Được gia nhập quân chủng Hải quân là một vinh dự đối với các chiến sĩ mới. Sau những tháng thao trường tôi luyện, những chiến sĩ được chọn đi giữ đảo xa càng thêm tự hào, dù điều kiện nơi công tác rất khắc nghiệt…
Trên chuyến tàu công tác tại Trường Sa năm ngoái, tôi có dịp được gặp các chiến sĩ vừa “ra trường” được biên chế về các đảo, điểm đảo. Ai cũng mạnh mẽ, tự tin, xác định rõ mục tiêu, lý tưởng xen lẫn chút xúc động trong phút chia tay với đồng đội, với đất liền.
Chiến sĩ Khương Ngọc Bảo Đăng (TP Hồ Chí Minh) sau 3 tháng quân trường thì được biên chế về Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân (Cam Ranh - Khánh Hòa). “Từ nhỏ, tôi đã rất thích hình ảnh chú bộ đội với chiếc mũ có đuôi neo và bộ quân phục áo trắng cổ yếm sọc xanh tượng trưng cho sóng gió biển khơi nên khi được phân công về đây tôi rất ưng ý”, Bảo Đăng nói.
Trong chuyến tàu ấy, tôi trò chuyện với các chiến sĩ trẻ quê Phú Yên là Dương Văn Tịnh (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) và Bùi Văn Dương (xã An Chấn, huyện Tuy An) lần đầu ra đảo làm nhiệm vụ. Gặp được đồng hương, ai cũng rất vui và ấm áp. Trước khi lên đường, chiến sĩ được cấp trên thông tin và báo cho người nhà biết. Nên những ngày trước khi xuống tàu, các chiến sĩ được gia đình thăm nuôi kỹ, chúc “chân cứng đá mềm” hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân.
Bùi Văn Dương chia sẻ: “Gia đình làm nghề biển, vì thế em không ngại sóng gió. Trước khi nhập ngũ, em đã tốt nghiệp cao đẳng công nghệ thông tin và đi làm xa nhà nên quen với cuộc sống tự lập. Không phải người lính nào cũng được phục vụ ở Trường Sa nên gia đình rất yên tâm và ủng hộ em”. Còn Dương Văn Tịnh vững vàng nói: “Trường Sa sẽ là môi trường tốt để em rèn luyện và trưởng thành. Nếu có một lời nhắn với gia đình thì em mong ba mẹ yên tâm. Em tự tin mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và trưởng thành trong môi trường quân ngũ ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc”.
Với các chiến sĩ mới, ngày đầu trên đảo mọi thứ đều lạ lẫm và thật khác xa với đất liền. Nhưng sau khi gặp gỡ cán bộ phụ trách, được phân công nhiệm vụ cụ thể là thích nghi nhanh với đơn vị và vào guồng ngay. Nguyễn Thành Công, chiến sĩ mới ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) tôi quen trên tàu giờ đã chỉnh tề trong bộ quân phục tiếp nhận quà đất liền trên đảo chìm Đá Nam. Công cho biết: “Tác phong bộ đội thì ở đâu cũng thế, chỉ có điều ra đảo thì hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt, công tác sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, những điều này chúng tôi đã xác định từ hồi còn rèn luyện ở quân trường. Hơn nữa, có đồng đội, chỉ huy luôn sát cánh thì khó mấy cũng sẽ khắc phục được thôi”.
Tuy tinh thần, tư tưởng vững vàng nhưng với các chiến sĩ mới lần đầu ra đảo có những tâm tình riêng tư nhất định. Hiểu được vấn đề này, nên theo quy định chung của quân chủng, ở mỗi đảo đều hình thành các tổ tư vấn tâm lý. Tổ thường do chính trị viên đảo phụ trách, thành viên là những sĩ quan có kinh nghiệm trong công tác dân vận. Các chiến sĩ mới sẽ được hướng dẫn cụ thể về nề nếp sinh hoạt và giao nhiệm vụ, biên chế về các tổ, đội. Ngay tối đầu tiên sẽ được sinh hoạt với tổ tư vấn tâm lý để làm quen và giải tỏa những bỡ ngỡ ban đầu. Tổ tư vấn tâm lý còn là nơi để các chiến sĩ có thể giãi bày tâm sự.
Trung úy Nguyễn Văn Linh, tổ trưởng tư vấn trên đảo Sơn Ca, cho biết: Các em có nhiều điều cần phải tâm sự và giải tỏa lắm, nhưng đôi khi không biết bày tỏ, chia sẻ cùng ai. Do đó, các thành viên trong tổ tư vấn thông qua sinh hoạt hàng ngày thường xuyên nắm thông tin của từng chiến sĩ để làm bạn và có cách để hỗ trợ, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, đoàn kết, gắn bó cùng tập thể, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Tạm biệt huyện đảo tiền tiêu để về lại đất liền, người đi, người ở đều lưu luyến, bịn rịn. Nhưng chúng tôi đều có một niềm tin chắc chắn về sự vững vàng, bản lĩnh kiên định ở những chiến sĩ mới của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Bởi các anh được giáo dục, bồi đắp bằng lời thề danh dự của người lính can trường luôn thủy chung với tình yêu biển đảo quê hương, như Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi muôn đời là máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc…
TRẦN QUỚI