Thứ Hai, 14/10/2024 15:19 CH
Tình người nơi đất Phú:
KỲ 1: Khi cán bộ chung sức lo cho dân nghèo
Thứ Hai, 18/07/2016 09:37 SA

Nửa đêm. Nắng lửa. Mưa dầu... Bất cứ ở đâu, lúc nào, chỉ cần nhận được điện thoại báo tin, họ lập tức đến nơi để chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ. Họ tận tình giúp đỡ cho những ai không may bị tai nạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo, cứu bệnh nhân nghèo chuyển viện, cần “cứu máu”… Họ là những người thiện nguyện Tâm Bồ Đề, Hoa Vô thường, Từ Tâm, Sen trắng, những nhà hảo tâm của Hội nấu cháo tình nguyện, Hội tình thương, nhóm Từ Tâm, Nhân Ái, đội hiến máu…

 

Phó Trưởng ban trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Thanh Chung (giữa) trò chuyện với người dân ở buôn Hai Riêng, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) về thực hiện Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giúp đỡ buôn khó khăn và hộ nghèo - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Tạm gác chuyện đồng áng, nhiều nhóm nông dân cũng thiện nguyện giúp người nghèo khó hơn. Giờ thì những cán bộ, đảng viên trong tỉnh cũng chung sức chung lòng tỏa về các thôn, buôn khó khăn để hỗ trợ vật chất, chăm lo cho những cảnh đời bất hạnh, người nghèo khó, nâng bước em đến trường…

 

Nhịp cầu nhân ái, tình người gắn kết yêu thương vì cộng đồng đang thật sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng ở mọi miền quê Phú Yên.

 

“Nhà không có ruộng đồng để sản xuất, con thì mỗi tháng lại đi bệnh viện thay máu 1 lần… Nếu không có cán bộ giúp thì…”; “Cán bộ không lo sinh kế cho thôn ở đầu sóng ngọn gió này thì ngư dân vẫn còn khổ hoài”; “Đường quang, ngõ sáng rồi, bà con ưng cái bụng lắm!”… Về thôn xóm bãi ngang hay vùng núi rừng xa xôi, tôi nghe nhiều, rất nhiều những câu chuyện về người dân nghèo vượt khó, về buôn làng đổi thay… nhờ sự “tiếp sức”, trợ giúp nhiệt tình cả về tinh thần lẫn vật chất của cán bộ, đảng viên, của những cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

 

Điểm sáng

 

Buôn Hai Riêng thuộc “phố núi” Hai Riêng (huyện Sông Hinh) tịnh không chút nắng giữa một ngày hè. Ve sầu kêu râm ran. Tan giờ làm việc ở công sở, chị Nay Hờ Chăm (32 tuổi), Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Hai Riêng kiêm Bí thư Chi bộ buôn Hai Riêng, vội đến nhà Ksor Y Viên để thăm cháu Nay Y Khôi (3 tuổi) vừa “tiếp máu” ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở về. Cơ khổ, thằng bé bị bệnh máu từ khi mới sinh ra. Cha mẹ vất vả vừa lo cái ăn vừa chạy chữa bệnh cho Y Khôi. Nỗi đau máu đã qua mấy con trăng tròn, mấy mùa rẫy chín rồi mà bệnh tình của cháu Y Khôi vẫn không thuyên giảm. Cam chịu số phận?...

 

Ban Dân vận Huyện ủy Sông Hinh vận động hỗ trợ bò cho hộ nghèo Triệu Văn Ký ở thôn 2/4, xã Ea Ly - Ảnh: PV

 

Giữa lúc túng quẫn, giữa lúc kinh tế kiệt quệ, chị Nay Hờ Chăm xuất hiện giúp đỡ cho gia đình Ksor Y Viên. Chị vận động 12 đảng viên Chi bộ buôn Hai Riêng góp sức, góp tiền của lo cái ăn, bệnh tật cho Y Khôi. Bên căn nhà sàn cũ kỹ, chị Nay Hờ Chăm nói với tôi: Ngoài vận động quyên góp từ các nhà hảo tâm, bà con trong buôn làng, mỗi tháng, Chi bộ buôn Hai Riêng hỗ trợ 200.000 đồng cho cháu Y Khôi và gia đình anh Nay Phan cũng có con nhỏ bị bệnh bại liệt nằm tại chỗ. “Hai vợ chồng cứ mãi lo bệnh cho con nên chẳng làm được cái rẫy để có cái ăn. Nhờ tấm lòng cưu mang của cán bộ Nay Hờ Chăm, gia đình tôi vượt qua những ngày gian khó nhất”, Ksor Y Viên nói.

 

6 năm làm Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Hai Riêng và cũng ngần ấy năm làm Bí thư Chi bộ buôn Hai Riêng, chị Nay Hờ Chăm tất tả tháng ngày vừa lo công việc vừa nuôi 2 con nhỏ. Chồng công tác ở xa, một mình chị lên rẫy trồng sắn, mía. Vậy mà chị còn tranh thủ thời gian, năng nổ tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo, neo đơn, huy động vốn cho chị em phát triển sản xuất. Cùng đến nhà thăm cháu Y Khôi và nắm tình hình sản xuất ở buôn Hai Riêng, chị Dương Thị Thúy Kiều, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Hai Riêng, tâm sự: Chị Nay Hờ Chăm là tấm gương “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Không chỉ vận động giúp cho 2 trường hợp khó khăn, chị còn làm tốt vai trò tuyên truyền cho bà con thực hiện nếp sống văn minh, không nuôi nhốt bò dưới nhà sàn; tư vấn cho người nghèo, hộ nghèo học tập các mô hình làm kinh tế giỏi để áp dụng làm theo…

 

Cũng theo chị Dương Thị Thúy Kiều, trong 2 năm qua, cũng như đảng viên Nay Hờ Chăm, nhiều cán bộ, đảng viên ở thị trấn Hai Riêng cùng chung sức, chung lòng lo công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở các buôn làng; hỗ trợ cho 20 hộ nghèo, 4 buôn… Hàng loạt các công trình, mô hình được triển khai, nhân rộng hiệu quả ở các buôn như: Mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng trọt; công trình thắp sáng đường quê; ổn định sinh hoạt văn hóa khu dân cư, tiếp sức cho em đến trường…

 

Và cũng như chị Nay Hờ Chăm, ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên ở các xã, buôn ở huyện Sông Hinh tích cực tham gia mô hình giúp đỡ các hộ nghèo. Ví dụ như ông Ma Hương, Bí thư Chi bộ buôn Zô, xã Ea Ly, cho gia đình Ma Bai mượn 1ha đất để sản xuất; ông Trần Văn Đức, Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Giang, xã Sơn Giang, giúp hộ ông Nguyễn Văn Sướng vay vốn không tính lãi để buôn bán nhỏ; bà Võ Thị Mận, Phó thôn 2/4, xã Ea Ly, vay 25 triệu đồng giúp hộ ông Đặng Lợi mua 2 con bò… Anh Nguyễn Như Đông, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Sông Hinh, là người năng nổ, nhiệt tình gần dân, lo cho dân nghèo ở tận miền xa thôn 2/4, xã Ea Ly. Ngoài giờ làm việc, anh Đông vượt quãng đường xa hơn 25 cây số đến thôn 2/4 giúp hộ ông Triệu Văn Kỳ, dân tộc Tày. Ngoài vận động giúp đỡ bằng tiền, hiện vật trị giá gần 15 triệu đồng và 8 ngày công làm chuồng bò, sửa lại chuồng gà, anh Đông còn làm việc với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hộ ông Kỳ được vay 30 triệu đồng mua 1 con bò giống lai và 1,7 sào ruộng nước… Nhìn con bò giống tốt bóng mượt lông của mình, ông Kỳ phấn khởi nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhất trong xã. Giờ được cán bộ lo cho vốn vay để làm ăn. Tôi sẽ cố gắng phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả để cải thiện kinh tế gia đình, thoát nghèo”.

 

Và không chỉ cán bộ, đảng viên giúp dân nghèo, đa số các cơ quan, đơn vị ở huyện Sông Hinh đều có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc thực hiện giúp các xã, thôn, buôn khó khăn. Điển hình như Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ khuyến nông về kết hợp trồng cỏ nuôi bò, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho dân buôn Học, xã Ea Lâm, Đảng ủy xã Ea Bar huy động 74 triệu đồng và 150 ngày công san lấp đập dâng buôn Quen, hỗ trợ sửa chữa nhà cho hộ nghèo… Tại thôn 2/4 (xã Ea Ly), Ban Dân vận Huyện ủy Sông Hinh vận động làm 1,5km đường bê tông; xây dựng công trình Thắp sáng đường quê dài trên 2km với tổng kinh phí 65 triệu đồng…

 

Chị Nay Hờ Chăm, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Hai Riêng, thăm cháu Nay Y Khôi bị bệnh máu - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Lan tỏa

 

Đứng bên ngôi nhà sàn của Mí Sơn (buôn Hai Riêng, thị trấn Hai của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (gọi tắt là Kế hoạch 68). Đến nay, 60 cơ quan, đơn vị của huyện này đã giúp đỡ 285 hộ nghèo, 38 thôn, buôn đặc biệt khó khăn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, với tổng số tiền ước đạt trên 680 triệu đồng. 13 đơn vị, ban ngành của tỉnh cũng đã hỗ trợ hơn 2,8 tỉ đồng giúp đỡ dân nghèo, đầu tư nhiều công trình dân sinh có ý nghĩa ở 10 xã trên địa bàn huyện này…

 

Hơn nửa tháng nay, Đoàn giám sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã về các địa phương trong tỉnh để khảo sát kết quả hơn 2 năm triển khai Kế hoạch 68. Anh Nguyễn Hoàng Thành, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đang “thị sát” ở “phố núi” Hai Riêng, cho hay: Không chỉ ở miền núi Sông Hinh, phong trào thực hiện Kế hoạch 68 đã lan tỏa khắp các làng quê trong tỉnh. Hiện các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã giúp đỡ 62 xã (19 xã miền núi đặc biệt khó khăn (gồm 61 thôn, buôn), 16 xã bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn, 27 xã nghèo còn khó khăn) đáp ứng với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều, rất nhiều các gương người tốt, việc tốt, những nhân tố điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo của mô hình này. Các cơ quan, đơn vị đã đầu tư trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động, chỉnh trang trụ sở thôn (buôn), xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, làm đường liên thôn; giúp đỡ các gia đình chính sách; mở rộng giao lưu văn hóa, văn nghệ… với tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 87,5 tỉ đồng… “Hiện cả tỉnh có khoảng 15% trong tổng số hơn 3.000 hộ nghèo được các cơ quan, đơn vị và cá nhân giúp đỡ cơ bản thoát nghèo, nhiều hộ bước đầu có thu nhập ổn định hơn trước”, anh Nguyễn Hoàng Thành nói.

 

Với nhiều hình thức giúp đỡ thiết thực trong xây dựng thôn, buôn; với cách hỗ trợ dân nghèo theo phương châm “cho mượn cần câu thay vì cho con cá”…, mô hình 68 của Tỉnh ủy Phú Yên thêm gắn kết ý Đảng lòng dân, “tiếp sức” và khơi dậy mạnh mẽ ý thức vươn lên tự làm chủ của người dân nghèo. Bà con vui mừng, vững niềm tin đối với Đảng, với cách mạng. Và tôi tin, một ngày không xa hàng ngàn hộ dân nghèo ở Phú Yên sẽ thoát nghèo bền vững, góp phần đắc lực xây dựng nông thôn mới.

 

KỲ 2: Nâng bước học sinh nghèo đến trường

 

Kế hoạch 68 là một chủ trương mới, đúng đắn, hợp lòng dân, tác động trực tiếp đến đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là hộ nghèo, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Việc làm này góp phần tạo sự gắn bó giữa cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành; có tính nhân văn sâu sắc, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sống có nghĩa tình, tương thân tương ái, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn...

 

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lương Minh Sơn

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek