Thứ Hai, 14/10/2024 17:15 CH
Ba đời bền bỉ nhả tơ
Thứ Sáu, 22/07/2016 11:00 SA

Được truyền ngọn lửa đam mê rực rỡ, gần 30 năm qua, họ lặng lẽ góp sức mình gìn giữ một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc. Hành trình biểu diễn của họ dài theo những làng biển miền Trung, gửi gắm ước mong vạn chài phồn thịnh, thanh bình…

 

Phút ngẫu hứng của cụ ông Lê Tấn Mân và cụ bà Ngọc Lớn - Ảnh: NGỌC LAN

 

Những bạn trẻ yêu thích tân nhạc hẳn không thể hình dung rằng đến thời điểm này, khi các chương trình truyền hình thực tế và những cuộc thi tìm kiếm bản sao phủ sóng khắp nơi, thì ở xứ dừa Sông Cầu vẫn có một đoàn tuồng đang hoạt động. Đó là đoàn tuồng của gia đình nghệ sĩ chân quê Minh Em, với ba thế hệ bền bỉ nhả tơ như kiếp con tằm.

 

Ngọn lửa đam mê của gia đình nghệ sĩ Minh Em (tên đầy đủ là Lê Văn Minh) hẳn là quá lớn, nó “cháy” từ đời cha, mẹ rồi truyền sang cho con, cháu lớp sau. Song cũng có thể nói đó là cái nghiệp. Dường như với họ, cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi họ tự biến hóa gương mặt mình để trở thành những nhân vật lẫy lừng, uy dũng bước ra từ lịch sử hay các truyền thuyết, thành những nịnh thần xum xoe, những kẻ gian tà mưu mô xảo quyệt… Rồi trong tiếng trống chầu thúc giục lòng người, trong sự hòa thanh của các nhạc cụ thuộc bộ gõ, bộ hơi và bộ dây, họ bước ra sân khấu, lôi cuốn khán giả bằng những thủ pháp biểu trưng ước lệ và đưa trí tưởng tượng của người xem bay bổng trong sự sáng tạo của mình. Khi đó, không gian và thời gian lắng đọng trong những câu hát, những động tác múa rất đặc trưng... Khán giả như sống lại với những tuồng xưa tích cũ, trong âm hưởng hùng tráng về những tấm gương xả thân vì đại nghĩa, trung trinh tiết liệt. Và các nghệ sĩ chân quê, dù vắt kiệt mồ hôi trên sân khấu đơn sơ, mới được trọn vẹn là mình.

 

Năm 14 tuổi, Lê Văn Minh cùng người anh thứ ba, Lê Tấn Huệ, và hai cô em gái Lê Thị Loan, Lê Thị Phụng được cha mẹ dắt vô Nha Trang, gởi cho ông bầu Mười Thông, tức Huỳnh Thông, để học hát tuồng. Nửa năm sau, Minh Em được thầy Mười Thông cho lên sân khấu. Vai diễn đầu tiên của anh, năm 14 tuổi, là Tiết Cương, trong vở “Hộ sanh đàn”, tác phẩm lớn cuối cùng của cụ Đào Tấn.

 

Thời gian phủ một lớp bụi mờ lên hồi ức, những chi tiết của đêm diễn xa lắc xa lơ đó đã mờ nhòa theo tháng năm, song cảm xúc chừng như vẫn còn đọng lại. Nó ánh lên rạng rỡ trên gương mặt người đàn ông 47 tuổi mang dáng dấp một ngư dân, nhưng hơn nửa đời người đắm say tuồng.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, mấy anh em Huệ, Minh, Loan, Phụng tiếp tục theo đoàn tuồng của ông bầu Mười Thông, đến năm 1979 thì “đầu quân” về Đoàn tuồng Thống Nhất. Họ gắn bó với đoàn hơn 10 năm, cho đến khi sân khấu truyền thống ngày càng hiu hắt trước sự đổ bộ của phim ảnh. Đắn đo mãi, rồi mấy anh em trở về quê nhà.

 

Nghệ sĩ chân quê Minh Em trong một bức ảnh lưu niệm - Ảnh: NGỌC LAN (chụp lại)

 

Nhưng đã là duyên nợ thì dễ gì trút bỏ, dẫu nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn chập chờn trong những giấc mơ. Đầu thập niên 90, gia đình anh Minh thành lập CLB Tuồng Sông Cầu tại quê nhà ở Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu), mục đích lớn nhất là dạy cho con cháu hát tuồng và giữ tuồng. Việc tập hát, coi bộ khó vậy mà không khó. Cái khó nhất là tìm “đất diễn” cho CLB. Anh Minh nhớ lại buổi đầu: “Lúc chưa có thương hiệu, tìm “đất diễn” rất khó. Hễ nghe tin ở đâu có lễ hội thì mình tìm tới, liên hệ. CLB không có tư cách pháp nhân nên đi đến các tỉnh khác cũng không đơn giản. Dần dần họ biết tới mình rồi thì “đến hẹn lại lên”, họ gọi điện cho mình”.

 

Hành trình biểu diễn của CLB Tuồng Sông Cầu dài theo các làng biển trên dải đất Nam Trung Bộ, từ quê nhà Phú Yên sang hai tỉnh láng giềng Bình Định, Khánh Hòa, rồi đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Từ tháng Giêng tới tháng 8 âm lịch là khoảng thời gian cư dân ở các làng chài tổ chức lễ hội cầu ngư, gửi gắm vào đó lời nguyện cầu quốc thái dân an, trời yên biển lặng, vạn chài phồn thịnh. Và lễ hội rất đặc trưng của cư dân vùng biển miền Trung không thể thiếu vắng tiếng trống chầu cùng những vở tuồng cổ. Đây cũng chính là khoảng thời gian hào hứng, say mê của các nghệ sĩ chân quê.

 

Mùa lễ hội đi qua, cũng là lúc những cơn mưa sầm sập đổ xuống miền Trung. Các diễn viên ở nhà tập tuồng. “Chúng tôi không có tiền để dựng những vở mới nên tập những vở tuồng cổ, như “San Hậu thành”, “Huê thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Tiết Cương phá thiết khâu phần”...”, anh Minh nói vậy. Doanh thu có được từ việc hát lăng, sau khi trả lương cho đào, kép, nhạc công và hậu đài, CLB dành một khoản để sắm sửa phục trang, đạo cụ.

 

Năm 2015, Đoàn tuồng Thanh Bình được thành lập. Đào chính là Trần Thị Kim Uyên, Lê Thị Thúy (đều là cháu của Minh Em) và Lê Thị Mỹ Dung, con gái anh. Kép chính là con trai Lê Văn Linh và “ông bầu” Minh Em. Em gái anh, Lê Thị Loan, và cháu Lê Thị Phượng (con anh Lê Tấn Huệ) cũng tham gia biểu diễn. Vợ anh, Trần Thị Mỹ Nhân, rất thích tuồng nhưng không hát được, thì lo phục trang, hậu cần.

 

Không chỉ tự hào về thế hệ sau, trưởng đoàn tuồng Thanh Bình còn thấy vui khi trong bảy anh em thì có bốn người vẫn nặng lòng với nghiệp tổ. “Tuồng đã theo gen của mẹ cha thấm vào máu chúng tôi”, nghệ sĩ chân quê chia sẻ với một nụ cười. Một người em của anh Minh là Lê Văn Hoàng xa quê lập nghiệp, hiện vẫn gắn bó với sân khấu tuồng.

 

Mẹ anh từng được khán giả biết đến với nghệ danh Ngọc Lớn. Dù tuổi cao sức yếu, bà vẫn mê đắm tuồng cổ. Cha anh, cụ Lê Tấn Mân, đã 88 tuổi, vậy mà vẫn cùng con trai Lê Tấn Huệ và hai cháu Lê Văn Phương, Trần Thanh Định đệm đàn trong các đêm diễn.

 

*

* *

 

Ngôi nhà đơn sơ, tách biệt với con đường nhựa ồn ào xe cộ ở thôn Phương Lưu, xã Xuân Thọ 1 là mái ấm của cụ Mân cùng người bạn đời Ngọc Lớn. Năm 14 tuổi, cụ Mân được cha mẹ cho học chơi đàn cò. Dần dần, những bài bản cổ nhạc “thấm” vào tâm hồn từ lúc nào không hay biết. Lớn lên, cụ Mân làm nghề mộc nhưng rất mê tuồng. Và chính tuồng đã se duyên cho cụ gặp người bạn đời tại Tuy Hòa, vào năm 1962. Người phụ nữ mà cụ đem lòng yêu quê ở Bình Kiến, cũng đã nặng nợ làm kiếp con tằm. Với nghệ danh Ngọc Lớn, bà đã hóa thân thành nhiều nhân vật bất hủ, trong đó có vai Trưng Trắc, Trưng Nhị. Họ nên nghĩa vợ chồng, thăng hoa trên sân khấu khi chồng đàn vợ hát trong những vở tuồng mà nhiều người mộ điệu vẫn chưa quên: “Triệu Đình Long cứu chúa”, “Ngón tay nghĩa hiệp”, “Mã Thành Long cứu chúa”… Vượt lên những bất trắc giữa lửa đạn chiến tranh, hai tâm hồn nghệ sĩ đã nương theo ánh sáng của nghệ thuật tuồng. Sau này, do tuổi cao sức yếu, cụ bà Ngọc Lớn đành chia tay sân khấu hơn 10 năm trước. Chia nhưng vẫn chưa xa, bởi cụ bà vẫn dõi theo những đêm diễn của chồng, các con cùng các cháu. Và dù phải tựa vào cây gậy để tới lui trong nhà nhưng mỗi khi cảm xúc ùa về, cụ bà vẫn cất giọng hát. Tiếng ca ở tuổi 86 đương nhiên không còn trong và ngọt, nhưng chao ôi, vẫn đằm thắm một tình yêu! Và khi vợ thả hồn vào tiếng hát, những ngón tay nhăn nheo nhưng hoạt bát của cụ Mân lướt trên cây đàn. Tiếng đàn cò đi qua bão giông quyện vào lời ca chất chứa nỗi niềm trong một buổi chiều Phương Lưu nghiêng nghiêng nắng trên những tán dừa xanh…

 

Đắm mình trong tiếng hát, tiếng đàn chồng chất thời gian ấy, chúng tôi hiểu vì sao bốn trong số bảy người con của đôi vợ chồng này lại dấn thân vào con đường gập ghềnh song cũng rất đẹp của tuồng. Và đến lượt mình, họ lại truyền lửa cho lớp sau.

 

*

* *

 

Theo những gì mà “ông bầu” Minh Em chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng thật không dễ dàng để ba thế hệ trong gia đình này tiếp nối nhau gìn giữ tuồng, bởi càng về sau, sân khấu truyền thống càng gặp quá nhiều thử thách. Cho nên ngót một giờ diễn, lương của đào chính, kép chính chỉ có 60.000 đồng, lương của diễn viên phụ đương nhiên ít hơn. Và sau mùa lễ hội cầu ngư, em gái anh Minh lại cặm cụi làm nông để kiếm thêm thu nhập. “Kinh tế không cao nhưng ánh đèn sân khấu có sức hút khó rời. Mùa mưa không diễn được thì buồn lắm, cứ trông thời gian qua nhanh”, anh Minh Em nói vậy. Mong ước của nghệ sĩ chân quê này rất giản dị: Được Nhà nước tiếp sức để những đoàn tuồng ngoài công lập như Thanh Bình có thể mở rộng “đất diễn”, chuyên chú làm nghề và góp phần gìn giữ tuồng.

 

Học hát tuồng rất khó, từ cách lấy hơi trong bụng, cách phát âm cho đến điệu bộ diễn xuất. Khó nhưng vẫn không nản, bởi “muốn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và góp phần giữ cho môn nghệ thuật truyền thống này”, Lê Thị Mỹ Anh, con gái út của nghệ sĩ Minh Em, thổ lộ.

 

Thì ra sâu khấu tuồng, dù gập ghềnh theo thời gian, vẫn có sức hút lớn đối với những người như trong gia đình Minh Em. Bằng niềm đam mê và sự sáng tạo, mỗi khi bước ra dưới ánh đèn sân khấu, họ đưa trí tưởng tượng của người xem bay bổng. Khán giả được sống lại với những tuồng xưa tích cũ, trong âm hưởng hùng tráng về những tấm gương trung trinh tiết liệt. Và các nghệ sĩ chân quê, dù vắt kiệt mồ hôi trên sân khấu đơn sơ, mới được trọn vẹn là mình!

 

Một gia đình ba thế hệ với gần 30 năm góp phần gìn giữ tuồng, thật đáng trân trọng! Tuồng là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, mang bản sắc văn hóa của người Việt. Từng phát triển rất rực rỡ song hiện nay, nghệ thuật tuồng có nguy cơ mai một. Những đoàn tuồng, CLB và gia đình như gi a đình Minh Em rất cần được phát huy, khích lệ để họ tiếp tục tham gia gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc này.

 

Ông Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên

 

NGỌC LAN - TUYẾT DIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek