5 đội dự thi vòng loại, chỉ một đội lọt vào bán kết. Dẫu dừng lại hay đi tiếp thì đây vẫn là sân chơi thú vị để các đội vừa thi thố khẳng định tài năng, thương hiệu vừa để trải nghiệm, giao lưu trau dồi nghề nghiệp.
Có mặt trong buổi tổng kết, trao giải, ông Phạm Văn bảy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, chia sẻ: Cuộc thi Chiếc thìa vàng giống như cuộc thi tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực đầu bếp, để tìm ra những đầu bếp tài hoa và các món ăn đặc thù của mỗi địa phương, nhằm làm phong phú hơn kho tàng ẩm thực Việt. Cuộc thi như một “sàn diễn” đặc biệt, mà diễn viên chính là những đầu bếp. Trong xu thế hội nhập, để có thể bình đẳng gia nhập “sân chơi” quốc tế, các đầu bếp không ngừng nghiên cứu, học hỏi và khám phá “thế giới ẩm thực” Á - Âu. Các chủ nhà hàng khách sạn cần tạo điều kiện để các đầu bếp tham gia cuộc thi như một cách khẳng định và quảng bá thương hiệu. |
CUỘC HỘI NGỘ CỦA HƯƠNG RỪNG - VỊ BIỂN
Với chủ đề “Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt”, vòng loại khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cuộc thi Chiếc thìa vàng mùa thứ 3 - năm 2015 đã chứng kiến những màn tranh tài sôi nổi của 21 đội thi với 63 đầu bếp. Những đặc sản địa phương, các món ăn dân dã, những loại gia vị là lá, hoa, trái dại đã xuất hiện trên bàn tiệc một cách sang trọng và ngon lành. Hai cảm hứng chủ đạo, dẫn dắt để nâng tầm món ăn trong cuộc thi này, đó là hương rừng và vị biển.
Đội thi khách sạn Yasaka Hương Sen, mang tới đặc sản: Mắt cá ngừ tiềm thuốc bắc và lẩu gà lá dít ăn kèm bún. Trong đó, lá dít là một loại cây mọc trên vùng đất đỏ, núi cao. Đây là loại lá gia vị đặc trưng; khi vò dập lá có mùi thơm, vị chua và người dân địa phương vẫn sử dụng lá non để nấu canh chua (có nhiều ở các huyện Sơn Hòa, Tuy An). Gia vị núi rừng này làm món gà có vị chua thanh, ngon miệng.
Trong khi đó, quán Nam Nikko ngoài món gà nòi nấu tứ quý, vị lá dít còn tìm sự hài hòa của hải sản và hương rừng qua món cà xóc muối mật rau rừng và món đặc sản sông Ba - lịch bóc lá chuối. Còn các đầu bếp khu du lịch Bãi Tràm mang đến món ăn lạ: Gỏi điều hải sản với sốt chanh dây, cá ngừ sashimi với sốt thơm và mù tạt.
Hai đội còn lại là nhà hàng 6 Quang và khách sạn Hùng Vương mang đến thực đơn khá dân dã kết hợp giữa hương biển và vị rừng. Nếu như nhà hàng 6 Quang có các món bò nướng thâm sơn cùng cốc, cua bít ram me hải sản, lươn rút xương tiềm trái dừa và sâm nam thì Khách sạn Hùng Vương có các món mắt cá ngừ chiên giòn ăn kèm nộm hoa chuối và ốc nhảy, cá ngừ đại dương cuộn tôm đất sốt mãng cầu, bò nấu mẳn kiểu đồng bào ăn cơm vắt, chè rau đắng.
Trong khi đó, các đại diện Tây Nguyên tạo dấu ấn bởi thế mạnh là nguyên liệu hoa, lá, rau củ, đặc biệt là những đặc sản gia vị núi rừng. Các đầu bếp chủ nhà Khánh Hòa không chịu kém cạnh với nhiều món ăn độc đáo như: thằn lằn núi ba món, bánh cam nhân yến sốt xoài (khách sạn Galiot); cá sấu Khánh Vĩnh nướng sốt cà ri ăn kèm với cơm chiên ba màu, đà điểu Ninh Hòa cuộn la ghim ăn kèm với sốt ớt tươi (khách sạn Green World)…
Vượt lên trên các đội nhờ sự tinh tế trong chế biến và trình bày, đội khách sạn Novotel Nha Trang đã xuất sắc đoạt giải nhất với các món: Gỏi cuốn thịt vịt - chả giò thịt bò với phô mai - chả cá cuộn trứng vịt muối chiên, cá hấp nước mắm, thịt heo kho quế, chè trôi nước ba màu.
Ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long I, Giám đốc nhãn hàng Ly’s Horeca, chia sẻ: Cuộc thi Chiếc thìa vàng khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên 2015 là cuộc hội ngộ của hương rừng vị biển. Đó là cảm hứng chủ đạo để các đầu bếp sáng tạo nên những món ngon và đẹp mắt với nguyên liệu và gia vị đặc trưng ở địa phương.
TRẢI NGHIỆM VÀ HỌC TẬP KINH NGHIỆM
Ngoại trừ đội thi Bãi Tràm Hideaway Resort có kinh nghiệm từ mùa trước, bốn đội còn lại của Phú Yên đều lần đầu tham gia một cuộc thi đầu bếp chuyên nghiệp. Đầu bếp Nguyễn Tấn Tài, khách sạn Hùng Vương, cho biết: “Lần đầu tiên tham gia cuộc thi chuyên nghiệp đã giúp mình học tập được rất nhiều kinh nghiệm trong nghề, cách giao tiếp, thuyết trình món ăn trước ban giám khảo”. Không trực tiếp tham gia đội thi, nhưng đầu bếp Võ Văn Quang, chủ nhà hàng 6 Quang, Chi hội trưởng Chi hội Đầu bếp Phú Yên, theo sát đội thi của mình cũng như đồng đội Phú Yên trong hai ngày thi tại Nha Trang, chia sẻ: “Ở góc độ chuyên môn, những món ăn của các đội ở Phú Yên không hề thua kém các đội bạn. Các đầu bếp thể hiện được tay nghề cũng như có sự nghiên cứu kỹ trong việc chọn nguyên liệu và gia vị đáp ứng yêu cầu của ban giám khảo. Điều hạn chế lớn nhất của chúng ta là những kỹ năng phụ, như cách thức truyết trình, trang phục không đồng bộ, sự phối hợp giữa các thành viên trong đội chưa chặt chẽ… khiến kết quả không như ý”. Liên quan đến vấn đề này, đầu bếp Nguyễn Công Trứ, bếp trưởng khách sạn Yasaka Hương Sen, đội duy nhất của Phú Yên đoạt giải nhì, lọt vào vòng bán kết, nói: “Điểm cho các món ăn của Yasaka Hương Sen không thua đội giải nhất. Chúng tôi chỉ thua ở điểm phối hợp giữa các thành viên trong đội”.
Theo đầu bếp Nguyễn Văn Bông, người từng lọt vào vòng chung kết cuộc thi Chiếc thìa vàng 2013, bây giờ là điều phối viên cho cuộc thi, các đầu bếp Phú Yên làm rất tốt phần chuyên môn nhưng lại không chú ý đến những phần được xem là phụ nhưng lại có điểm số quyết định.
QUỲNH MAI