Nhiều năm rồi tôi mới gặp lại Phạm Văn Minh ở TP Tuy Hòa. Chàng sinh viên ngồi xe lăn bán vé số mười năm trước đã thành một doanh nhân đĩnh đạc tại TP Hồ Chí Minh. Anh về thăm quê, ghé trường xưa trao học bổng, kết hợp đưa vợ con đi thăm thú thắng cảnh Phú Yên.
“Kỳ này nóng quá, em về thăm nhà mà phải đưa vợ con vào resort trốn nắng. Con gái em 3 tuổi, vợ đang mang bầu sắp sinh thằng cu”, Minh cười “cập nhật” chuyện nhà với tôi.
Anh Phạm Văn Minh. |
Muốn làm người bình thường
Phạm Văn Minh sinh năm 1985, học phổ thông tại quê nhà xã An Mỹ, huyện Tuy An. Anh kể, từ năm 3 tuổi, một cơn sốt đã làm bại liệt đôi chân. Gia đình chạy chữa tứ phương nhưng rồi anh đành chấp nhận “đi” bằng hai tay.
Tôi lớn lên trong khó khăn đi đứng, nhà lại nghèo xác xơ. Thế nhưng tôi không muốn thành “đồ bỏ”, tôi muốn khẳng định mình cũng là một người bình thường…”., Minh cho biết. |
“Hồi đó, nhiều người nói: Chân cẳng thằng Minh thế này thì làm được trò trống gì, thôi khỏi đi học. Mấy trường học cũng ngại tiếp nhận trò khuyết tật. Thế nhưng tôi khao khát được biết chữ như bạn bè trương lứa. Đến năm 8 tuổi, tôi nhất quyết không chịu quanh quẩn ở nhà. Mẹ cõng tôi đến trường làng, thuyết phục thầy cô cho tôi đi học muộn. Khi mẹ tôi yếu thì nhờ có bạn bè cõng đến lớp.
Do tôi “thấp nhất trường” nên luôn là đối tượng chọc ghẹo của bạn bè. Buồn nhất là đến giờ ra chơi, các bạn túa ra chạy nhảy, còn tôi phải ngồi một chỗ… Tôi luôn cố giấu nước mắt, vượt qua mặc cảm và gắng học thật tốt”, Minh nhớ lại.
Thầy giáo Đào Tấn Trực là người dạy Minh những năm cấp 3, nhìn nhận: Tôi chưa bao giờ thấy Minh than vãn về hoàn cảnh của mình. Em là người có nghị lực phi thường, luôn kiên trì làm được điều mình ước muốn.
Gia cảnh quá khó khăn, từ những năm cấp 2, mùa hè nào Minh cũng vào Sài Gòn để bán vé số. Kể cả những năm đại học, Minh cũng tiếp tục ngồi xe lăn bán vé số để trang trải cuộc sống. Vậy mà Minh vẫn tốt nghiệp đại học loại ưu, rồi đi làm cho công ty nước ngoài, chuyên lĩnh vực thiết kế website cho khách hàng người Pháp.
Những năm gần đây, Minh đứng ra lập công ty riêng, làm ăn rất ổn, rồi tham gia công tác từ thiện nhiều nơi. Minh còn “bảo kê” chi phí học hành đến nơi đến chốn cho 2 em mình. Thực sự, Minh đã vượt lên số phận, cố công khẳng định từng ngày giá trị bản thân. Tôi nể phục và tự hào về Minh.
Riêng Minh âm trầm: “Ai cũng có chút khuyết tật riêng của mình, còn khuyết tật của tôi thì… lộ quá. Quan trọng là mình có đủ tự tin để sống hay không”.
Phạm Văn Minh và vợ con trong kỳ nghỉ hè 2019 - Ảnh: HÙNG PHIÊN |
Chút tấm chân tình
Minh cho biết, năm 2010, anh thành lập Công ty TNHH Giải pháp tin học NON Việt Nam, chuyên về dịch vụ thiết kế website, marketing online cho các doanh nghiệp. “Cũng chính vì đi lại vướng víu mà tôi quyết định mở doanh nghiệp riêng, để có thể ngồi một chỗ vừa làm việc vừa điều hành. Đối mặt nhiều gian khó nhưng tôi tự tin với kiến thức, kinh nghiệm trên lĩnh vực mình làm. Hiện doanh số của công ty đang ổn định, phát triển qua từng năm, cuộc sống gia đình thoải mái dần”, Giám đốc Minh “xe lăn” cho hay.
Ông Võ Hoài Phong, Giám đốc DNTN Hùng Phong (TP Tuy Hòa) nhìn nhận: “Công ty của anh Minh thực hiện dịch vụ thiết kế website, marketing online rất chuyên nghiệp. Các sản phẩm website kinh doanh của NON Việt Nam luôn được thiết kế bắt mắt, thân thiện, với nhiều giải pháp tương tác tiện ích. Điều này hỗ trợ hiệu quả trong việc quảng bá doanh nghiệp, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin về sản phẩm”.
Không dừng ở đó, mấy năm qua, vợ chồng Minh còn mở Cửa hàng đặc sản Phú Yên, tại địa chỉ 326 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Nơi đây chuyên cung cấp các đặc sản nổi tiếng, có chứng nhận từ xứ Nẫu, như: bò một nắng muối kiến vàng Diệp An, cà phê Huy Tùng, bánh tráng Hòa Đa, cá ngừ đại dương Phú Yên...
“Tôi muốn giới thiệu đặc sản, điểm đến du lịch độc đáo của xứ “hoa vàng cỏ xanh” cho mọi người biết. Nhớ lúc vào đại học, khi nói “tao quê ở Phú Yên” thì cả lớp chỉ có vài bạn biết, thậm chí có bạn hỏi “Phú Yên gần Hưng Yên không?”. Tôi cảm thấy “chạm tự ái” nên quyết tận dụng thế mạnh của mình để làm website giới thiệu du lịch, các đặc sản độc đáo của đất Phú Yên. Đặc sản chất lượng mà có sự kiên trì quảng bá thì sẽ được nhiều người biết đến, tâm đắc thưởng thức”, Minh nói.
Ông Huỳnh Đức Duân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệp Bảo An (Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi quen biết anh Minh khi liên hệ đặt hàng thiết kế website quảng bá sản phẩm. Sau đó, tôi với anh Minh thành đối tác làm ăn. Cửa hàng đặc sản của anh Minh hiện là đại lý lớn của sản phẩm bò một nắng Diệp An tại Sài Gòn. Anh là người có nhiều tâm huyết trong quảng bá đặc sản Phú Yên; một doanh nhân tích cực trong nhiều hoạt động từ thiện xã hội, hiện còn là Trưởng Ban truyền thông CLB Doanh nhân Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh. Tôi nhận thấy ở anh một sự khiêm tốn, uy tín trong làm ăn, một người bạn có thể chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống”.
Về cái duyên cưới cô vợ người Đồng Tháp xinh đẹp, Minh vắn tắt: “Em gặp vợ từ cơ duyên làm từ thiện xã hội. Vợ em tên là Huỳnh Thị Thúy Liễu. Em gặp Liễu trong một chuyến từ thiện năm 2014 ở Kiên Giang. Chúng em nên đôi sau khi vượt qua không ít cách trở, cản ngăn. Mọi chuyện bây giờ rất là… đằm thắm”.
Còn ông Lê Hải, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An) thì luôn tấm tắc về hình ảnh một doanh nhân ngồi xe lăn trao học bổng: “Minh là thành viên tích cực của Hội Cựu học sinh Lê Thành Phương tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua, Minh đều đặn về trao học bổng vượt khó cho các em học sinh của trường. Hình ảnh dung dị, chân tình của vị giám đốc ngồi xe lăn trao học bổng, là bài học nghị lực sống động nhất đối với các em học sinh trường Lê Thành Phương…”.
Về điều này, Phạm Văn Minh nhỏ nhẹ: “Tôi mong chút tấm chân tình của mình làm động lực cho các em cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.
HÙNG PHIÊN