trà Quế (Quảng Nam), theo đề án Phát triển du lịch cộng đồng do Sở VH-TT-DL khởi xướng. Từ đề án này, đến nay, cơ bản nông dân làng rau Ngọc Lãng đã biết tạo thêm những sản phẩm du lịch từ công việc thường ngày của mình để phục vụ du khách.

 

Ông Huỳnh Ngọc Ấn, một trong những hộ tham gia đề án Phát triển du lịch cộng đồng ở Ngọc Lãng, cho biết: “Sau khi có đề án làm du lịch cộng đồng, người dân làng rau rất phấn khởi trước hướng phát triển kinh tế mới. Khách du lịch đến làng rau năm sau nhiều hơn năm trước và nông dân địa phương cũng tăng thu nhập từ công việc thường ngày của mình”.

 

Tour tham quan làng rau Ngọc Lãng bắt đầu từ Di tích kiến trúc đặc biệt Tháp Nhạn, sau đó du khách men theo đường công viên núi Nhạn xuống bến đò sông Chùa. Từ đây, khách ngồi trên những chiếc xuồng máy đi dọc sông ngắm TP Tuy Hòa, phóng tầm mắt nhìn màu xanh trù phú của “viên ngọc sáng”. Du khách lên bờ là đến ruộng vườn ngay bên sông, cùng với nông dân làm những công việc “chân lấm tay bùn” một cách hứng thú: đánh luống trồng rau, thu hoạch rau trong không gian thoáng đãng, mát mẻ. Rau thu được là nguồn nguyên liệu sạch cho bữa cơm quê, kết hợp với cá đồng, cá sông, lươn, lịch sông Ba… đậm đà khó quên.

 

Từ đồng bằng, du khách ngược về ba huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, Ba Na, Chăm... Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi - cồng ba - chiêng năm” của đồng bào nơi đây đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; cùng với đó là các lễ hội đặc trưng như lễ hội xoay cột con trâu, mừng nhà mới, mừng lúa mới, lễ bỏ mả, cúng trưởng thành, cúng bến nước…

 

Khi màn đêm buông xuống, bên đống lửa bập bùng, du khách và thanh niên địa phương nắm tay nhau nhảy điệu xoan, aráp vui tươi, nhịp nhàng trong âm vang cồng chiêng; nghe già làng kể khan; cùng say men rượu cần và thưởng thức những món ăn độc đáo, đặc trưng của núi rừng.

 

Chị Nguyễn Thị Hoàng Duyên (TP Hồ Chí Minh), trong một chuyến trải nghiệm ở buôn Lê Diêm, tấm tắc: “Thật khó quên tình cảm chân thành của đồng bào nơi đây. Cùng nhảy aráp trong nhịp cồng chiêng, cùng uống rượu cần bên đống lửa, cùng thưởng thức những món ăn đặc trưng… tất cả hòa quyện thành nỗi nhớ khó diễn tả bằng lời”.

 

Làng quê đổi thay nhờ du lịch

 

Trong chiến lược phát triển du lịch, tỉnh xác định sản phẩm du lịch làng nghề/du lịch cộng đồng/du lịch nông thôn là một trong năm dòng sản phẩm chủ yếu, đó là chưa kể sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cũng có phần giao thoa. Đây là những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang màu sắc văn hóa địa phương, phát huy thế mạnh độc đáo của từng vùng miền, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên

Cao nguyên Vân Hòa thuộc địa bàn các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của huyện Sơn Hòa và một phần huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa 40km về phía tây bắc. Đây là vùng đất đỏ bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa; có độ cao trung bình 400m so với mực nước biển với nhiều rừng núi, thác nước, suối lớn, tạo nên tiểu vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Chiều xuống, Vân Hòa mát lạnh hơi sương. Sáng ra, mây sà thấp, bảng lảng khắp các thung đồi, như một bức tranh tuyệt đẹp.

 

Trước đây vùng ba xã rất khó khăn, cả về đời sống người dân lẫn giao thông đi lại. Cây đỏ một thời để chín rụng đầy gốc, không ai ngó ngàng tới. Từ khi đường sá thông thương, người miền xuôi bất ngờ nhận ra vẻ đẹp “độc lạ” của loài cây rừng cho trái chi chít từ sát mặt đất đến hết thân cành đỏ rực. Người dân vùng ba xã tận dụng được những lợi thế thiên nhiên ưu đãi và những nét đặc trưng văn hóa, trong đó có ẩm thực dân dã như gà đồi nấu với lá dít, é trắng, gà kho mắm thơm ăn cơm gạo lúa rẫy, rau rừng chấm muối ớt, uống rượu cần hoặc rượu từ trái đỏ lên men… để làm du lịch. Chỉ vậy thôi cũng đủ làm khách phương xa thích thú. Ngoài vườn đỏ, cao nguyên Vân Hòa còn có khu du lịch sinh thái Long Vân Garden, nông trại BB Farm, trang trại nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch trải nghiệm…

 

Đến với thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), du khách thích thú trước hình ảnh một làng quê khang trang, đổi mới. Vinh Ba nổi tiếng với nghề đan đát truyền thống những vật dụng bằng tre như rổ rá, vỉ bánh tráng, giỏ và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Những năm gần đây, xã Hòa Đồng về đích xây dựng nông thôn mới, Vinh Ba trở thành điểm đến của khách phương xa với điểm nhấn là làng nghề truyền thống và cánh đồng sen cũng như khu ẩm thực đồng quê.

 

Ông Lê Văn Nho, một trong những người tiên phong phát triển du lịch từ những cánh đồng sen ở xã Hòa Đồng chia sẻ: “Sen là hình ảnh đẹp giữa vùng nông thôn thanh bình. Được xã ủng hộ chủ trương, chúng tôi đầu tư nhà sàn trên ruộng sen để làm thêm dịch vụ ăn uống, giải khát, tạo tiểu cảnh để khách chụp hình… Từ ngày kết hợp nông nghiệp với du lịch, thu nhập của nông dân cải thiện hơn trước”.

 

Hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng

 

Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết: Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Phú Yên, ngành Văn hóa - Du lịch đã phối hợp các ngành, địa phương tập trung khá nhiều chương trình dự án cho việc bảo tồn và phát huy chuỗi giá trị nông thôn. Trong đó chú trọng bảo tồn, nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống đặc trưng; duy trì hoạt động các nhóm nghệ nhân, hát dân ca, bài chòi, đội cồng chiêng... phục vụ du lịch; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng, đưa sản phẩm lưu niệm vào siêu thị, tham gia các hội chợ triển lãm…

 

Các địa phương trong tỉnh cũng ưu tiên đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Điển hình như TP Tuy Hòa tiếp tục đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở làng rau Ngọc Lãng. TX Sông Cầu phát triển các sản phẩm đặc trưng: nước mắm Gành Đỏ, rượu Quán Đế, du lịch cộng đồng làng muối Tuyết Diêm. TX Đông Hòa tập trung phát triển hai làng nghề truyền thống làm gốm và dệt chiếu, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các nhóm nghệ nhân, CLB đàn, hát dân ca bài chòi. Huyện Tuy An hoàn thiện khu ẩm thực đầm Ô Loan, phục chế bộ đàn đá, kèn đá, thành lập các đoàn nghệ thuật cải lương, tuồng cổ, hò bá trạo. Huyện Sông Hinh khôi phục nghề làm rượu cần, nghề dệt vải thổ cẩm. Huyện Tây Hòa hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch Suối Lạnh, suối nước nóng Lạc Sanh, phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm, sản xuất rượu tằm Hòa Phong, xây dựng đề án du lịch cộng đồng ở xã Hòa Đồng, Hòa Tân Tây. Huyện Sơn Hòa nâng cao chất lượng các sản phẩm, món ăn truyền thống, phát triển tuyến du lịch về cao nguyên Vân Hòa, thác Hòa Nguyên. Huyện Đồng Xuân điều chỉnh quy hoạch xây dựng điểm du lịch sinh thái suối nước nóng Triêm Đức, Trà Ô, xây dựng đề án du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở thôn Xí Thoại…

 

Bài cuối: Phát huy thế mạnh du lịch nông thôn

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek