Thứ Sáu, 20/09/2024 10:02 SA
Một người cao nguyên “vạn lý nơi đầu sóng”
Thứ Bảy, 09/12/2017 14:00 CH

“Nhật ký Trường Sa Vạn lý nơi đầu sóng” là một trong hơn 10 cuốn sách của nhà báo, nhà văn Võ Khắc Dũng để lại cho đời. Anh đã về nơi vĩnh hằng ở tuổi 54, để lại một tấm tình núi - biển khôn nguôi...

 

Viết trên sóng bể Đông

 

Nhà báo Võ Khắc Dũng

Những ngày cuối năm 2011 đầu 2012, Võ Khắc Dũng quyết định đi Trường Sa, dù đang trong thời chống chọi với bệnh tụy biến chứng nặng. Chỉ hơn 1 tháng bập bênh sóng nước quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, Võ Khắc Dũng vừa thâm nhập vừa phổ hồn trong 101 đoản khúc, với trên 200 trang viết. Ngay sau đó, cuốn sách “Nhật ký Trường Sa Vạn lý nơi đầu sóng” (NXB Văn học, 2012) ra đời ngoạn mục.

 

Một tháng cũng là thời gian quá ngắn để một người cầm bút hoàn thành cuốn “nhật ký” xem ra cũng khá… dày dặn như thế này. Đặc biệt là phải viết trong điều kiện sóng to, gió lớn nơi biển Đông trên một con tàu “xuyên bão” và cả… “xuyên năm”. Cuốn sách là những cảm xúc rất thật được viết “ngay tại chỗ” mà chúng tôi kỳ vọng chuyển tải được một vài điều gì đó để bạn đọc quan tâm. Nhất là phần nào hiểu thêm về vấn đề biển đảo và về các chiến sĩ Trường Sa (trích Lời ngỏ “Nhật ký Trường Sa Vạn lý nơi đầu sóng”).

 

Nhanh nhạy quan sát, cảm nhận bằng tất cả trái tim nồng ấm, Võ Khắc Dũng đã tận dụng tất cả giờ nghỉ ngơi trên khoang tàu HQ936 để ghi chép. Anh chọn lối viết “nhật ký mang tính tản văn” để ghi lại chân thực nhất những gì quan sát, cảm nhận được. Anh tỏ bày: “Ngày trước, tuy sống gần biển nhưng gia đình tôi làm nông. Lớn lên, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc ở phố núi Đà Lạt. Cho đến khi tuổi quá 50, tôi vẫn chưa một lần được lênh đênh giữa trùng khơi sóng vỗ. Hôm nhận được công văn đi Trường Sa, tôi háo hức lắm. Bạn bè biết tôi sức khỏe yếu nên không yên tâm” (Mùa này biển động).

 

“Tiên Nữ đảo chìm không lãng mạn như tôi tưởng tượng. Vào đảo, tôi đã tận mắt nhìn thấy và tận tay sờ mó khối nhà xây lục giác như pháo đài nổi trên biển Đông. Ở đó, tôi đã bắt gặp một bếp ăn kiểu gia đình, bắt gặp một vườn rau xanh được chăm chút bởi những bàn tay cần mẫn, một cây bàng vuông được tưới tắm bằng những giọt nước ngọt chắt chiu… “Có năm sóng lớn, biển nuốt chửng cả mấy chiến sĩ đang ở bên trong ngôi nhà ấy đấy!” - nghe anh lính hải quân kể lại mà lòng thấy xót quá chừng” (Nhà đảo thế hệ hai).    

 

Anh cảm nhận Trường Sa qua cái nhìn của một người cao nguyên: “Ở đây, nhân viên nhà bếp nào cũng rành “sáu câu” rằng mỗi năm Đà Lạt cung cấp cho Trường Sa khoảng 4 tấn rau xanh (trung bình mỗi quý 1 tấn). Tôi không rõ 1 tấn có bao nhiêu trái bắp sú, nhưng cứ nhìn cái kiểu làm rau tiết kiệm đến mức không thể tiết kiệm được nữa thì 1 tấn rau hay cả chục tấn cũng chỉ là muối bỏ bể. Ngoài phía boong tàu gần nhà bếp là giỏ rau sú Đà Lạt héo rũ. Người nấu ăn chỉ ghé con dao vào trái sú để cắt một vài chỗ đã quá nhũn, còn chỗ nào chỉ mới heo héo thì cứ để nguyên như vậy…”.

 

Tập sách “Nhật ký Trường Sa Vạn lý nơi đầu sóng”

 

Trong vạn tấm lòng

 

Học xong phổ thông, Võ Khắc Dũng đi bộ đội, về quê lập gia đình, rồi khăn gói vào đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng mài bút sinh viên ngành sử. Tốt nghiệp đại học Đà Lạt năm 1989, anh ở lại trường giảng dạy vài năm, rồi chuyển sang “định cư” nghề mới tại Báo Lâm Đồng và cộng tác với nhiều báo trong nước. Hồi trước mỗi lần gặp, tôi thấy anh càng gầy; những năm cuối đời, chàng lính pháo binh ngày nào đã không thể vượt qua ngưỡng 50kg. Thế nhưng nhiều người luôn giật mình nể trọng sức đi, sức cảm và sáng tạo của anh với ngồn ngộn những trang viết lắng sâu rà ruột ở nhiều lĩnh vực.

 

Thế mạnh của một người học sử đã giúp anh nhiều trong việc “lùng sục” và sống trọn với nhiều kỳ thú, độc đáo ở buôn làng các tộc người Nam Tây Nguyên. Chỉ riêng mảng bút ký - phóng sự, Võ Khắc Dũng đã có mấy trăm bài, chọn in thành 2 tập sách đầy đặn; đó là chưa kể một số cuốn khảo cứu văn hóa - dân tộc học, các tập tiểu thuyết, ca khúc và cả thơ. Những câu chuyện dồn dập hơi thở cuộc sống đại ngàn đã được anh kể lôi cuốn, ý vị bằng ngòi bút của một nhà văn khi đã sống trọn với chức phận nhà báo, người làm nghệ thuật đích thực.

 

Tôi thắc mắc về “năng lượng sống” của một ngòi bút, Võ Khắc Dũng âm trầm: “Năng lượng sống của một người viết bao giờ cũng được tích tụ từ đời sống xã hội mà ở đó anh là một thực thể. Và, năng lượng sống của một người viết còn được tạo nên nhờ khả năng nội lực của chính người viết. Tôi làm báo nên cái nhìn của tôi đối với sự vận động xã hội là cái nhìn của một nhà báo. Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống ấy sau khi được lọc qua lăng kính báo chí để “chuyển hóa” thì tôi cho rằng, với những người không chỉ đơn thuần hoạt động báo chí, hiện thực ấy còn lắng xuống, đọng lại ở bên trong con người ta như một sự “đóng băng trên biên” vậy! Và, đó chính là năng lượng đặc biệt cần thiết để cho tôi cầm bút hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tôi cảm ơn cuộc sống đã cho mình quá nhiều…”.

 

Con người thoáng khắc khổ nhưng tràn đầy lãng mạn Võ Khắc Dũng đã lao động chữ nghĩa nghệ thuật miệt mài, bởi anh đã thấy “niềm vui ánh sáng” của cuộc độc hành sáng tạo. Với Võ Khắc Dũng, nghệ thuật đã “mua đứt” anh rồi. Thế nên luôn vẳng trong tôi cái chênh vênh đời anh trong ca khúc “Vội xa”, một sáng tác của anh được nhiều người hằng thích: Dốc núi chênh vênh/ Em đến bên tôi ngập ngừng/ Lời yêu chưa nói/ Lời yêu chưa nói đã xa vội xa…

 

Vậy là Võ Khắc Dũng đã về nơi vĩnh hằng gần tròn 2 năm (anh mất ngày 16/1/2016). Bài viết này nhớ một người anh đã sống cạn kiệt với nghề chữ nghĩa, với một tấm tình đau đáu với biên cương nước Việt…

 

Võ Khắc Dũng sinh năm 1962 tại Bình Định, mất năm 2016 tại Lâm Đồng. Sách đã in: Rêu phong tìm nhau (nhạc, 2005), Những nhân vật của tôi (ký, 2007), Nam Tây Nguyên những điều kỳ thú (khảo cứu, 2007), Gió se lạnh cho bạc đầu sương núi (tùy bút, 2007), Phù du trần thế (tản văn, 2007), Khắc khoải tiếng còi tàu (phóng sự, 2012), Tiếng vọng vô thanh (truyện ngắn, 2012), Nhật ký Trường Sa Vạn lý nơi đầu sóng (ký, 2012), Đại ngàn độ lượng (tiểu thuyết, 2012) Tiếng lá thở dài (thơ, 2012)…

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lớp học bên chân sóng Trường Sa
Thứ Bảy, 02/12/2017 14:00 CH
Thương nhớ Trường Sa
Thứ Bảy, 25/11/2017 09:38 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek