Chủ Nhật, 19/05/2024 17:47 CH
Ma Lấk - người con ưu tú của buôn Chơ:
Bài 1: Người đưa cây lúa nước về buôn
Thứ Ba, 22/10/2019 08:02 SA

Ông Ma Lấk hướng dẫn bà con trồng lúa nước. Ảnh: KIM PHƯỢNG

Hơn 20 năm làm Trưởng Công an xã kiêm Bí thư Chi bộ buôn Chơ, Ma Lấk ở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa luôn mang hết tâm huyết, lòng nhiệt tình của mình để góp phần giữ gìn cho cuộc sống bình yên và sự phát triển của buôn làng. Ông là một trong những tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ở Phú Yên.

 

Buôn Chơ đã có sự thay da đổi thịt rõ rệt. Những rẫy mía, rẫy sắn xanh ngút tầm mắt, cánh đồng lúa nước đang làm đòng tỏa hương thơm ngào ngạt hứa hẹn một mùa bội thu, nhà cửa, đường sá khang trang sạch đẹp. Có được thành quả như ngày hôm nay, bà con buôn Chơ luôn ghi nhớ công lao Ma Lấk, một người con ưu tú của buôn làng. Bà con trong buôn xem ông như “cây đại thụ” vươn cành che chắn bảo vệ buôn làng. Đã bước sang tuổi 70 nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên lòng nhiệt huyết, cống hiến sức mình cho mảnh đất thân yêu. 

 

Năm 1972, Ma Lấk tham gia cách mạng. Ông cùng với lực lượng du kích xã vót chông, làm bẫy để đánh giặc; cùng đồng đội vượt núi, băng rừng mang lương thực tiếp tế cho cán bộ. Những năm tháng ấy đã tôi luyện Ma Lấk trở thành người chiến sĩ sắt son, mưu trí, dũng cảm, có bản lĩnh kiên cường khi phải đối mặt với gian khó, hiểm nguy. Mảnh đất huyện miền núi Sơn Hòa vẫn khắc ghi những chiến công của Ma Lấk và những người con ưu tú của buôn làng.

 

Năm 1977, Ma Lấk đi bộ đội, công tác tại Huyện đội Sơn Hòa; đến năm 1979 xuất ngũ và về tham gia công tác ở địa phương, trải qua các chức vụ: Xã đội phó, Trưởng Công an xã Krông Pa. Đến năm 2005, Ma Lấk được cấp ủy, chính quyền địa phương tín nhiệm bầu làm Trưởng Công an xã kiêm Bí thư Chi bộ buôn Chơ, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa.

 

 

Ông Ma Lấk

Tiên phong trồng lúa nước

 

Nhận nhiệm vụ mới, lòng ông luôn trăn trở bởi cuộc sống nghèo đói sao cứ đeo đẳng mãi bà con. Xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa là địa phương vùng cao có gần 950 hộ dân với trên 4.400 người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Ê Đê. Trình độ dân trí của bà con còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, đói nghèo đi kèm lạc hậu, hủ tục “ma lai, thuốc độc”, mê tín dị đoan còn hiện hữu trong đời sống của bà con buôn làng. Nghĩ về những năm tháng chiến đấu ác liệt, về những đồng đội đã hy sinh, ông tự hứa với lòng mình phải tiếp tục chiến đấu chống cái nghèo đói, lạc hậu, mang lại cuộc sống bình yên hạnh phúc cho bà con.

 

Buôn Chơ cũng như nhiều buôn làng khác ven sông Ba, đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay chỉ biết trồng lúa rẫy, phó mặc cho trời. Vì thế, hạt gạo, hạt bắp sau mỗi mùa rẫy chẳng đủ để làm no cái bụng của người già, lũ trẻ trong buôn. Năm 2008, công trình thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành, xã Krông Pa đầu tư xây dựng được hệ thống kênh mương thủy lợi, dẫn nước về đồng. Năm 2014, có dòng nước mát đưa về tận thôn, buôn. Thấy được ưu điểm vượt trội của cây lúa nước, Ma Lấk cùng với cán bộ xã và các đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi từ trồng lúa rẫy sang trồng lúa nước.

 

Ban đầu, bà con buôn Chơ còn e ngại, chưa dám thực hiện. Để bà con tin và làm theo mình, gia đình ông xung phong đi đầu. Vụ đầu làm lúa nước, năng suất lúa thu hoạch tăng cao. Trước kia làm lúa rẫy một năm chỉ một vụ, mỗi sào được 8 bao; nay làm lúa nước một năm hai vụ, 1 sào được hơn 20 bao/vụ. Nói sao cho hết niềm vui của ông cùng bà con buôn làng trong buổi lễ cúng mừng lúa mới năm đó.

 

Cái bụng của Ma Lấk vui lắm! Lúc này không chỉ ở buôn Chơ mà bà con khắp các buôn trong xã kéo đến học tập cách làm lúa nước của gia đình ông. Ma Lấk thổ lộ: “Đảng, Nhà nước quan tâm mở hệ thống nước cho mình, bà con mình phải tập trung làm cây lúa nước, chăm sóc cây lúa nước cho tốt hơn, có ăn hơn”. Từ khi chuyển sang làm lúa nước, cái đói bao đời bám chặt lấy bà con đã chịu rời đi. Cuộc sống của bà con bước sang một trang mới.

 

Tận tình giúp đỡ người khó khăn

 

Trong buôn còn một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Ma Lấk đã cùng với các đoàn thể giúp đỡ, hướng dẫn bà con cách làm ăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, Đảng ủy xã Krông Pa phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, Ma Lấk được giao trực tiếp giúp đỡ hộ bà Mí Tiếc, một gia đình khó khăn, nghèo đói suốt nhiều năm. Qua tìm hiểu, ông biết được gia đình Mí Tiếc có đất sản xuất nhưng không tiếp cận và áp dụng khoa học trong sản xuất, không biết chọn giống cây trồng phù hợp để có năng suất cao.

 

Trong quá trình công tác, Ma Lấk rất nhiệt tình, tâm huyết, gần gũi với bà con nhân dân; tuyên truyền, vận động bà con buôn làng thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, Ma Lấk có công rất lớn trong việc đưa cây lúa nước về buôn. Ông được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con buôn làng rất yêu mến, tín nhiệm. Ông Kpă Thinh, Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa

Ma Lấk tận tình hướng dẫn gia đình Mí Tiếc canh tác, mạnh dạn đầu tư phân bón trong trồng trọt. Sau đó, gia đình Mí Tiếc trồng được 1ha sắn, 1ha mía; đồng thời tận dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm bò chăn nuôi. Từ đó thu nhập của gia đình Mí Tiếc hàng năm tăng lên và vươn lên thoát nghèo. Gia đình Mí Tiếc luôn biết ơn Ma Lấk.

 

Còn gia đình Mí Lát ở buôn Chơ trước đây nhà cửa dột nát, hai con còn nhỏ, nheo nhóc, quanh năm làm lụng vất vả mà không đủ ăn. Từ khi được Ma Lấk và các đoàn thể giúp đỡ, nay gia đình chị đã xây dựng được nhà sàn khang trang, trồng được 2 sào lúa nước, 1ha sắn, 1ha mía, nuôi được 5 con bò, cuộc sống ấm no. Hay trường hợp của Mí Quang (85 tuổi, chồng là liệt sĩ), thường xuyên đau bệnh. Năm 2015, Ma Lấk đã cùng với chính quyền, các đoàn thể xã giúp gia đình bà xây dựng được một nhà sàn khang trang. Được sống trong ngôi nhà khang trang, ấm áp, cái bụng của Mí Quang vui lắm!

 

Hiện xã Krông Pa có hơn 170ha lúa nước, 150ha lúa rẫy, gần 950ha mía, 1.500ha sắn mì, trên 2.600 con bò…; nhiều nhà sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy và các máy móc nông cụ phục vụ cho sản xuất. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 2 năm 2017 và 2018, xã Krông Pa đã chi 110 triệu đồng để mua lúa giống cấp cho các hộ dân. Nhờ đó, cuộc sống kinh tế của bà con ở xã Krông Pa nói chung, ở buôn Chơ nói riêng không ngừng được cải thiện và nâng cao. A Lê H Dú, người dân ở buôn Chơ cho biết: “Trước đây, buôn làng mình khó khăn, nay nhờ có bác Ma Lấk hỗ trợ rồi tuyên truyền cho bà con cách làm ruộng, làm lúa nước cho đủ ăn; hỗ trợ cho bà con làm nhà ở. Bà con buôn làng rất cảm ơn bác Ma Lấk”.

 

Để xóa bỏ tận gốc cái nghèo đói, lạc hậu, Ma Lấk đã cùng với các ban ngành, đoàn thể vận động các gia đình cho con em đến trường học cái chữ để sau này có cái đầu sáng, biết nghe theo lời của Đảng chung tay xây dựng buôn làng. Hiện xã Krông Pa có 3 ngôi trường được xây dựng khang trang với gần 1.800 cháu tham gia học tập từ bậc mầm non đến bậc trung học cơ sở. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ma Lấk còn vận động bà con tham gia làm những tuyến đường bê tông nông thôn. Đặc biệt ông luôn gần gũi, tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sạch, an toàn.

 

Cuộc sống của bà con buôn làng ở xã Krông Pa không ngừng thay da đổi thịt; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong xã giảm dần theo từng năm. Người dân Krông Pa hôm nay không còn phải đi trên những con đường lầy lội khi mùa mưa đến hay bụi mù khi nắng lên. Buôn làng bình yên, đời sống bà con ngày càng văn minh, hiện đại. Kết quả đó có công lao rất lớn của Ma Lấk, người con ưu tú của Đảng, của cách mạng.

 

Bài cuối: Vì cuộc sống bình yên của buôn làng

 

KIM PHƯỢNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek