Liên kết vùng là thuật ngữ phổ biến trong hầu hết lĩnh vực. Trong lĩnh vực du lịch, liên kết vùng càng có ý nghĩa. Bởi một địa phương, một doanh nghiệp sẽ phát triển thế nào nếu thiếu đi sự liên kết, hợp tác.
Những kết quả bước đầu
Những năm gần đây, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền được chú trọng. Đây là chủ trương lớn mà Bộ VH-TT-DL đề ra như một giải pháp căn cơ để phát triển du lịch. Nhiều hội thảo, văn bản ký kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố đã được triển khai.
Là một tỉnh trên trục duyên hải miền Trung, du lịch Phú Yên có những lợi thế nhất định. Trong đó, điểm mạnh của Phú Yên là trung điểm của rất nhiều hành trình tour trong cả nước: ra Bắc, vào Nam, lên rừng, xuống biển. Nhằm tăng cường sự liên kết, hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nền du lịch mạnh, thị trường khách du lịch lớn, Phú Yên đã chủ động liên kết với các trung tâm, thị trường du lịch như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ; Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; kết nối chặt chẽ với Tây Nguyên và các tỉnh lân cận Bình Định, Khánh Hòa. Các mối liên kết, thỏa thuận hợp tác này hướng đến mục tiêu phát huy thế mạnh cạnh tranh của từng địa phương nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và thương hiệu du lịch vùng.
Các doanh nghiệp du lịch TP Hồ Chí Minh tìm hiểu về sản phẩm OCOP của Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Từ khi mở rộng liên kết hợp tác, tăng cường xúc tiến quảng bá, khách du lịch giữa các địa phương đã có sự trao đổi mạnh mẽ. Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: “Trong số các giải pháp căn cơ để phát triển du lịch thì liên kết, hợp tác, xúc tiến, quảng bá giữa các địa phương, doanh nghiệp là giải pháp mang lại hiệu quả cao và trực tiếp”.
Thời gian qua, lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng mạnh đến từ các thị trường mà ngành Du lịch, các doanh nghiệp đã đặt mối quan hệ liên kết hợp tác. Trong số hơn 2,2 triệu lượt khách đến Phú Yên năm 2022, nổi bật nhất là thị trường khách đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên. “Thời gian gần đây, thị trường khách mở rộng hơn đến các tỉnh phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh, thành miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận…”, ông Cao Hồng Nguyên, Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở VH-TT-DL) cho hay.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, giữa các địa phương có những điểm mạnh, lợi thế điều kiện tự nhiên trong phát triển du lịch. Việc liên kết sẽ tạo thành thế mạnh nổi trội, đặc sắc, là phần bù trừ của nhau, tạo ra nhu cầu liên kết để trao đổi khách du lịch giữa các vùng, miền. Khách du lịch cũng cảm nhận sự mới mẻ, háo hức khi đổi mới các sản phẩm du lịch ở mỗi điểm đến.
Tránh tình trạng mạnh ai nấy làm
Các chuyên gia du lịch chỉ ra rằng, thực hiện chủ trương liên kết vùng, các địa phương đã tăng cường ký kết ghi nhớ, liên kết, hợp tác với nhau. Tuy nhiên, hạn chế ở đây là nhiều mối liên kết chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhớ, còn bắt tay thực hiện thì chưa cụ thể, dẫn đến chưa hiệu quả. Việc liên kết du lịch giữa các tỉnh hiện nay là dựa trên yếu tố địa lý, vùng miền, như: Duyên hải Nam Trung Bộ, miền Trung - Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc… Ký kết ghi nhớ liên kết gần như là việc giữa đơn vị quản lý nhà nước về du lịch mà thiếu đi sự tham gia của doanh nghiệp. Thêm nữa, việc thiếu “nhạc trưởng” đứng ra điều phối khiến nhiều địa phương dù nằm trong mắt xích liên kết nhưng sau lễ ký kết lại mạnh ai nấy làm, trên cơ sở thế mạnh của mình.
Điểm đến Eo Gió - Kỳ Co (Bình Định) được Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Biển Việt Tour đưa vào tour ghép với Phú Yên. Ảnh: CTV |
Ông Đàm Đại Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Du hành Đại Hữu dẫn chứng ghi nhớ giữa 3 tỉnh Phú Yên - Bình Định - Khánh Hòa bằng hội thảo “Tour một hành trình ba điểm đến” vào tháng 8/2022 khá hoành tráng, hướng đến thị trường khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. “Sau khi các bên ký ghi nhớ, các doanh nghiệp Bình Định và Phú Yên bắt tay chia sẻ dịch vụ, trong khi Khánh Hòa có khách thì tự làm. Vì vậy rất cần một “nhạc trưởng” để duy trì, điều phối các nội dung đã ký kết hoặc những giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tế, tránh tình trạng sau khi ký kết rồi mạnh ai nấy làm. Hiện tại, công ty liên kết với các doanh nghiệp Bình Định xây dựng tour ghép điểm đến để bán ra thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ; đồng thời mở tour đưa khách Việt Nam đến các nước này”, ông Hữu nói. Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Goldenlife Nguyễn Thị Xuân Lan, công ty luôn thiết kế tour liên kết điểm đến giữa Bình Định và Phú Yên để giới thiệu đến thị trường khách nội địa, quốc tế và nhận được sự quan tâm, phản hồi tốt từ khách hàng.
Một hạn chế nữa là nội dung liên kết chung chung, nên khi các doanh nghiệp bắt tay hợp tác thì gặp những trở ngại nhất định, sự trùng lắp về sản phẩm, hay tình trạng giá dịch vụ. Không ít đơn vị tham gia nhóm liên kết hoặc liên minh kích cầu nhưng giá dịch vụ không có sự khác biệt, ưu đãi hơn so với khách bình thường, dẫn đến sự hợp tác không mấy hào hứng. Theo ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Công ty CP Du lịch Trans Asia Vacation (TP Hồ Chí Minh), trong liên kết giữa các doanh nghiệp cần một sự rõ ràng, minh bạch và có sự ràng buộc nhau về trách nhiệm và quyền lợi. Những quyền lợi này phải thực sự khác biệt, hấp dẫn hơn so với các đối tác giao dịch thông thường thì mới tạo nên sự hợp tác, gắn bó.
Ngoài ra, những khó khăn khách quan về đường bay, chuyến bay và giá dịch vụ hàng không giữa các địa phương có sự chênh lệch khá cao cũng là rào cản trong mối liên kết, hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp.
Liên kết vùng cần có cái nhìn về một hướng, về lợi ích chung và tính đường xa. Thiết nghĩ sau những buổi lễ ký kết long trọng, ngành Du lịch các địa phương, trong đó có các doanh nghiệp, cần thường xuyên ngồi lại bàn thảo, đưa ra chương trình hợp tác cụ thể để các bên đều được hưởng lợi, tránh xảy ra chuyện mạnh ai nấy làm. |
TRẦN QUỚI