Thứ Hai, 14/10/2024 17:16 CH
Thủy chung với nghề trồng dâu nuôi tằm
Thứ Bảy, 18/06/2016 14:00 CH

Hái lá dâu cho tằm ăn - Ảnh: M.H.NAM

Xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) là nơi có làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm duy nhất hiện nay của tỉnh. Cách đây 7 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lúc đó dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội đến thăm và làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh - Dịch vụ Hòa Phong đã căn dặn đơn vị phải giữ vững và phát triển làng nghề truyền thống này. Từ đó đến nay, trải qua bao biến cố thiên nhiên, giá tơ tằm bấp bênh..., thế nhưng người dân làng nghề vẫn “sống chết” với nghề này.

 

NUÔI TẰM TRONG… PHÒNG KHÁCH

 

Đi trên quốc lộ 29, đoạn qua xã Hòa Phong rẽ vào chợ Chiều rồi theo đường bê tông đi ra hướng sông Ba là đến thôn Mỹ Thạnh Tây của xã. Nơi đây có một làng quê yên bình gắn bó lâu đời với nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Một điều khác lạ trong các gia đình ở làng quê này là phòng khách không để tiếp khách mà dành riêng nuôi tằm, còn khách đến nhà thì để bộ bình trà ngồi xếp bằng ở ngoài hàng ba trò chuyện. Giải thích về chuyện “nuôi tằm ở chỗ sang trọng”, còn “tiếp khách ngoài hàng ba”, ông Ngô Đình Nhân, một nông dân nuôi tằm, nói: Con tằm ngó vậy chớ “khó chịu” lắm, chỗ nuôi tách riêng ra chứ nuôi dưới bếp, khi nấu nướng bay mùi dầu mỡ là nó lơ ăn, còn nuôi ngoài sân, bay mùi phân heo, phân bò, nó cũng biếng ăn. Không những thế, phòng khách dành riêng nuôi tằm đòi hỏi không gian rộng mát, không được kín gió thì mới phù hợp.

 

Ông Nhân chia sẻ: Con tằm rất “nhẹ” hơi, người trong nhà đi viếng đám tang trong xóm về là ra thẳng ngoài giếng cởi quần áo tắm giặt liền, còn nếu lỡ bước chân vô nhà, tằm bắt hơi là sau đó bỏ ăn lăn ra chết. Cũng chính vì vậy, phụ nữ sinh con ở trạm xá hoặc bệnh viện về nhà không được “léo” chân lên nhà trên, khi nào “sổ cử” (đầy tháng) tắm giặt xong mới bước lên chỗ nong tằm. Nuôi tằm lâu năm “hiểu ý” nó, nên ai cũng phải kiêng cữ mấy việc này.

 

Không chỉ kiêng cữ với con tằm, người nuôi còn rất kỹ các khâu như: chân giá đỡ cho các nong tằm phải đặt trên 4 cái chén đựng nước để kiến không leo lên nong tằm được. Còn phía trên thì giăng mùng đề phòng thằn lằn (thạch sùng), rắn mối trên trần nhà rớt xuống “lót ổ” trong nong dâu ăn con tằm.

 

Trước đây, người dân nuôi tằm mạnh ai nấy bán kén tơ cho những người đi mua dạo. Thời gian gần đây, Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh - Dịch vụ Hòa Phong (đơn vị quản lý làng nghề) đứng ra ký hợp đồng với Công ty Dâu tằm tơ Lâm Đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nguồn trứng nuôi ban đầu do công ty cung cấp.

 

Công đoạn nuôi tằm từ bao đời nay vẫn theo cách truyền thống, đó là sau khi nhận trứng ủ cho trứng nở, hái lá dâu non cho tằm ăn. Thường để nuôi 6 gam trứng, người dân trồng 1 sào dâu là đủ tằm ăn trọn vòng đời. 1 gam trứng nếu nuôi đạt cho ra 3kg tơ (trung bình 1 con tằm nhả ra 1.000m sợi tơ). Vòng đời nuôi, từ ngày thả trứng đến 20 ngày là thành kén. Lựa kén bỏ ra né (một dụng cụ đan bằng tre) cho tằm quay tơ, hiện 1kg tơ có giá 125.000 đồng. Nhà bà Trương Thị Lánh, lứa vừa rồi nuôi 10gam trứng, trong quá trình nuôi hao hụt (tỉ lệ trứng nở ra tằm thấp), cho ra 24,5kg tơ, thu gần 3 triệu đồng. Trung bình trồng 1 sào dâu với sức ăn của tằm cho ra 18kg tơ, thu trên 2,2 triệu đồng.

 

Trứng tằm nhận từ công ty, trước khi nuôi, công ty cử nhân viên về giao trứng nên cả làng nghề thả nuôi cùng lứa và thu hoạch cùng lúc. Sau khi tằm quay tơ, công ty cử nhân viên về lại làng nghề, xem tằm nhả hết tơ chưa, sau đó bàn tính chuyện thu mua.

 

CÂY “ĂN NÓI” CỦA XÃ

 

Xã Hòa Phong là nơi duy nhất của tỉnh có làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, vì vậy người dân ở đây đi dự đám tiệc ở xa đều tự hào “xưng” là người làng nghề trồng dâu nuôi tằm. Ông Phan Văn Cam, một người dân làng nghề, cho hay: Nghề trồng dâu nuôi tằm có từ thời cha tôi truyền lại đến giờ. Mới đây, tôi đi đám cưới ở xã bên, mấy người lạ ngồi cùng bàn hỏi thăm chuyện làm ăn? Tôi khoe, mình ở làng nghề trồng dâu nuôi tằm Hòa Phong. Tiếng tăm làng nghề vang xa, nghe xong ai cũng gật đầu.

 

Còn ông Phan Xuân Mai, nguyên Phó Chủ nhiệm (nay là Phó Giám đốc) Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh - Dịch vụ Hòa Phong, kể: Tôi công tác tại hợp tác xã trên 10 năm, xác định cây dâu là cây “ăn nói” của xã nên mỗi lần đi họp, hội nghị từ tỉnh đến Trung ương đều báo cáo thành tích làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Còn nhớ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội đến thăm và làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh - Dịch vụ Hòa Phong, địa phương báo cáo thành tích về làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Tổng Bí thư khen, đồng thời căn dặn đơn vị giữ vững và phát triển làng nghề truyền thống này.

 

Nuôi tằm thì phải trồng dâu. Soi dâu ven bờ sông Ba mùa mưa bị ngập lụt, đứng bên bờ sông phía thôn Mỹ Thạnh Tây nhìn ra nước sông lênh láng, chỉ còn ló mấy đọt dâu. Khi lũ rút, dòng sông cạn dần “trả” đất lại cho soi dâu. Người dân làng nghề ra bờ sông trồng dặm những cây đã chết, cuốc cỏ. Qua tháng Giêng, soi dâu ra lá non, làng nghề bên bờ sông Ba bắt đầu nhộn nhịp. Giai đoạn tằm ăn lên, người ra sông hái lá dâu đi đụng đầu. Mỗi nhà, hàng ngày có 2 người túc trực, sáng chiều đi hái lá dâu.

 

Theo nhiều người dân địa phương, câu dân gian “ăn như tằm ăn lên” đó là nói về sức ăn của con tằm chứ không phải tằm ăn tạp mà ngược lại rất kén ăn, khi hái lá dâu lựa lá xanh non, còn lá già rách nát thì tằm không ăn. Lá dâu thì không chịu gió nam, vậy nên bước qua tháng 5 âm lịch khi gió nam cồ thổi mạnh làm lá dâu rách. Đến thời gian này, người dân thường tạm nghỉ nghề. Mỗi mùa dâu chỉ nuôi 5-6 lứa trứng, rồi chờ đến tháng Giêng năm sau mới gầy nuôi lại.

 

Soi dâu mấy năm nay do đầu nguồn sông Ba (bắt nguồn từ tỉnh Kon Tum, chảy qua tỉnh Gia Lai rồi đổ về Phú Yên), nhiều công trình thủy điện chặn dòng, ngăn phù sa từ thượng nguồn đổ về nên đất soi dâu ven sông Ba phù sa bồi đắp màu mỡ ngày nào bây giờ giống như đất thổ (đất nghèo dinh dưỡng). Vì thế, để trồng dâu xanh tốt, các hộ phải đầu tư phân bón, cải tạo đất. Ông Trần Đình Bá, người gắn bó hơn 30 năm với nghề trồng dâu nuôi tằm, cho hay: Trung bình người dân làng nghề trồng sào dâu thu nhập hiện nay trên 2 triệu đồng, trừ lại giá trứng cho công ty rồi chia lại cho ngày công hái lá dâu, công đầu tư chăm sóc soi dâu còn lại không đáng là bao, chủ yếu lấy công làm lời. Còn giá tơ thì bấp bênh, bao tiêu sản phẩm nhưng đầu ra mua theo giá thị trường chứ không ấn định trong hợp đồng. Vì vậy, công ty có lúc mua 120.000 đồng/kg, có thời điểm hạ xuống còn 100.000 đồng/kg nên nhiều người “hăm” bỏ nghề để tìm việc khác mưu sinh. “Thế nhưng nói vậy chứ đến đầu mùa, ai cũng ra sông Ba củng cố lại soi dâu, trồng lại những cây bị nước lụt bứng gốc, cây lâu năm già cỗi. Trong thời gian chờ dâu ra lá non, ai cũng tranh thủ chẻ tre đan nong, bện né vì đã “sống chết” với nghề này rồi”, ông Bá nói.

 

Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh - Dịch vụ Hòa Phong được Đảng và Nhà nước tặng thưởng đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Từ bao năm qua, bà con xã viên của hợp tác xã gắn bó phát triển làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Diện tích cây dâu ven sông Ba là 12,2ha; số hộ tham gia làng nghề 58 hộ, với hơn 100 nhân khẩu.

 

Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Văn Tiếp

 

MẠNH HOÀI NAM - HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek