Xã Đa Lộc nằm ở phía bắc huyện Đồng Xuân, là xã miền núi được thành lập vào năm 1979 (tách ra từ xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân). Từ một xã nhiều khó khăn, đời sống người dân còn nghèo, thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa Đa Lộc khởi sắc.
So với trước đây, hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi này được nâng lên đáng kể. Điều đó cho thấy sự đồng thuận ý Đảng - lòng dân, sự đầu tư kịp thời của những chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho vùng đất này.
Sức bật từ những chương trình dự án
Công trình hồ chứa nước Kỳ Châu ở thôn 3, xã Đa Lộc có tổng dung tích 3,5 triệu m3 nước, với hệ thống kênh dài khoảng 20km, kinh phí đầu hơn 100 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh. Hàng năm, hệ thống này tưới cho hơn 970ha cây lương thực có hạt và các cây trồng khác, cấp nước sinh hoạt cho hơn 4.700 người (gần 20% người Chăm, Ba Na). Đặc biệt, việc đưa dự án hồ Kỳ Châu vào sử dụng đã giải tỏa “cơn khát” và góp phần cải thiện môi trường sinh thái cho người dân Đa Lộc.
Bên cạnh đó, dự án Đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân (ĐT644) cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng. Đoạn đường qua khu dân cư xã Đa Lộc dài gần 5km, theo tiêu chuẩn đường cấp 4, nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m... Từ khi có đường này, hệ thống giao thông nông thôn của xã cũng phát triển theo. Riêng trong năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình 135, địa phương đã bê tông hóa thêm 2 tuyến đường: từ cống Bà Tình - Công an xã (thôn 2) và từ Vườn Than - Hóc Sung (thôn 3) trên 500m, nâng tổng chiều dài đường bê tông nông thôn của xã lên trên 5,5km.
Hiện xã Đa Lộc còn 5 thôn (sáp nhập thôn 5 vào thôn 4, đổi tên thôn 6 thành thôn 5), mỗi thôn đều có nhà văn hóa; hệ thống trường từ mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng khang trang. Trong năm 2019, bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Đa Lộc đã xây dựng mới thư viện Trường THCS Nguyễn Viết Xuân; 2 phòng học, cổng tường rào, sân bê tông của Trường mầm non Đa Lộc.
Ngoài ra, xã Đa Lộc còn tiếp tục triển khai thực hiện các dự án do Nhà nước đầu tư, như: dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững với 9 hộ tham gia, tổng vốn hỗ trợ 100 triệu đồng; dự án Đa dạng hóa sinh kế với 15 hộ tham gia, tổng vốn hỗ trợ hơn 171 triệu đồng; dự án Hỗ trợ giống cây ăn quả với 8 hộ tham gia, tổng vốn hỗ trợ gần 80 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Kẻng (thường gọi là ông Bảy Thạch, 86 tuổi), người sinh sống ở đây từ những ngày đầu thành lập xã phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tui đã thoát nghèo rồi! Đa Lộc hôm nay so với trước đây thì quá phát triển, giao thông đi lại thuận tiện, điện đường sáng choang, nhà cửa xây dựng khang trang, cuộc sống người dân khấm khá… Hầu hết thực phẩm ở Tuy Hòa có thì Đa Lộc cũng có”.
Giao thông nông thôn ở xã Đa Lộc đã hoàn thiện và khang trang. Ảnh: H.H.THẾ |
Phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới
Sản xuất nông, lâm nghiệp với cây keo, mía, sắn là nguồn thu nhập chính của người dân ở xã Đa Lộc. Những năm trước đây, thu nhập bình quân đầu người chỉ từ 14-16 triệu đồng/năm thì hiện nay gần 30 triệu đồng/năm.
Cùng với sản xuất nông lâm nghiệp, chính quyền xã Đa Lộc đang hướng người dân tăng thu nhập từ nâng cao chất lượng đàn bò ở xã với số lượng 2.500 con, tăng 4,9%/năm, trong đó bò lai chiếm 75%. Hiện trên địa bàn xã Đa Lộc có 15 trại chăn nuôi heo thịt gia công với quy mô từ 500-1.200 con/trại, nâng tổng số đàn heo lên 14.450 con, tăng 23,3%/năm. Những trang trại này vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đều có lãi từ 150-200 triệu đồng.
Chất lượng dạy và học ở các trường tiếp tục được nâng cao, công tác phổ cập giáo dục được chú trọng. Kết quả xét công nhận hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 100%, học sinh THCS được công nhận tốt nghiệp 2018-2019 đạt 100%. Ngoài ra, lãnh đạo xã Đa Lộc vận động Hội Khuyến học xã khen thưởng cho 65 em học sinh ở địa phương thi đậu vào các trường đại học và cao đẳng, học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện.
Công tác y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng được lãnh đạo xã quan tâm. Trong năm 2019, Trạm Y tế xã đã khám cho 6.278 lượt người, đạt 104,6% kế hoạch; đã phun hóa chất xử lý kịp thời 2 ổ dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt dịch COVID-19, lãnh đạo UBND xã chỉ đạo trạm y tế, đài truyền thanh và các cơ quan đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình bằng nhiều hình thức, trong đó việc khai báo y tế toàn dân được chú trọng.
Ngoài phát triển cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm và các lĩnh vực khác, với chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và nỗ lực thoát nghèo của từng hộ gia đình…, công tác giảm nghèo trên địa bàn Đa Lộc đã có kết quả tốt. Năm 2016, Đa Lộc có 1.265 hộ dân thì có tới 651 hộ nghèo, chiếm trên 50%; nay còn 177 hộ, chiếm 13,51% và phấn đấu năm 2020 giảm xuống còn 5-6%.
Ông Châu Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: “Đến thời điểm này, địa phương đã cơ bản đạt 14 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu năm 2020 đạt tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm) và từng bước phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để sớm về đích nông thôn mới”.
Đa Lộc đã và đang trên đà phát triển. Đó là nhờ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã, cùng sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh và huyện Đồng Xuân. Thu nhập bình quân đầu người gần 30 triệu đồng/người/năm, tăng hơn so với các năm trước, số hộ nghèo cũng đã giảm. Xã đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, cơ sở hạ tầng từng bước khang trang… Thời gian tới, lãnh đạo huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư và chỉ đạo để hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới với mục tiêu cuối cùng là chăm lo đời sống nhân dân ngày một ấm no phát triển.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng |
HOÀNG HÀ THẾ