Thứ Ba, 07/05/2024 04:13 SA
Những miền quê đáng sống (tiếp theo bài 1)
Chủ Nhật, 30/08/2020 10:16 SA

Lãnh đạo huyện Đồng Xuân và xã Xuân Quang 2 tham quan Nhà văn hóa thôn Triêm Đức. Ảnh: HÀ MY

BÀI 2: “Áo mới” cho thiết chế văn hóa nông thôn

 

Thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hạ tầng cơ sở ở các địa phương đã có nhiều khởi sắc. Khắp các làng quê trong tỉnh, người dân tự nguyện góp công, góp của dựng xây nhiều công trình, thiết chế văn hóa; từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, làm cho bức tranh NTM ngày càng sinh động.

 

Cổng chào lưu giữ hồn quê

 

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 427 NVH thôn, buôn (tăng thêm 298 NVH so với năm 2011) và 72 NVH xã đạt chuẩn theo quy định (tăng 54 NVH so với năm 2011). Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020, các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực trên 221 tỉ đồng để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa ở các xã, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho người dân.

Một ngày cuối tháng 7, bà Nguyễn Thị Lài, một doanh nhân tại TP Hồ Chí Minh về thăm quê ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Trên con đường bê tông phẳng lỳ, hai bên hoa nở thắm sắc vàng, chiếc xe chở bà Lài bon bon về thăm quê. Khi đến cổng chào văn hóa xã Hòa Quang Bắc, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 hoàn thành vào tháng 5/2020, bà Lài ngỡ ngàng, thốt lên: “Ôi, hoành tráng quá! Phải dừng lại chụp hình lưu niệm ngay”.

 

Nằm ngay ngã ba giao nhau giữa hai tuyến ĐH22 và ĐH25, cổng chào văn hóa xã Hòa Quang Bắc như cánh tay dang rộng đón mọi người về với vùng đất giàu truyền thống và mến khách này. Theo ông Lê Đình Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã nhiệm kỳ 2015-2020, ước mơ xây dựng cổng chào văn hóa xã để làm điểm nhấn, tô đẹp thêm bộ mặt của địa phương được các thế hệ cán bộ, nhân dân ấp ủ từ lâu, song vì ngân sách địa phương hạn hẹp nên chưa thể triển khai. Đến khi ông Tuấn mang nguyện vọng này bày tỏ với người anh em kết nghĩa Dương Minh Danh, một doanh nhân tại Hà Nội, cũng là người con của quê hương Phú Hòa, anh Danh đã quyết định tài trợ gần 700 triệu đồng để địa phương xây dựng công trình.

 

“Cổng chào văn hóa xã được xây dựng không chỉ mang giá trị văn hóa, tinh thần mà còn góp phần tô điểm cho diện mạo NTM của địa phương; gắn kết cán bộ và nhân dân trong xã để từ đó cùng góp sức đưa Hòa Quang Bắc trở thành một trong những xã điển hình trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh”, ông Tuấn chia sẻ.

 

Ngoài Hòa Quang Bắc, hiện nay phong trào xây dựng cổng chào văn hóa thôn, xã còn lan tỏa rộng khắp huyện Phú Hòa. Ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa, cho hay: “Thời gian qua, Phú Hòa có 35 cổng chào văn hóa thôn, buôn được xây dựng, sửa chữa bằng nguồn xã hội hóa. Các công trình đều bảo đảm về kiến trúc, mang nét đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương, thể hiện khát vọng và niềm tự hào của mỗi làng quê, góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở trong xây dựng NTM”.

 

Những nhà văn hóa từ… sức dân

 

Khi chúng tôi đến, nhà văn hóa (NVH) thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân đang thi công cổng tường rào, sân thể thao. Ngày nào ông Nguyễn Hữu Hơn, Bí thư kiêm Trưởng thôn cũng ra kiểm tra và đôn đốc thợ đảm bảo tiến độ để công trình hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Ông Hơn chia sẻ: “Người dân trong thôn rất ủng hộ việc xây dựng NVH gắn với sân thể thao. Bà con còn thu gom sách cũ và mang cây xanh đến trưng trong khuôn viên NVH. Nhiều giải bóng chuyền giao hữu cũng được lên lịch”.

 

Theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, không chỉ Triêm Đức mà 3 thôn còn lại, người dân cũng rất tích cực vào cuộc với chính quyền xây dựng các thiết chế văn hóa. “Trong hai năm 2018-2019, xã đã khơi sức dân cùng Nhà nước xây dựng mới 3 NVH, sửa chữa một NVH với tổng kinh phí hơn 4,2 tỉ đồng. Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, qua đó giúp bà con hiểu được xây dựng NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm; người dân là chủ thể xây dựng, Nhà nước hỗ trợ”, ông Khương nhấn mạnh.

 

Cổng chào văn hóa xã Hòa Quang Bắc được xây dựng khang trang từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Còn ở thôn Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa), nhiều năm qua, người dân luôn ước mơ có một NVH khang trang để làm nơi sinh hoạt. Mong muốn là vậy, nhưng do ngân sách địa phương hạn chế, đời sống người dân còn khó khăn nên mặc dù nhiều lần thôn đưa ra bàn bạc, vẫn chưa thống nhất được phương án đóng góp kinh phí. Mấy năm gần đây, cuộc sống của bà con được cải thiện nhiều, lại đúng thời điểm địa phương xây dựng NTM nên khi Đảng ủy xã và thôn tổ chức họp, đề xuất phương án xây dựng NVH, mọi người dân đều đồng lòng, hồ hởi góp công, góp của.

 

“Qua các cuộc họp, chúng tôi thống nhất mỗi hộ gia đình đóng góp 600.000 đồng/hộ. Nhà nào khó khăn thì đóng góp chia thành nhiều lần, ai không có điều kiện góp của thì góp công. Ngoài ra, cán bộ thôn còn chủ động gửi thư kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ. Từ những cách này, thôn đã huy động được gần 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa cùng hơn 200 triệu đồng từ ngân sách nhà nước xây dựng NVH thôn đạt chuẩn NTM, góp phần đưa địa phương đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong lộ trình xây dựng NTM”, ông Trần Hữu Công, Bí thư kiêm Trưởng thôn Mỹ Thạnh Tây chia sẻ.

 

Cho em thơ thêm tiếng cười

 

Từ khi khu vui chơi - thể thao thiếu nhi đặt tại NVH xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) đi vào hoạt động trong dịp hè 2020, chiều nào các em thiếu nhi trên địa bàn xã cũng tập trung đến đây. Vẻ mặt thích thú, em Nguyễn Thị Thùy Linh, lớp 4, Trường tiểu học Đức Bình Tây, bày tỏ: “Em rất vui vì từ hè này, xã có khu vui chơi thiếu nhi cho em và các bạn”.

 

Theo anh Nguyễn Tấn Tứ, Bí thư Xã đoàn Đức Bình Tây, em nông thôn rất ít sân chơi, mỗi dịp hè, vui thường ngày là tắm sông, ra đồng, quanh quẩn ở nhà với điện thoại, ti vi… Mong muốn các em thiếu nhi có điểm vui chơi bổ ích, lành mạnh nên xã đoàn phối hợp với gia đình một đoàn viên xây dựng khu vui chơi - thể thao rộng hơn 1.000m2 với kinh phí thực hiện trên 500 triệu đồng. Khi đến đây, các em sẽ được tham gia nhiều trò chơi bổ ích như: đu quay, cầu trượt, con lắc, nhà banh liên hoàn, tô tượng, vẽ tranh… Đoàn thanh niên xã còn xây dựng tủ sách với hơn 2.000 đầu sách phục vụ miễn phí cho các em.

 

Ngoài Đức Bình Tây, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng các công trình khu vui chơi - thể thao cho thiếu nhi. Điều đáng nói là kinh phí thực hiện các công trình này được xây dựng từ nhiều nguồn, phần lớn là xã hội hóa, đóng góp từ thanh niên, trong đó có Quỹ Kế hoạch nhỏ của thiếu nhi Phú Yên hình thành từ việc thu gom giấy vụn và phế liệu… Các công trình vui chơi - thể thao thiếu nhi đã góp phần tạo ra không gian sinh hoạt vui tươi, lành mạnh cho các em; góp phần điểm tô sắc màu cho các miền quê, làm phong phú thêm các thiết chế văn hóa trong xây dựng NTM ở các địa phương.

 

BÀI CUỐI: Chung sức điểm tô văn hóa nông thôn mới

 

Việc xây dựng, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa làm phong phú các hoạt động trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

 

Ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Hòa

 

HÀ MY - THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những miền quê đáng sống
Thứ Bảy, 29/08/2020 07:00 SA
Cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân
Thứ Hai, 24/08/2020 07:00 SA
Xã nông thôn mới bên dòng sông Cái
Thứ Sáu, 14/08/2020 13:00 CH
Về Vũng La
Thứ Tư, 12/08/2020 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek