Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng triển khai tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nên bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt.
Làng quê thay “áo” mới
Về thôn Phú Khánh của xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) sẽ thấy những vạt hoa đủ màu sắc từ những con đường bê tông trong xóm tới bờ đê, trường học, trạm y tế... Ông Nguyễn Văn Hòa ở đây, chia sẻ: Bước ra khỏi nhà là thấy đường bê tông sạch sẽ và được tô điểm thêm những bông hoa khiến tôi cảm nhận rõ nhất khái niệm NTM. Bộ mặt thôn xóm thay đổi, ý thức cộng đồng của người dân cũng nâng lên, không còn thấy rác vứt bừa bãi ra đường, vỏ chai thuốc, bì bóng trôi trên mương...
Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) là xã miền núi đặc biệt khó khăn. Cách đây 5 năm, đồng bào vẫn quen với tập tục chăn nuôi thả rông. Số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh còn hạn chế. Bà con vẫn xa lạ với thói quen mang rác thải sinh hoạt ra khu tập kết. Nhưng hơn một năm nay, những điều này đã thay đổi, nông thôn miền núi đã khoác lên mình tấm “áo” mới.
Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã này, cho biết: Xã hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm năm 2018. Có được kết quả này là sự nỗ lực của người dân và cả các hội đoàn thể, chính quyền các cấp. Từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình dành cho vùng miền núi, địa phương đã đầu tư hạ tầng cơ sở như công trình nước, đường, nghĩa trang. Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh, bể chứa nước… Xe chở rác của huyện, mỗi tuần một lần về xã thu gom, dần hình thành ý thức bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định trong dân.
Huyện Phú Hòa cùng với huyện Tây Hòa, TP Tuy Hòa là 3 địa phương có 100% số xã đạt tiêu chí môi trường. Theo ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cảnh quan môi trường. UBND huyện đầu tư 15 tỉ đồng trồng cây bóng mát và hoa trên toàn huyện đến năm 2023.
Hiện đã trồng được 92,7km ở các tuyến đường huyện và các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, xóm, đảm bảo sạch - xanh - đẹp, an toàn. Cùng với đó, huyện tập trung xử lý chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hoạt động thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường nông thôn thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Theo Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh, tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 99%, tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung gần 57%, tỉ lệ đường hoa, cây xanh trên địa bàn 80%, tỉ lệ xã có quy hoạch đất làm nghĩa trang và quy chế quản lý nghĩa trang đạt 100%, tỉ lệ thu gom rác thải đạt 76%. Hộ gia đình có biện pháp xử lý nước thải đạt 90%, có bể chứa nước hợp vệ sinh đạt trên 89%. Trên 90% cơ sở chăn nuôi thực hiện thu gom, xử lý chất thải…
Giải quyết khó khăn, tiếp tục thực hiện
Cũng theo Sở TN-MT, toàn tỉnh còn 29/88 xã chưa hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, đặc biệt là các xã miền núi. Các chỉ tiêu như xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp và an toàn; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom và xử lý theo quy định, là các chỉ tiêu khó, còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, thiếu tính bền vững.
Nguyên nhân là do thói quen chăn nuôi thả rông của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, cũng như khó xử lý tình trạng lén lút đổ rác thải bừa bãi ra nơi công cộng, ven đường, ven sông. Mặc dù công tác thu gom, xử lý chất thải rắn có tăng nhưng vẫn còn chậm so với lượng rác thải phát sinh. Hơn hết, người dân chưa nhiệt tình tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường có trả phí nên nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng các phương tiện, hạ tầng phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường hạn chế.
Theo UBND huyện Sông Hinh, địa phương từng có 5/10 xã đạt tiêu chí này nhưng đến nay chỉ còn 4/10 xã đạt. Nguyên nhân chính là do thói quen sinh hoạt, sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa thay đổi một cách bền vững. Tình trạng bò, heo thả rông khi các cấp hội đoàn thể tới vận động thì đồng bào nghe nhưng sau một thời gian lại đâu vào đó. Số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt thấp. Việc xử lý chất thải rắn còn thô sơ, chủ yếu là chôn, đốt.
Để giải quyết những khó khăn còn tồn tại, bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về xây dựng NTM bền vững, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong bảo vệ môi trường; triển khai xuống các địa phương việc thực hiện xã hội hóa để huy động nguồn lực từ các cá nhân, tập thể, cùng nguồn vốn nhà nước đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Riêng vùng miền núi, phối hợp với các sở, ban ngành, các hội đoàn thể thay đổi thói quen sinh hoạt không còn phù hợp trong sản xuất, đời sống. Triển khai các mô hình điểm về quản lý chất thải rắn, tự quản về môi trường và mô hình xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
MINH DUYÊN