Thứ Hai, 29/04/2024 21:58 CH
Mối tình đẹp từ chuyến tàu Không số huyền thoại
Thứ Bảy, 06/04/2019 13:00 CH

Ông Trần Hải Đạo và bà Lê Thị Hoa luôn giữ thói quen đọc Báo Phú Yên hàng ngày - Ảnh: PHƯƠNG HỒNG

Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chuyến tàu Không số huyền thoại là bản anh hùng ca về sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta. Từ trong gian khổ, hy sinh để bảo vệ bí mật đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa những chuyến tàu Không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam cập bến an toàn ấy đã nảy sinh những mối tình đẹp giữa những anh bộ đội hải quân với những cô dân công tải đạn ở khu căn cứ cách mạng. Mối tình thủy chung, son sắt giữa cô dân công Lê Thị Hoa và anh bộ đội hải quân Trần Hải Đạo là một điển hình.

 

Trong sắc nắng vàng tươi của những ngày tháng tư lịch sử, tôi đến thăm gia đình bà Lê Thị Hoa ở hẻm Phan Đăng Lưu, phường 9, TP Tuy Hòa. Vợ chồng bà Hoa hiện sống cùng với người con gái thứ ba. Năm nay bà Hoa đã 77 tuổi, còn ông Đạo đã bước sang tuổi 86.

 

44 năm trôi qua, vết thương chiến tranh đã lành theo năm tháng nhưng mỗi khi nhớ về một thời chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng năm xưa, trong lòng hai ông bà lại trào dâng niềm bồi hồi, xúc động. Về Phú Yên sinh sống đã gần 30 năm nhưng giọng nói của bà Hoa vẫn mang đặc trưng của xứ dừa Bến Tre, mộc mạc, chân chất, gần gũi đậm chất miền Tây Nam Bộ.

 

Cô thôn nữ xứ dừa đi làm cách mạng

 

Bà Lê Thị Hoa sinh năm 1942, quê ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là quê hương của phong trào Đồng Khởi trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cha của bà là liệt sĩ, đã anh dũng hy sinh năm 1972. Vừa tròn 18 tuổi, tiếp nối truyền thống của gia đình, cô thôn nữ xứ dừa Lê Thị Hoa đã cùng với chị em trong xóm tham gia hoạt động cách mạng.

 

Năm 1960, phong trào Đồng khởi của quê hương Bến Tre đang sục sôi, bà Hoa đã cùng với các chị em vót chông, đào hầm, đấu tranh chính trị làm cho bọn địch vô cùng hoang mang, dao động, phải chùn bước trước đội quân tóc dài. Sau đó, bà và 12 chị em trong xóm thoát ly, tham gia hoạt động cách mạng ở khu căn cứ Rừng Lá. Bà đã cùng đồng đội ngày đêm may quân trang, mùng mền, may băng đạn và nấu cơm cho bộ đội ở khu căn cứ. Mặc dù cuộc sống ở bưng biền vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng với tuổi thanh xuân phơi phới, chị em vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan yêu đời, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn cứ địa cách mạng Thạnh Phong bao gồm cả xã Thạnh Hải hiện nay, nằm cuối cù lao Minh. Vùng đất ven biển Đông dài hơn 20km này được giới hạn bởi hai cửa sông lớn là Cổ Chiên và Hàm Luông ngày đêm sóng vỗ rì rào. Hồi đó, Thạnh Phong là vùng đất heo hút nằm ven biển, với mênh mông rừng đước, rừng dừa nước, được xem là một vùng đất mang tầm chiến lược. Chính vì vậy mà ngay thời kháng chiến chống Pháp, rồi đến kháng chiến chống Mỹ, cách mạng đã chọn Thạnh Phong làm căn cứ địa.

 

Từ năm 1960, Thạnh Phong được chọn làm bến đỗ của những con tàu Không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Bà Hoa nhớ như in vào một buổi tối cuối năm 1963, bà cùng các đồng chí hay tin chuyến tàu Không số chở vũ khí chuẩn bị cập bến Thạnh Phong. Tuy nhiên, khi tàu gần tới bờ biển Thạnh Phong thì bị mắc cạn phía ngoài Cồn Lớn. Bà nhớ lại, lúc đó phải huy động hết các lực lượng vũ trang và nhân dân tại Thạnh Phong để bốc dỡ “hàng”, sau ba ngày đêm mới bốc hết. Trong suốt quá trình bốc dỡ vũ khí vận chuyển vào bờ, bà Hoa đã để ý đến một anh bộ đội thật thà ít nói nhưng rất chăm chỉ làm việc và quan tâm đến mọi người, đó là ông Trần Hải Đạo, lúc đó là chính trị viên của tàu Không số. Và kể từ đây, mối tình đẹp nảy nở giữa ông Đạo và bà Hoa đã được tổ chức và gia đình vun vén. Họ nên duyên vợ chồng trong những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ác liệt nhất.

 

Người chính trị viên mưu trí, dũng cảm

 

Ông Trần Hải Đạo, thiếu tá bộ đội Hải quân, nguyên là chính trị viên đoàn tàu Không số trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông sinh năm 1933, ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa; sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông cùng các thanh niên trong thôn nung nấu quyết tâm đi bộ đội, tham gia chiến đấu, bảo vệ quê hương. 17 tuổi, chàng thanh niên Trần Hải Đạo đã thoát ly lên núi, tham gia hoạt động cách mạng. Đơn vị của ông đóng quân ở khu căn cứ địa cách mạng tại huyện Sơn Hòa và ông được giao làm cán bộ thông tin liên lạc, giải mật mã. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông Đạo tập kết ra Bắc ở Nghệ An. Đầu năm 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, ông được cấp trên phân công thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, hết sức bí mật đó là vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển trên những con tàu Không số.

 

Đã gần 60 năm trôi qua, tuổi già lúc nhớ, lúc quên nhưng khi nhắc lại một thời chiến đấu oanh liệt, hào hùng, trong lòng ông Đạo trào dâng niềm bồi hồi xúc động, đôi mắt rưng rưng nhớ về những người đồng đội thân thương, có người đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Ông nhớ mãi vào khoảng cuối năm 1962, ông cùng 9 cán bộ xuống một con tàu đánh cá ngụy trang, bên trong chở hàng chục tấn vũ khí rời bến ở Đồ Sơn, Hải Phòng tiến vào Nam.

 

Hành trình của con tàu Không số phải trải qua biết bao, gian nan, nguy hiểm. Ông cùng anh em cán bộ, chiến sĩ trên tàu vừa phải vượt qua những trận bão tố ngoài biển khơi, vừa phải ngụy trang, che mắt địch. Ông nhớ lại, có lần trên biển, hai chiếc tàu địch áp sát hai bên chiếc tàu mà ông cùng đồng đội đang vận chuyển vũ khí vào Nam. Bình tĩnh, mưu trí, với vai trò là chính trị viên trên tàu, ông Đạo cùng đồng đội chờ lúc những con sóng cao dạt vào che khuất tầm quan sát cho tàu rẽ ngang để tránh địch. Sau hơn hai tháng lênh đênh trên biển, với sự mưu trí, tài tình của anh em thủy thủ, con tàu cập bến an toàn tại Cà Mau. Sau đó, con tàu chuyển tiếp vũ khí về Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre.

 

Ông Đạo cùng đồng đội ở lại khu căn cứ địa cách mạng Thạnh Phong mấy ngày. Trong những ngày ngắn ngủi ấy, ông quen với bà Lê Thị Hoa. Lúc đó, bà Hoa mới 20 tuổi, một thiếu nữ xinh xắn, dịu dàng nhưng đầy can đảm, nghị lực. Bà Hoa tâm sự: “Hồi đó tôi thương ông ở tính thiệt thà, ít nói. Cha mẹ ông đều mất sớm, quê ở tận Phú Yên. Sau những lần gặp nhau khi ông cùng đồng đội trên những con tàu không số cập bến Thạnh Phong, chúng tôi cảm mến nhau”. Theo bà Hoa, thời gian gặp gỡ, trò chuyện thật ít ỏi rồi ông lại vội vã theo đơn vị trở về quân khu để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bí mật, đặc biệt ấy. “Khi chúng tôi xa nhau, trong lòng hai người đều mang bao nỗi thương nhớ, mong từng ngày được gặp lại. Hơn ba năm gặp gỡ, tìm hiểu, mối tình của chúng tôi được tổ chức và gia đình đồng ý, tạo điều kiện để chúng tôi nên vợ nên chồng vào năm 1967”, bà Hoa kể.

 

Sau khi cưới, thời gian hai người sống bên nhau thật ngắn ngủi, số ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay rồi ông Đạo lại cùng đồng đội vận chuyển vũ khí vào tận mũi Cà Mau. Từ năm 1967-1973, bà Hoa sinh được 3 người con gái. Khó có thể kể hết những gian nan, vất vả mà bà đã trải qua trong những năm tháng chiến tranh ác liệt khi vừa sinh nở, chăm sóc con nhỏ vừa công tác. Sau đó bà phải gửi lại các con cho chị gái chăm sóc để thực hiện nhiệm vụ cách mạng giao trong vùng căn cứ.

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Đạo tiếp tục nhận nhiệm vụ cùng bộ đội Hải quân xuống tàu đến cảng Công-pông-xom làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tháng 6/1975, bà Hoa sinh người con trai út Trần Thanh Tâm. Khi con trai chào đời, ông không hề biết mặt. Bao nhiêu năm ông đi biền biệt, không giúp đỡ được nhiều cho vợ con trong những lúc khó khăn nhưng bà Hoa vẫn luôn một lòng chung thủy, tần tảo nuôi con, chăm sóc các con chu đáo để ông yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

 

Với những cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, ông Trần Hải Đạo và bà Lê Thị Hoa đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất…

 

44 năm chiến tranh đã trôi qua, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, các con ông bà đều trở thành những cô giáo, người chiến sĩ công an nhân dân. Người con gái đầu Trần Thị Nga và con trai út Trần Thanh Tâm, hiện công tác tại Công an Tiền Giang và Công an Phú Yên; hai cô con gái Trần Thị Mai, Trần Thị Kim Phượng là giáo viên, dạy học ở Phú Yên. Tuy tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng ông bà vẫn quan tâm giúp đỡ con cháu, dành cho nhau sự chăm sóc, tình cảm hết sức đằm thắm.

 

PHƯƠNG HỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Krư - người con hiếu học của làng Ma Đao
Thứ Sáu, 11/01/2019 11:00 SA
Kỳ cuối: Sáng mãi tuổi thanh xuân
Thứ Hai, 31/12/2018 11:00 SA
Kỳ 2: Sứ giả của yêu thương
Chủ Nhật, 30/12/2018 10:36 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek