Chủ Nhật, 24/11/2024 21:57 CH
Liên kết du lịch khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên:
Hấp dẫn hơn với sản phẩm du lịch biển - rừng
Chủ Nhật, 26/07/2015 07:47 SA

Đoàn famtrip của Hiệp hội Du lịch Việt Nam đến khảo sát tại điểm du lịch Di tích Tàu Không số - Vũng Rô - Ảnh: T.QUỚI

Liên kết phát triển du lịch khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch giữa hai vùng mà còn thu hút nguồn khách từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Đây là yếu tố chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch.

 

CỬA NGÕ MỚI CỦA TÂY NGUYÊN RA BIỂN

 

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, du lịch sẽ phát triển thành ngành công nghiệp “sạch” mang màu sắc độc đáo riêng. Ngoài thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, Phú Yên sẽ phát triển du lịch miền núi gắn liền với văn hóa các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, kết hợp hình thành các tuyến nối liền giữa miền biển và các tỉnh Tây Nguyên.

 

Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn để tạo bước phát triển đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh như: điện tử, lọc dầu, hóa dầu, đóng tàu, chế biến nông thủy sản, sản xuất điện - nước. Khu kinh tế Nam Phú Yên có khu đô thị Nam Tuy Hòa, khu công nghiệp lọc, hóa dầu và một số khu công nghiệp tập trung khác gắn liền với cảng biển Vũng Rô, cảng biển Hòa Tâm và sân bay Tuy Hòa sẽ được đầu tư phát triển.

 

Từ nay đến năm 2020, Phú Yên với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 238.000 tỉ đồng, sẽ phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước, là cửa ngõ mới ra hướng đông để phát triển vùng Tây Nguyên, đồng thời là một điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

 

Theo đó, Phú Yên sẽ đầu tư hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ với quốc lộ 1, 25, 29, trục ven biển phía đông, dọc miền Tây và các tỉnh lộ làm trục giao thông chiến lược. Tuyến đường sắt Phú Yên - Tây Nguyên qua Campuchia - Lào - Thái Lan sẽ được nghiên cứu xây dựng; tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 qua khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) đến Phú Yên sẽ là đầu mối tuyến đường sắt đi Tây Nguyên.

 

Cưỡi voi vượt sông, một sản phẩm du lịch của Đắk Lắk khiến du khách miền xuôi rất thích thú - Ảnh: T.QUỚI

 

TRẢI NGHIỆM SẢN PHẨM DU LỊCH BIỂN - RỪNG

 

Với vị trí địa kinh tế như vậy, việc liên kết vùng trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung giữa hai khu vực này đã được triển khai nhiều năm qua. Đặc biệt là từ năm 2011, lãnh đạo ngành Du lịch, các doanh nghiệp của Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên đã nhiều lần tổ chức các đoàn famtrip, quảng bá xúc tiến, ngồi lại với nhau để bàn các giải pháp liên kết. Sự liên kết này bước đầu mang lại những kết quả nhất định, những sản phẩm du lịch liên vùng đang dần được xây dựng và phát triển. Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho hay: “Liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong khu vực và với các tỉnh Tây Nguyên là vấn đề mang tính cấp bách, lâu dài. Rõ ràng, sự liên kết trong khu vực sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, tạo sự mới lạ hấp dẫn và cơ hội để du khách trải nghiệm nhiều cảm giác sản phẩm du lịch giữa biển và rừng trong cùng một chuyến đi”.

 

Mới đây, đoàn famtrip do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã khảo sát sản phẩm du lịch các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Định và Phú Yên cũng không ngoài mục đích liên kết tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng giữa hai miền núi và biển. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác. Khó khăn của hai khu vực này là vấn đề giao thông, sản phẩm du lịch còn đơn điệu nên chưa thu hút được du khách. “Bởi vậy, chúng ta cần liên kết để tạo nên sản phẩm du lịch phong phú đa dạng, mang đặc trưng riêng, nhất là sự kết hợp bổ sung cho nhau giữa hai loại hình sản phẩm du lịch biển và rừng”, ông Bình nói. Còn ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty Du lịch APT travel (Hà Nội), thành viên đoàn famtrip, thì chia sẻ: “Việc liên kết du lịch giữa các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên là rất cần thiết. Điều này không chỉ giải quyết được sự trao đổi lượng khách du lịch giữa hai khu vực, mà còn tạo nên sự đa dạng phong phú trong chuỗi sản phẩm du lịch của cả vùng để thu hút khách du lịch ở cả miền Nam, miền Bắc và du khách quốc tế”.

 

Gần đây nhất, ngày 24/7, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban kinh tế Trung ương, Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Trong khuôn khổ hội thảo này, một trong những chuyên đề được nhiều người quan tâm là liên kết phát triển du lịch. Ngoài sự phát triển nội lực của các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, một vấn đề được đề cập với nhiều giải pháp cụ thể đó là liên kết với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự khẳng định, Phú Yên sẵn sàng và tích cực trong việc đề ra các giải pháp liên kết cùng các tỉnh Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đẩy mạnh lĩnh vực du lịch; đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hơn nữa trong đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông.

 

Duyên hải Nam Trung Bộ là cửa ngõ ra biển của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Liên kết hai khu vực là cách tốt nhất để khai thác triệt để lợi thế của vùng, làm đa dạng sản phẩm du lịch, giúp khách du lịch có thêm những sản phẩm mới và địa phương có cơ hội đón nguồn khách mới trong nước và quốc tế.

 

TRẦN QUỚI 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek