Thứ Hai, 14/10/2024 15:22 CH
Tình người nơi đất Phú
Kỳ 2: Nâng bước học sinh nghèo đến trường
Thứ Ba, 19/07/2016 08:05 SA

Đại tá Đặng Phú Quốc, Phó Chính ủy BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, động viên em Dương Thị Bích Ly ở thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa), vượt khó và tiếp tục đến trường - Ảnh: NGUYÊN LƯU

“Nhọc nhằn con chữ vùng cao… Chăm lo mài ngọc cho đời, chỉ mong ngọc sáng trẻ thời nên thân. Nhịp cầu nối những nghĩa nhân…” (Phan Hạnh). Mùa hè, lẽ ra các thầy cô phải nghỉ ngơi, nhưng họ vẫn miệt mài về các thôn, buôn góp chút công sức của mình để chở che, giúp những đứa trẻ không may trong xã hội có cơ hội biết đến con chữ vì ngày mai tươi sáng, vì một… “xã hội thắm tươi”. Và không chỉ những người thầy đang làm công việc “đưa đò”, bây giờ ở Phú Yên, hàng ngàn cán bộ, đảng viên đều có chung tình yêu thương trẻ bao la, nhận đỡ đầu, giúp đỡ hàng ngàn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học hành, được đến trường…

 

Ấm lòng học sinh thôn, buôn

 

Lắng nghe loài chim nói/ Về những cánh đồng quê/ Mùa nối mùa bận rộn/ Đất với người say mê… Điện tràn đến rừng sâu/ Và bạn bè nơi đâu/ Và những điều mới lạ/ Cây ngỡ ngàng mắt lá/ Nắng ngỡ ngàng trời xanh… Bao ước mơ mời gọi/ Trong tiếng chim thiết tha... Bài thơ “Nghe lời chim nói” của nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn (sách Tiếng Việt lớp 4), được em Hờ Trinh (dân tộc Chăm HRoi) đọc chậm từng chữ, từng lời cho chúng tôi nghe ở nơi núi rừng Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa). Dù học lớp 5, nhưng Hờ Trinh đọc chậm, viết chậm. Cả năm nay, thầy Trần Hoài Viễn, giáo viên Trường tiểu học Sơn Nguyên, nhận đỡ đầu, đến nhà dạy phụ đạo, lo từng quyển sách, vở học cho Hờ Trinh. Thầy Viễn tâm sự: Hoàn cảnh kinh tế của gia đình Hờ Trinh quá khó khăn. Thường ngày, em phải đi bộ hơn 4 cây số để phụ giúp cha mẹ làm rẫy ở dốc Tử Thần, nên học lực của em quá yếu và có nguy cơ bỏ học giữa chừng. “Trước tình cảnh ấy, nhà trường vận động thầy cô hỗ trợ 200.000 đồng/tháng; bản thân tôi dạy kèm cho em tiếng Việt, Toán. Nhờ đó, việc học của em Hờ Trinh có tiến bộ hơn, hiện đã hoàn thành chương trình lớp 5”, thầy Viễn nói.

 

Qua cầu Suối Đá, rồi chạy ngoằn ngoèo mấy cây số dưới núi hòn Bà, hòn Tung, chúng tôi đến nhà em Y Lực ở buôn Ma Liêu, xã Sơn Nguyên. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Trường tiểu học Sơn Nguyên) đang dạy cho Y Lực ê a đọc bài. Khổ nỗi, thằng bé đã 10 tuổi, lớn tồng ngồng, nhưng chỉ mới học lớp 1. Chị Hờ Yên, mẹ của Y Lực, không nhớ nổi tuổi của mình, nói: “Chồng mải miết đi làm thuê, còn tui bệnh u xơ ở nhà. Khổ lắm, nhà không có cái ăn thì làm sao cho cả hai đứa con đi học được. May nhờ thầy cô giúp đỡ, đứa nhỏ mới được cắp sách đến trường…”. Theo cô giáo Thanh, nhà trường vận động gia đình cho em đi học và hỗ trợ 200.000 đồng/tháng, còn các thầy cô cũng gom góp lo quần áo, sách vở… để giúp Y Lực đến trường. “Dù phải ngồi cùng một lớp với bạn nhỏ tuổi hơn nhưng em Y Lực không mặc cảm mà còn ham học, ngoan ngoãn. Gần gũi với em Y Lực, cũng lắm lúc mình thấy xót xa, thương cảnh nghèo. “Có cày có thóc, có học có chữ”. Tôi tận lực giúp Y Lực học cái chữ để em có cơ hội vươn lên trong tương lai”, cô Thanh chia sẻ.

 

Cùng chúng tôi về thăm học trò nghèo buôn Ma Liêu, thầy Huỳnh Gia Huy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Nguyên, cho biết, ở đây có đến 87 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều nghèo nên học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng rất cao. Để “tiếp bước cho em đến trường”, trong năm học 2015-2016, 38 cán bộ, giáo viên của trường nhận đỡ đầu 17 học sinh, hỗ trợ hàng tháng cho 3 học sinh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, trong năm học không có học sinh nào trên địa bàn xã bỏ học. Còn ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Sơn Hòa, cũng đang thăm học trò nghèo ở buôn Ma Liêu, cho hay, năm học này, toàn huyện có 684 cán bộ quản lý, giáo viên nhận giúp đỡ, bồi dưỡng, dạy phụ đạo, dạy ngoài giờ cho 684 học sinh (có 442 học sinh dân tộc thiểu số) diện nghèo, học kém, yếu kém. 1.056 công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành giúp đỡ 96 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học vì nghèo, học yếu, với tổng số tiền hơn 126 triệu đồng. Qua đó góp phần làm giảm tỉ lệ bỏ học toàn huyện từ 2,4% năm 2012 xuống còn 0,3% năm học 2015-2016. Trong đó, Trường tiểu học Sơn Nguyên là “điểm sáng” trong phong trào này.

 

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên Phạm Văn Thịnh, cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay học yếu” đang thật sự phát huy mạnh mẽ trong toàn ngành Giáo dục, góp phần hạn chế việc bỏ học giữa chừng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của toàn ngành Giáo dục Phú Yên. Hơn 6.300 cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục trong tỉnh đã giúp đỡ 7.014 học sinh với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng; đồng thời tổ chức phụ đạo miễn phí hơn 143.826 tiết học cùng nhiều đồ dùng học tập, quần áo, xe đạp, máy tính cho học sinh khó khăn. Điều này đã tạo những chuyển biến tích cực về tinh thần và năng lực học tập của học sinh, giảm tỉ lệ bỏ học cả 2 cấp THCS và THPT, tăng tỉ lệ học sinh khá giỏi...  

 

 

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Trường tiểu học Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, hướng dẫn em Y Lực đọc sách giáo khoa - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

 

Lính quân hàm xanh “nâng bước em đến trường”

 

Chia tay những người thầy “đưa đò” cho trò nghèo vượt khó ở thôn, buôn trong một trưa hè oi ả, chúng tôi “xuống núi” và cùng những người lính quân hàm xanh rong ruổi ở những làng xóm bên chân sóng để thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”. Thương những đứa trẻ ở dọc dài miền biển mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc hoàn cảnh quá nghèo, phải lặn lội phụ gia đình kiếm sống mà bỏ bê việc học, những người lính quân hàm xanh đã tìm cách cưu mang, giúp đỡ.

 

Về làng cát Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), chúng tôi cùng những người lính ở Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đi thăm, trao tiền hỗ trợ hàng tháng (500.000 đồng) cho học trò nghèo Trương Tuấn, học sinh lớp 6A, Trường THCS Trần Kiệt. Gia đình em Tuấn thuộc diện hộ nghèo (mã số: BF 0270). Anh Trương Nhất, cha của Tuấn, đi bạn tàu với thu nhập bấp bênh, còn mẹ Tuấn thường xuyên đau yếu, mất sức lao động. Hai đứa con lớn của anh Nhất phải nghỉ học, đi làm thuê. “Ngoài tiền mặt, đơn vị còn hỗ trợ mỗi đợt 3-4 con heo giống cho gia đình anh Nhất nuôi để cải thiện kinh tế”, thượng tá Đặng Ngọc Tường, Trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, cho hay.

 

Từ Đa Ngư vượt hơn 10 cây số đến thăm trường hợp hai chị em Dương Thị Bích Ly (SN 2002), Dương Thị My (SN 2004), ở thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa), đại tá Đặng Phú Quốc, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng tỉnh, chia sẻ, cha bỏ đi biệt tích từ lâu, còn mẹ bị bệnh ung thư qua đời, mấy năm nay, hai em nương nhờ sự cưu mang của ông bà ngoại Dương Mộc (66 tuổi). Em My thì bệnh động kinh, còn Ly có nguy cơ bỏ học (Ly là học sinh lớp 7A năm học 2015-2016, Trường THCS Lê Thánh Tôn - PV). Vậy nên BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sơn Hòa cùng hỗ trợ xây dựng nhà Mái ấm biên cương; hỗ trợ em Ly mỗi tháng 500.000 đồng; các chiến sĩ Đồn Biên phòng Vũng Rô cũng thường xuyên đến động viên, giúp đỡ để em Ly có điều kiện đến trường. Cô giáo Lê Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tôn, vui mừng nói: “Em Ly là một trong số 30 học sinh quá nghèo cần hỗ trợ ở trường. Tấm lòng của các chiến sĩ biên phòng đã giúp em Ly yên tâm học tập và có nhiều tiến bộ trong năm học vừa qua”.

 

Theo đại tá Đặng Phú Quốc, sau khi hoàn thành chương trình phổ cập xóa mù chữ cho học sinh tiểu học ở miền biển, lực lượng biên phòng tiếp tục làm tốt công tác vận động con em đến trường. Hưởng ứng Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai chương trình “Nâng bước em đến trường”. Lực lượng biên phòng nhận đỡ đầu cho 39 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở miền biển. Mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến khi tốt nghiệp THPT. “Đặc biệt, mỗi thành viên trong ban lãnh đạo BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu 2 học sinh. Số tiền tuy không lớn, nhưng đảm bảo đủ sách vở cho các em đến trường, góp phần mang lại niềm tin cho người dân, thắt chặt tình quân dân như cá với nước!”, đại tá Đặng Phú Quốc cho biết.

 

Giờ đây, không chỉ các thầy, cô giáo, những người lính quân hàm xanh, mà cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh cũng đang chung sức chung lòng thực hiện Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cuộc vận động “Tiếp sức cho em đến trường” của Tỉnh ủy Phú Yên để giúp đỡ hàng ngàn học sinh khó khăn có điều kiện đến trường. Hiện mỗi Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy… đều nhận giúp đỡ một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ mỗi tháng 200.000 đồng/em…

 

Xã hội trân trọng biết bao những tấm lòng thiện nguyện của những cán bộ, công chức, những người lính quân hàm xanh, của các thầy cô giáo trong toàn ngành Giáo dục Phú Yên… đã giúp đỡ, âm thầm “gieo chữ”, gieo vào trong tâm hồn các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn những ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn!

 

Những cuộc vận động giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã tiếp tục ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh nghèo bỏ học giữa chừng và khắc phục dần diện học sinh yếu kém trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là cuộc vận động mang tính thiết thực, nhân văn sâu sắc nên được cha mẹ học sinh đánh giá cao, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, và nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng nhiệt tình.

 

TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên

 

Kỳ cuối: Gắn kết yêu thương vì cộng đồng 

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek