Thứ Sáu, 22/11/2024 04:52 SA
Tham quan gành Đá Đĩa, thưởng thức tiếng đàn đá Hồn Xưa
Chủ Nhật, 12/02/2023 07:00 SA

Một du khách nước ngoài thích thú khi tập gõ đàn đá ở không gian văn hóa Hồn Xưa. Ảnh: QUỲNH MAI

Du khách khi đến Phú Yên nhất định không thể bỏ qua Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa. Và khi đã đến đây tham quan, du khách càng không thể bỏ qua việc thưởng thức tiếng đàn đá của tiền nhân hơn 2.500 năm trước được phục chế và biểu diễn ở không gian văn hóa Hồn Xưa.

 

Trải nghiệm đàn đá

 

Từ ngoài cổng vào Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, trên quãng đường khoảng 100m được che mát, du khách bắt đầu nghe văng vẳng tiếng đàn đá đang hòa tấu ở nhiều thể loại nhạc khác nhau với âm thanh hiện đại. Người biểu diễn không phải là nhạc sĩ, nhạc công hay nghệ nhân mà chính từ các cô gái là nhân viên phục vụ du khách ở không gian văn hóa Hồn Xưa. Những bài hát truyền thống cách mạng như: Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta lư, Cô gái Pako, Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn, Sông Đăkrông mùa xuân về, Mùa xuân trên TP Hồ Chí Minh và những bài hát về quê hương Phú Yên được các cô gái biểu diễn một cách thuần thục. Tiếng đàn đá lúc trầm bổng, lúc réo rắt hòa cùng âm thanh hiện đại khiến người nghe thích thú đến mê mẩn. Mỗi thanh đá phát ra các âm sắc, thang âm hòa trong giai điệu thánh thót, du dương... Âm thanh của đàn đá khi được gõ lên, người nghe cảm nhận được sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ...

 

Không gian văn hóa Hồn Xưa còn trưng bày nhiều hiện vật với các chủ đề văn hóa khác nhau. Ảnh: QUỲNH MAI

 

Anh Hà Tấn Sang, hướng dẫn viên khách đoàn đến từ TP Hồ Chí Minh, cảm nhận: “Thật đặc sắc. Các tiết mục biểu diễn đàn đá ở không gian văn hóa Hồn Xưa khiến du khách thích thú khi được kết hợp tham quan ở một không gian văn hóa đá rất đặc trưng của Phú Yên. Những thanh đá được gọt giũa và sắp xếp thứ tự theo đúng thang âm của một bộ đàn đá, du khách có thể trải nghiệm gõ đàn đá và tìm hiểu về văn hóa đá đặc trưng của vùng đất có bề dày trầm tích này”.

 

Chị Phan Hoàng Thùy Oanh, một du khách đến từ Hà Nội thích thú nói: “Lâu nay tôi cứ nghĩ đàn đá chỉ có thể chơi được những bài nhạc cổ, nhạc lễ. Không ngờ có thể chơi được tất cả các bản nhạc và kết hợp với âm nhạc hiện đại. Lần đầu tiên tôi được cầm hai chiếc búa gõ vào đá phát ra những âm thanh rất thú vị”.

 

Gìn giữ vốn quý văn hóa

 

Những thanh đá được xếp thành giàn như những bộ đàn đá nổi tiếng; những chum ché, cồng chiêng, bếp lửa được bố trí trong không gian nhà sàn truyền thống của người Ba Na, Ê Đê, Chăm; cả nghìn chiếc cối xay chất chồng thành núi... Các vật thể văn hóa của người xưa đang được lưu giữ, trưng bày mang đến nhiều thông điệp cho người xem ở không gian văn hóa Hồn Xưa, ngay trên đường vào Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa. Những vật thể văn hóa của người xưa để lại mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá được chủ nhân trưng bày để du khách cảm nhận và trải nghiệm, hiểu thêm về vùng đất mà mình đặt chân đến. Đây có thể xem là một bảo tàng mini, bộ sưu tập văn hóa đặc biệt của anh Nguyễn Minh Nghiệp.

 

Các nữ du khách đến từ Hà Nội chụp ảnh lưu niệm bên bộ đàn đá chế tác. Ảnh: QUỲNH MAI

 

Dày công sưu tầm những thanh đá kêu, tìm hiểu, chế tác thành những bộ đàn đá mới với số thanh nhiều hơn, biểu diễn phục vụ du khách, đến nay, anh Nghiệp đã chế tác được 20 bộ đàn đá. Mỗi bộ có từ 19-42 thanh, kích cỡ khác nhau, được trưng bày để du khách trải nghiệm. Trong đó có 2 bộ (mỗi bộ 19 thanh) hoàn toàn bằng đá tự nhiên không qua chế tác, ghè đẽo.

 

Ngoài điểm nhấn là những bộ đàn đá, không gian văn hóa Hồn Xưa còn bày trí hơn 1.000 bộ cối đá, sắp xếp như một triền núi vút cao, khiến bất kỳ du khách nào cũng ngỡ ngàng. Nhiều du khách khi dừng chân tại không gian này như tìm về kỷ niệm xưa qua những vật dụng quen thuộc của làng quê bình yên đang mất dần trong đời sống hiện đại.

 

Ở không gian này, anh Nghiệp còn sưu tầm, lưu giữ và trưng bày cả những chiếc lu, chum ché là sản phẩm độc bản của dòng gốm Quảng Đức nổi tiếng ở vùng đất Tuy An những thế kỷ trước; bộ sưu tập nhạc cụ của đồng bào các dân tộc anh em ở các huyện miền núi như: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), các vật dụng trong đời sống sinh hoạt của người đồng bào như: nồi đồng, chảo đồng, chiêng, ché, gùi, cối giã; những bộ trang phục truyền thống; bộ sưu tập hiện vật về đời sống người dân miền biển...

 

“Xuất phát từ ý tưởng tạo một không gian văn hóa để có thêm điểm dừng chân cho du khách, tôi muốn du khách khi đến đây cảm nhận rõ hơn về nét văn hóa truyền thống của vùng đất. Ở không gian này không chỉ trưng bày và biểu diễn đàn đá, một nét văn hóa đặc sắc riêng có, mà còn giới thiệu đến du khách nhiều bộ sưu tập hiện vật với nhiều chủ đề khác nhau về văn hóa, lịch sử và văn hóa đời sống của vùng đất, con người Phú Yên”, anh Nguyễn Minh Nghiệp cho biết thêm.

 

Không gian văn hóa Hồn Xưa đã thu hút khá đông du khách, hầu hết khách trước hoặc sau khi tham quan danh thắng gành Đá Đĩa đều dừng chân ở đây để tham quan, trải nghiệm tìm hiểu văn hóa qua các hiện vật. Đặc biệt, các tiết mục biểu diễn đàn đá khiến du khách càng thích thú, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về sản phẩm dịch vụ ở điểm đến danh thắng gành Đá Đĩa.

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng ban phụ trách

Ban Quản lý di tích Phú Yên (Sở VH-TT-DL)

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek