Quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mang đến những xung lực, giúp đời sống người dân được nâng lên, văn hóa làng quê được kế thừa, tiếp thu những nhân tố mới. Các địa phương đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó có tiêu chí số 6 và 16 về văn hóa. Qua đó góp phần bồi đắp, nhân lên các giá trị văn hóa trong từng gia đình, cộng đồng dân cư; đưa các vùng nông thôn chuyển mình trở thành những “miền quê đáng sống”.
BÀI 1: Nông thôn mới trong… nông thôn cũ
Phát huy truyền thống, bồi đắp các giá trị văn hóa mới, hướng đến cuộc sống yên vui và hạnh phúc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình xây dựng NTM ở Phú Yên. Một NTM “chất lượng điểm mười” đang được kiến tạo khắp các vùng quê; ở đó, nếp sống văn hóa hiện hữu, thôn xóm rộn ràng lời ca tiếng hát, các giá trị văn hóa được bồi đắp trong từng gia đình, đời sống tinh thần của nhân dân chuyển biến rõ rệt…
Tang lễ văn minh
Những ngày cuối tháng 4, cụ Nguyễn Phụng, thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành, TX Đông Hòa qua đời vì bệnh già. Vì trùng vào thời điểm cả nước phải giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 nên đám tang diễn ra đơn giản, gọn nhẹ, tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ như: không tụ tập đông người, mọi người đến viếng đều mang khẩu trang…
Theo ông Nguyễn Trãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, kể cả khi không có dịch bệnh COVID-19, tang lễ cũng đã được bà con nhân dân trong xã tinh gọn theo hướng văn minh. Thay vì giữ nếp sống làng quê cũ với các hủ tục rườm rà, địa phương đã loại bỏ những lễ nghi không phù hợp như: không tổ chức cỗ, không rải vàng mã trên đường di quan, không để thi hài người mất quá 36 giờ… Hợp tác xã của xã có dịch vụ từ tế, hoạt động từ 4 năm qua nhằm hỗ trợ các gia đình dịch vụ tang lễ với chi phí thấp nhất, giúp tiết kiệm một khoản tiền đáng kể…
Thực hiện tang lễ văn minh, nhiều địa phương đã “nói không” với rải vàng mã trên đường di quan. Thôn văn hóa 18 năm liền Vĩnh Xuân, xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa là một điển hình. Từ khi Bộ VH-TT-DL ban hành Thông tư quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, thôn ra thông báo kêu gọi nhân dân không đốt, rải vàng mã; cùng với đó là cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nhằm hướng đến nếp sống văn minh toàn diện.
“Mỗi lần di quan là vàng mã nằm la liệt trên đường, vừa mất mỹ quan vừa ô nhiễm môi trường, đôi lúc còn gây nguy hiểm cho người đi đường. Cho nên, bên cạnh phân tích, tuyên truyền cho người dân hiểu về những mặt “xấu” và không cần thiết trong việc rải vàng mã, cán bộ xã, thôn, đảng viên đi đầu, gương mẫu thực hiện. 7 năm qua, các hộ dân trong thôn thực hiện nghiêm việc không rải vàng mã trên đường di quan. Ngoài ra, thôn còn đưa vào hương ước, quy ước việc thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, hướng đến giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục”, ông Trương Trọng Dung, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Vĩnh Xuân chia sẻ.
Lan tỏa nếp sống văn hóa
Đường làng, ngõ xóm thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa bây giờ rực rỡ cờ, hoa. Đến thăm vùng đất này, chúng tôi được chiêm ngưỡng những ruộng sen nở hương thơm ngát, con đường phủ sắc xanh với những người dân thân thiện, mến khách, năng động. Sau hơn một năm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, mỗi người dân trong thôn đều cảm nhận rõ những đổi thay từ trong nếp nghĩ của mỗi gia đình. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lại Văn Tánh chia sẻ: “Bà con rất phấn khởi trước sự đổi thay của thôn chỉ sau một năm xây dựng thôn kiểu mẫu. Thôn tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen, vừa nâng cao thu nhập, vừa phát triển du lịch trải nghiệm đồng quê”.
Cùng với xây dựng cảnh quan làng quê xanh - sạch - đẹp, huyện Tây Hòa còn triển khai nhiều giải pháp xây dựng đời sống văn hóa mới. Đáng chú ý trong việc thực hiện nếp sống văn minh ở “huyện lúa” này là sự chuyển biến mạnh mẽ về hát nhạc sống. Huyện đã đưa quy định về hát nhạc sống vào hương ước, quy ước của thôn, yêu cầu không tổ chức hát trong các khoảng thời gian từ 11-14 giờ vào buổi trưa và từ 21 giờ ngày hôm trước đến 8 giờ hôm sau. Nếu không tuân thủ quy định, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sẽ bị phê bình ở khu dân cư; không được bình xét danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”, “cơ quan, đơn vị văn hóa” hoặc có hình thức xử lý khác.
“72/72 thôn, khu phố trên địa bàn huyện đã xây dựng quy ước đồng thuận về tổ chức hát nhạc sống trong đám tiệc, sinh hoạt văn hóa gia đình ở khu dân cư. Từ khi quy ước này ra đời đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân; hạn chế được tiếng ồn trong khu dân cư, góp phần thực hiện nếp sống văn minh ở các gia đình. Cùng với đó, huyện còn lồng ghép, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút trên 96,76% gia đình, 72/72 thôn, khu phố tham gia; qua đó, đưa huyện đạt tiêu chí số 16 về văn hóa, cán đích huyện NTM đầu tiên của tỉnh”, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Hòa Huỳnh Thị Thu chia sẻ.
Về miền quê đượm lời thơ, ý nhạc
Về Bình Kiến hôm nay/ Tự hào kiêu hãnh chốn này bạn ơi/ Quê hương đổi mới sáng ngời/ Ngày đêm hối hả, cuộc đời ấm no…
Giọng thơ của bà Lê Thị Thu, Phó Chủ nhiệm CLB Thơ - Nhạc xã Bình Kiến vang lên, giòn giã và tươi vui, như lời mời gọi mọi người cùng về thăm miền quê nằm dưới chân núi Chóp Chài. Cứ định kỳ tối 16 âm lịch hàng tháng, gần 50 hội viên CLB Thơ - Nhạc xã Bình Kiến lại tề tựu về nhà văn hóa xã để nghe ngâm thơ và “trình làng” những vần thơ tâm huyết của mình.
“Cảm xúc bắt nguồn từ tinh thần yêu đời, lạc quan. Người dân có sự đồng cảm, chia sẻ và đồng lòng với chủ trương của Đảng và Nhà nước thì họ mới có cảm xúc sáng tác được những câu thơ tuy mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm sâu sắc đến vậy. Chính nhờ những bài thơ như thế này đã “tiếp lửa” cho người dân thêm yêu cuộc sống, vững tin hơn vào Đảng và Nhà nước, cùng chung sức dựng xây thôn quê ngày càng đổi mới”, ông Lương Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến chia sẻ.
Theo ông Minh, ngoài CLB Thơ - Nhạc của xã được thành lập và duy trì hoạt động hơn 14 năm qua, thu hút khoảng 95 hội viên với nhiều thành phần, từ hưu trí, thanh niên, thiếu nhi, cán bộ đến nông dân, tiểu thương… 4 thôn trong xã còn thành lập đội văn nghệ của thôn. Mỗi khi đến các dịp lễ Tết, nhà văn hóa thôn lại rộn ràng lời ca tiếng hát. “Từ khi xã triển khai thực hiện tiêu chí số 16 về văn hóa trong xây dựng NTM, phong trào văn hóa văn nghệ của các thôn được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, tạo động lực để nhân dân trong xã vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc”, ông Minh cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cho biết: Tỉnh rất coi trọng việc phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống trên quê hương. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, MTTQ… đã thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ để đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn và phát huy các lễ hội văn hóa vùng nông thôn giàu bản sắc dân tộc; qua đó, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, góp phần giúp từng địa phương trở thành những “miền quê đáng sống”.
BÀI 2: “Áo mới” cho thiết chế văn hóa nông thôn
Nông thôn mới Phú Yên đang khởi sắc từng ngày, sức xuân văn hóa đang lan tỏa, hòa quyện bền chặt trong mỗi bước đi lên, làm nên những vùng quê giàu bản sắc và từng bước hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng |
HÀ MY - THIÊN LÝ