Cuộc đời nhiều bi kịch, rơi vào tận cùng nỗi đau thể xác, lụn bại về tinh thần nhưng anh Hà Ðức Thống (SN 1974) ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa vẫn tha thiết sống, để rồi từ đó, lan tỏa tình yêu, sự sẻ chia của mình đến với cộng đồng.
Vợ chồng anh Hà Đức Thống và chị Nguyễn Thị Thủy Tiên trong lễ cưới được tổ chức tại chùa - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trái tim mạnh mẽ trong cơ thể đau thương
Lần gần đây nhất, tôi gặp anh Thống ở Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Anh nằm điều trị từ trước Tết đến nay. Trong giọng nói có phần yếu ớt hơn những lần trước, anh cho biết mình không sợ khối u, cũng không sợ chết nhưng mạch máu trên tay bị vỡ, một phần da bị hoại tử khiến anh đau đớn. Mấy hôm trước, anh phải chuyển đến phòng cấp cứu. Đêm ấy, 4 người đến, thì chỉ có mình anh được quay lại phòng này.
Thời thanh niên, anh Thống cao 1,79m, nặng 72kg, đẹp trai, da trắng như công tử, làm cả tập thơ dày cộp tặng người yêu. Còn giờ, trước mặt tôi là một thân thể co quắp, biến dạng, chỉ còn da, xương.
Anh thường nằm cong cong trên chõng xếp với chiếc laptop đặt trên ngực, vài quyển sách xung quanh, trong đó có quyển Sống không giới hạn của Nick Vujicic. Qua lời kể đôi khi ngắt quãng, cuộc đời anh Thống hiện lên với nhiều mốc rực rỡ và cũng đầy chua xót. Những mốc rực rỡ, đáng nhớ nhất với anh là lúc đang học Trường THPT Nguyễn Huệ, được chọn vào đội tuyển năng khiếu bóng chuyền tỉnh, sau đó tham gia thi tuyển và trở thành một trong số 27 người trên cả nước được chọn vào Nha Trang để đào tạo trở thành phi công quân sự.
Thế nhưng, khi nhà trường tiến hành thẩm tra lý lịch, anh buộc phải lựa chọn hoặc giải ngũ, hoặc ra Hà Nội đánh bóng chuyền cho lực lượng phòng không không quân. Anh Thống trăn trở, dốc hết ruột gan viết tâm thư mấy trang giấy A4 dày đặc chữ gửi cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương để tiếp tục học phi công nhưng không được phúc đáp. Cuối cùng, anh chấp nhận giải ngũ, quay trở lại thi đấu ở tỉnh nhà, đối mặt với chấn thương và rơi vào bi kịch.
Ông Hà Đức Thắng, cha anh Thống chia sẻ: “Trong một trận đấu tại Gia Lai, sau nỗ lực cứu bóng không thành, Thống bị chấn thương vỡ bao hoạt dịch ở gối. Vào thời điểm đó, thuốc thang không có, tiền bạc eo hẹp. Để có thể tiếp tục thi đấu, nó liên tục uống các loại thuốc kháng viêm nhưng sức khỏe ngày càng suy yếu. Biết không thể theo đuổi việc thi đấu, con tôi thi vào đại học để học làm trọng tài tại Trường đại học TDTT TP Hồ Chí Minh”.
Nỗ lực bảo vệ tốt nghiệp xuất sắc
Năm 1994, anh Thống thi đậu vào Trường đại học TDTT TP Hồ Chí Minh với số điểm cao nhất khóa. Tuy nhiên, chỉ bám trụ 2 năm đầu, còn 2 năm sau, chấn thương trở nên trầm trọng trong khi chương trình học ở trường nặng về các hoạt động thể chất. Anh đành quay về quê điều trị bằng thuốc bắc và nghỉ ở nhà 2 năm.
Hai năm sau, nhà trường gửi thông báo, nếu không tiếp tục học, kết quả học tập 2 năm đầu sẽ bị hủy bỏ. Mặc dù lúc này, căn bệnh đã trở nặng, nhưng anh Thống vẫn cố gắng quay lại trường. “Mỗi tối đi ngủ, tôi sợ hãi khi mỗi ngày thức dậy, chân tôi sưng tấy, không nhấc lên nổi. Những khi ấy, tôi lại uống kháng viêm để có thể đi được. Nhiều khi tôi muốn ngã quỵ ngay tại bàn học nhưng rồi sau đó lại cố gắng gượng dậy. Ba tôi từ quê phải bỏ công việc vào để hỗ trợ tôi đi lại. Đến năm 2000, sau rất nhiều nỗ lực học tập, tôi bảo vệ đề tài tốt nghiệp loại xuất sắc”.
Ngày tốt nghiệp, bạn bè phấn khởi rời trường bắt đầu những công việc mới thì tôi nặng trĩu tâm tư cùng ba về quê, tay xách nách mang đến thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhập viện. Trong suốt thời gian chấn thương, tôi để dành tiền uống 6.000 viên thuốc kháng viêm mà không lo bồi bổ sức khỏe. Tác dụng của thuốc đã làm hỏng tuyến nội tiết, thời gian sống của tôi chỉ còn rất ít ỏi nên bệnh viện trả về nhà”, anh Thống trải lòng.
Hơn 1 năm nằm nhà, cơ thể bất động, chỉ nghe chứ không thể nói, sống bằng dịch truyền… là những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời anh Thống. Nỗi thống khổ về thể xác, về tinh thần, những đợt mất ngủ triền miên khiến anh bấn loạn và nhiều lần tìm đến cái chết. Tuy nhiên, qua những lần cố chết mà không thành, anh Thống bình tĩnh trở lại, dần chấp nhận số phận và đối diện với nó thay vì chạy trốn. “Thời gian nằm một mình, tâm tư tôi trở nên bình lặng, rồi tôi nghe giáo lý nhà Phật, có duyên hạnh ngộ với những người đạo cao, đức trọng giúp tôi ngộ ra nhiều điều. Tôi chấp nhận số phận, sống vui vẻ với hiện tại và sẵn sàng đón nhận cái chết như nó vốn đã là quy luật của cuộc đời”, anh Thống cho biết.
Ông Đặng Thiên Văn, huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh là người thường xuyên ghé thăm anh Thống trong những dịp rỗi rãi. Nói về anh Thống, ông Văn cho biết: “Chúng tôi gặp nhau và quen biết từ thời trẻ. Khi nghe tin anh Thống ốm nặng, tôi có ghé thăm và sau đó thăm thường xuyên hơn. Nghị lực sống và sự vươn lên không mệt mỏi của anh ấy khiến tôi cảm động và khâm phục”.
Xương rồng nở hoa trên cát
Giờ đây, sau hơn 20 năm nằm một chỗ, nhiều lúc tưởng như cuộc sống đã ngừng lại, nhưng anh Thống vẫn bán hàng online, làm các mặt hàng rong biển, cơm gạo lứt để bán trong Nam, ngoài Bắc; đồng thời lan tỏa tình yêu, sự sẻ chia của mình đến với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Vốn sở hữu bài thuốc trị đau dạ dày từ hậu duệ của một thầy lang nhà Nguyễn ngày xưa làm trong cung đình Huế nên những lúc khỏe, anh Thống phát tâm tặng thuốc trị đau dạ dày cho những người quen biết mà không lấy tiền. Từ bài thuốc này, anh đã giúp chữa hết bệnh cho một cô gái ở huyện Bình Minh, tỉnh Cần Thơ và chị này lặn lội từ quê ra thăm anh.
Cảm mến sự vô tư của anh Thống, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên nhận lời đề nghị của gia đình về chăm sóc anh Thống một thời gian. Tuy nhiên sau đó, cả hai có tình cảm và chị Thủy Tiên nhận lời làm vợ anh hơn một năm trước. Ngày cưới, phía gia đình chị, cô chú và hai em lặn lội từ quê nhà ở huyện Bình Minh ra để tham dự.
Từ khi chị Tiên về cùng nhà, anh Thống lên ý tưởng kinh doanh, lo việc mua bán trên mạng, còn chị Tiên phụ trách khâu chế biến. Là một người kỹ tính, qua internet anh Thống tìm hiểu quy trình chế biến thực phẩm an toàn và nhờ bạn bè mua các nguyên liệu từ nước ngoài về để tẩm vào rong biển, gạo lứt. Quá trình chế biến cũng được tiến hành công phu để không làm mất mùi vị và các dưỡng chất có trong sản phẩm. Năm 2018, sản phẩm do anh Thống chị Tiên sản xuất được triển lãm tại Hội chợ Kết nối, xây dựng thương hiệu sản phẩm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Nói về anh Thống, ông Nguyễn Văn Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Kiến cho biết: “Anh Thống tuy đau bệnh nằm một chỗ nhiều năm nhưng thời gian gần đây, vợ chồng anh đã làm việc, tự kiếm thu nhập để sinh sống và trích một phần thu nhập của mình, đồng thời kêu gọi bạn bè đang sống ở trong và ngoài nước giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Tết vừa qua, anh Thống tổ chức nhiều đợt tặng quà, chia sẻ với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xóm và huy động được 50 suất quà giá trị để tặng cho Hội Người mù của xã”.
Từ trước Tết đến nay, bệnh anh Thống trở nặng, toàn ở bệnh viện nên không có thời gian lên mạng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tìm gặp anh để thăm anh hay cần một lời động viên để được anh tiếp thêm nghị lực. Nhiều người trẻ khi biết tôi viết về anh Thống đã rất tán đồng. “Tụi em còn trẻ, khỏe mạnh mà sống không phong phú, không nhiều màu sắc, không chia sẻ được nhiều như anh ấy. Anh ấy nằm một chỗ vậy thôi chứ nhiều người quý mến lắm. Cứ vào mỗi dịp sinh nhật, bạn bè anh ấy khắp nơi về tụ họp. Họ bảo để mừng sinh nhật cho anh, giúp anh vui và sống lâu hơn nữa”, một bạn trẻ chia sẻ.
Còn anh Thống, sống chết với anh giờ như một sự đã tỏ tường, không âu lo, không sợ hãi. Mỗi ngày, anh chỉ cầu mong những điều bình an đến bản thân và những người xung quanh, như những lời thơ của thầy Thích Minh Niệm mà anh tâm đắc: “Xin nắng về nơi đó/ Hoa vẫn nở điềm nhiên/ Đời không thôi khốn khó/ Gửi nhau chút bình yên”.
THÁI HÀ