Thứ Sáu, 20/09/2024 13:53 CH
Trồng tỏi giữ đảo
Thứ Bảy, 27/02/2016 08:20 SA

Gia đình ông Nguyễn Cửu đang chuẩn bị đất trồng tỏi - Ảnh: Đ.T.TRỰC

Lâu nay, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sống chủ yếu bằng nghề biển và trồng tỏi. Bà con đều có chung quan niệm vùng đất quê hương mình nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc nên dù ra khơi đánh bắt hải sản hay trồng tỏi thì việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, giữ vững toàn vẹn lãnh hải bao giờ cũng là mục tiêu chính.

 

Huyện đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoảng 24km về phía đông bắc, vốn được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1992 và trở thành huyện đảo từ khi đó. Toàn huyện có diện tích gần 10km² với hơn 20.000 cư dân đang sinh sống trên 3 xã gồm các đảo: đảo Lớn (xã An Vĩnh và An Hải), đảo Bé (xã An Bình).

Theo những người lớn tuổi ở đây thì không biết cây tỏi đã có mặt trên đảo tự khi nào. Họ chỉ nhớ câu chuyện xưa truyền lại rằng một số thương nhân ở đảo mua gom hải sản của bà con trong vùng, sơ chế rồi đưa hàng ra tận kinh đô Huế tiêu thụ. Đến đấy, họ được thưởng thức loại tỏi rất ngon và mang một ít giống về Lý Sơn trồng. Từ đó, cây tỏi được trồng trên đảo ngày một nhiều thêm và trở thành đặc sản nổi tiếng có một không hai ở Việt Nam.

 

Theo ông Nguyễn Cửu (55 tuổi), một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng tỏi ở xã An Hải, dân Lý Sơn dù trồng tỏi hay đi biển đều gần gũi với biển. Gia đình ông sống và nuôi 4 người con tốt nghiệp đại học chính quy cũng từ biển và những ruộng tỏi bên bờ biển này. Những ngày cuối tuần, các con ông về phụ giúp cha mẹ trồng tỏi. Dù làm cán bộ Nhà nước song tay cuốc tay xẻng của các con đều mạnh mẽ. Người đào đất, xúc đất lên xe rùa đẩy ra đổ trên ruộng, người thì ban đất, đánh luống nhưng vẫn không ngừng trò chuyện với khách. Ông Cửu tay đẩy xe đất, tâm sự: “Hai công việc này tuy có khác nhau nhưng chúng tôi đều cảm nhận được hơi thở của biển từng ngày. Từ ngày tàu Trung Quốc lăm le ngoài vùng biển của ta, dân đảo chúng tôi ý thức rất rõ việc giữ gìn lãnh thổ là nhiệm vụ hàng đầu. Vì vậy, dù đi biển hay trồng tỏi thì đều là cách để người dân giữ gìn mảnh đất quê hương”.

 

Cùng quan điểm với ông Cửu, lão nông Ngô Văn Hoàng ở thôn Tây, xã An Hải, nói sâu hơn về kinh nghiệm trồng tỏi. Theo ông, trồng tỏi để có được một vụ mùa bội thu là góp phần làm giàu cho đất nước. Cùng lo xa và có trách nhiệm với nghề cao như vậy nên trên khắp các cánh đồng, mỗi nhà một nhóm trên từng thửa ruộng, ai nấy đều chăm chú, hăng hái với công việc của mình. Ông Hoàng nói quy trình cơ bản được nhiều người trồng áp dụng là “biến” lớp đất cũ thành lớp đất mới. Mỗi nhà thường đào tại ruộng một cái hố hình chữ nhật khoảng 3m2, sâu khoảng 2m để lấy lớp đất đỏ lên phủ trên ruộng, sau đó cho lớp đất cũ xuống rồi lấp lại. Riêng về phần xác thực vật bón lót, người dân phải chuẩn bị từ trước. Nếu nhà nào không có thì phải mua, khâu này quan trọng vì sẽ giúp cây tỏi thông rễ, giữ được độ ẩm cao. Đặc biệt, lớp cát san hô lấy từ biển chở về cũng tốn kém và công phu không kém. Tiếp theo, người dân phải cào lớp đất cũ trên mặt thửa ruộng sang một bên, đổ lên một lớp phân vi sinh, chủ yếu là xác cây đậu phộng, cây mè đã ủ hoai trộn với ít phân hóa học rồi lấp tiếp theo một lớp đất đỏ bazan và cuối cùng là lấp một lớp cát san hô trên cùng, sau đó tưới nước rồi ủ đất mới có thể xuống giống.

 

Chị Nguyễn Thị Oanh (38 tuổi) đang bón lót phân vi sinh và con trai Nguyễn Thành Đạt (15 tuổi) đi sau lấp lên một lớp đất, thấy khách cũng góp chuyện bằng tâm thức của một người con vùng biển đảo. Tương tự, em Nguyễn Văn Phúc, học sinh Trường THPT Lý Sơn, tranh thủ những buổi không đến trường, phụ cha chở cát từ con đường lớn vào đổ trong ruộng tỏi của gia đình để chuẩn bị khâu làm đất, dù rất bận nhưng vẫn vui vẻ trả lời khi chúng tôi hỏi thăm tình hình. Em cho biết ở trường, bài học về trách nhiệm giữ biển đảo em đã nghe các thầy cô dạy rất nhiều lần. Và nhà em ở sát biển nên em còn ý thức về điều đó cao hơn gấp bội lần.

 

Mỗi người một công việc, mồ hôi ướt áo nhưng vẫn hăng say làm việc và trò chuyện với khách. Người nào cũng trả lời dứt khoát: Cha ông mấy trăm năm trước cực khổ đã vậy mà còn ra sức giữ gìn biển đảo, con cháu hôm nay cũng phải luôn như thế. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, vì thế, phải bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc nước… 

 

ĐÀO TẤN TRỰC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ấm lòng ngư dân giữa khơi xa
Thứ Bảy, 20/02/2016 09:00 SA
Trường Sa vẫy gọi
Thứ Hai, 08/02/2016 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek