Thứ Tư, 15/05/2024 11:42 SA
Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Thứ Bảy, 23/02/2019 11:00 SA

Suốt cả cuộc đời mình, ông hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hiểm nguy, mưu trí, dũng cảm, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công. Tên tuổi và những chiến công thầm lặng của ông cùng đồng đội đã đi vào lịch sử Công an Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến với những trang sử vàng chói lọi. Ông là Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng Ty Công an Phú Yên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Ông Nguyễn Thế Vịnh (áo trắng) và ông Nguyễn Ngọc Liên, cán bộ cơ yếu Công an Phú Yên thời kỳ chống Pháp - Ảnh: CTV

 

Mùa xuân Kỷ Hợi này, ông Nguyễn Thế Vịnh đã 94 tuổi. Ông là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Xuyên Tây, xã Xuyên Châu (nay là thôn Xuyên Tây, thị trấn Nam Phước), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - một vùng quê kiên trung, bất khuất, giàu truyền thống cách mạng. Mọi người thường gọi ông bằng cái tên thân mật: Anh Ba Vịnh.

 

Tháng 1/1945, khi vừa tròn 20 tuổi, Ba Vịnh đã tham gia vào cơ sở Việt Minh ở xã. Để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, Ba Vịnh được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách Việt Minh của xã Xuyên Châu, huyện Duy Xuyên; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trước yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự giao thông ở địa phương, ông được lãnh đạo giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Công an huyện Duy Xuyên. Sau đó, ông được điều về tỉnh làm Phó Ty Công an và được giao trọng trách làm Trưởng Ty Công an Đà Nẵng. Cuối năm 1952, ông được Công an Khu 5 điều động về làm Trưởng Ty Công an Phú Yên. Kể từ đó, ông luôn xem mảnh đất Phú Yên là quê hương thứ hai thân thương của mình.

 

Trong chiến công đánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp vào tháng 6/1954 của quân và dân Phú Yên có phần đóng góp xứng đáng của lực lượng Công an Phú Yên, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người Trưởng ty Nguyễn Thế Vịnh.

 

Người chỉ huy có tài thuyết phục, cảm hóa

 

Vào một ngày cuối năm 2018, tôi tìm gặp bác Nguyễn Ngọc Liên, bác Trần Ngọc Mỹ - những cán bộ Công an Phú Yên thời kỳ kháng chiến chống Pháp hiện sinh sống tại TP Tuy Hòa. Bác Liên, cán bộ cơ yếu Ty Công an Phú Yên thời kỳ chống Pháp nay đã 90 tuổi.

 

Còn bác Trần Ngọc Mỹ, lúc đó làm Thư ký Ban Trị an hành chính, Ty Công an Phú Yên nay cũng đã 85 tuổi. Gần 65 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Thế Vịnh, hai bác vẫn nhớ như in hình ảnh của người lãnh đạo Ty Công an thời đó.

 

Với sự mưu trí, tài tình của ông Nguyễn Thế Vịnh, Công an Phú Yên đã kế thừa và phát triển thành công mạng lưới cộng tác viên cho cách mạng trong bộ máy ngụy quyền cấp tỉnh. Sau một thời gian nghiên cứu chuẩn bị, ông Vịnh đã thực hiện phương án trinh sát nội tuyến.

 

Ông T là cán bộ di động và ông L là cán bộ điệp báo Ban Bảo vệ chính trị, ty của ta được chuyển sang hoạt động hợp pháp trong vùng địch. Tháng 2/1954, địch chiếm thị xã, thành lập bộ máy ngụy quyền. Ông Vịnh đã giáo dục, cảm hóa được một số đối tượng trong bộ máy của địch chấp nhận làm việc cho ta.

 

Với những tin tức quan trọng mà cơ sở này cung cấp, ta đã nắm được tình hình không những ở phạm vi trong tỉnh mà còn nắm được tình hình của bộ máy chính quyền địch ở trung ương. Những nguồn tin giá trị này được xử lý kịp thời giúp cho Tỉnh ủy cũng như Khu ủy nắm chắc được âm mưu của địch, từ đó có biện pháp đối phó hiệu quả, đồng thời hạn chế được các cuộc hành quân càn quét của chúng. Đây là một trong những chiến công lớn của Công an Phú Yên.

 

Chiến công này đã góp phần không nhỏ vào việc đánh bại chiến dịch Át-lăng của địch. Tháng 5/1954, ba cơ sở của ta gồm Đ, N, L.B đã tổ chức cuộc hành quân giả ra vùng ven thị xã, tại đình Phong Niên, xã Hòa Thắng, trực tiếp gặp ông Nguyễn Thế Vịnh. Trong cuộc gặp mặt này, họ tuyên thệ “một lòng phục vụ kháng chiến đến cùng” và kiến nghị “xin dâng toàn bộ tỉnh Phú Yên cho cách mạng, từ hành chính, quân sự đến ngân khố…”.

 

Trước kiến nghị của họ, ông trả lời phải về báo cáo lại với cấp trên. Qua sự việc này, các đồng chí lãnh đạo Khu và Tỉnh ủy đều khen ngợi công lao của lực lượng Công an Phú Yên, trong đó phải kể đến tài thuyết phục, cảm hóa của người Trưởng ty Nguyễn Thế Vịnh.

 

Bên cạnh chiến công đáng ghi nhớ trên, ông Nguyễn Thế Vịnh cùng tập thể lãnh đạo ty tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an Phú Yên có nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả với các đối tượng chính trị trọng điểm, các toán biệt kích vũ trang, bảo vệ tốt cơ quan đầu não của tỉnh; tổ chức tốt công tác phát động quần chúng phòng gian, bảo mật; thực hiện khẩu hiệu “ba không” (không nghe, không thấy, không biết); xây dựng tổ chức “Liên gia bảo vệ kháng chiến”; phát động nhân dân bố phòng canh gác, chống địch càn, sơ tán người và tài sản. Với những chiến công đó, lực lượng Công an Phú Yên đã góp phần rất quan trọng vào việc đánh bại chiến dịch Át - lăng của thực dân Pháp.

 

Tác giả bài viết trò chuyện cùng chị Ái Nguyên, con gái ông Nguyễn Thế Vịnh - Ảnh: CTV

 

Giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng

 

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo chủ trương của khu, ông Vịnh được Đảng phân công ở lại Phú Yên, được giao nhiệm vụ Tỉnh ủy viên, Trưởng Ty phụ trách chung, phân công lực lượng làm hai bộ phận công khai và bí mật; xây dựng lực lượng trong lòng địch.

 

Bác Trần Ngọc Mỹ, Trưởng trạm liên lạc trinh sát, người được bố trí ở lại cùng tham gia hoạt động bí mật với ông Vịnh bồi hồi nhớ lại: Hồi đó, bọn địch truy lùng rất gắt gao. Chúng thẳng tay đàn áp, bắt bớ những cán bộ kháng chiến còn ở lại. Ông Vịnh ẩn náu trong một hầm bí mật của gia đình ông Trần Trứ, một cơ sở cách mạng ở thôn Đông Phước, xã Hòa An, sát nơi đóng quân của một tiểu đoàn bảo an với hơn 400 lính ngụy. Sống giữa nanh vuốt kẻ thù nhưng đêm đêm ông vẫn cải trang, vào thôn xóm xây dựng cơ sở bí mật.

 

Là một trong những người lãnh đạo công an dày dạn kinh nghiệm, ông luôn căn dặn cán bộ: Khi gặp nguy hiểm, ngón đòn duy nhất, hiệu quả nhất là phải đối mặt với hiểm nguy; khi gặp “cọp” là phải nhảy lên lưng “cọp”, chính những nơi nguy hiểm nhất là những nơi an toàn nhất. Nhờ những ý kiến chỉ đạo của ông, nhiều cán bộ công an hoạt động bí mật thời kỳ đó đã nhiều lần thoát khỏi ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.

 

Ngày 2/1/1956, trong một lần đi xây dựng cơ sở bí mật ở huyện Đồng Xuân, không may ông Vịnh bị địch bắt. Mặc dù bị địch tra tấn hết sức dã man nhưng ông vẫn kiên trung, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Không khuất phục được ý chí, bản lĩnh kiên cường của người cộng sản này, chúng đã đày ông ra nhà tù Côn Đảo.

 

Trong suốt 11 năm bị giam cầm nơi địa ngục trần gian, chúng không khai thác được gì ở ông, cuối năm 1967, chúng đành phải thả ông ra nhưng buộc biệt xứ tại Sài Gòn. Trong suốt thời gian từ đầu năm 1968 đến ngày 30/4/1975, ông đã cùng với một số bạn tù Côn Đảo thành lập Tổ Trí vận đơn tuyến nội thành, vận động một số anh em trí thức hướng về cách mạng.

 

Người cán bộ giản dị, liêm khiết và giàu lòng nhân ái

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Vịnh tiếp tục tham gia công tác và trải qua nhiều cương vị lãnh đạo ở TP Hồ Chí Minh như cán bộ Ban Kinh tế mới, quận Tân Bình; Phó Giám đốc xí nghiệp khai thác lâm sản ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Tháng 5/1984, ông về nghỉ hưu, sống sum vầy với con cháu ở phường 15, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

 

Chị Nguyễn Thị Ái Nguyên, con gái của ông luôn quan tâm chăm sóc chu đáo, dành cho ông tình cảm yêu thương, kính trọng vô bờ bến. Chị Ái Nguyên luôn xúc động mỗi lần kể về người cha thân thương của mình. Chị luôn lấy ông là tấm gương về sự giản dị, phẩm chất trong sạch, liêm khiết, ý chí kiên cường khi phải đối mặt với những gian khổ khó khăn để khuyên nhủ, giáo dục con cháu trong gia đình noi theo.

 

Chị Ái Nguyên tâm sự: Kinh tế của vợ chồng chị dù khá giả nhưng bao năm qua sống với gia đình con gái, ông vẫn giữ nếp sống rất giản dị, thanh bạch. Đặc biệt, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, xét về công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, Nhà nước cấp cho ông một ngôi nhà rất khang trang, rộng rãi ở đường Lê Quý Đôn nhưng ông đã từ chối để nhường lại cho những gia đình khác còn khó khăn hơn mình.

 

Ông thường kể cho con cháu nghe về thời kỳ tham gia chiến đấu ở Phú Yên, ông được bà con nhường cơm sẻ áo, cùng đồng đội chia ngọt sẻ bùi. Tuy sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng ông luôn dành tình cảm và nhớ về quê hương đất Phú.

 

Với sự hy sinh, cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng, năm 1997, ông được Đảng, Nhà nước tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày “Đã nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc”; được tặng thưởng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Tấm gương kiên trung, bất khuất, phẩm chất trong sạch, giản dị của ông mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ Công an Phú Yên hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

 

PHƯƠNG HỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ cuối: Sáng mãi tuổi thanh xuân
Thứ Hai, 31/12/2018 11:00 SA
Kỳ 2: Sứ giả của yêu thương
Chủ Nhật, 30/12/2018 10:36 SA
Kỳ 1: Thắp sáng tâm hồn em thơ
Thứ Bảy, 29/12/2018 07:09 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek