Bàng vuông có tên khoa học là Barringtonia Asiatica, được đánh giá là một loài quý hiếm và được ghi vào Sách Đỏ ở mức độ đe dọa bậc R (rare: hiếm).
Cây bàng vuông cùng họ với các loài cây sống ở rừng ngập mặn trên các đảo ở biển và là loại cây đặc thù ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Do có lá trông hao hao như lá bàng, quả có hình khối chóp nón 4 cạnh, nên nó được gọi tên bàng vuông. Bàng vuông thuộc loại cây gỗ trung bình cao khoảng 7 đến 20m, rụng lá vào mùa đông, hoa nở vào tháng 4 và tháng 5, mùa quả từ tháng 10 đến tháng 12. Hiện nay, các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Trị... đều đã trồng cây bàng vuông lấy giống từ Trường Sa.
Hoa bàng vuông là biểu tượng của những người lính đảo kiên cường, bất khuất bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, để nhân rộng bàng vuông và trồng khắp nhiều đảo ở Trường Sa như hiện nay, không thể không nói đến những người đã kỳ công, tỉ mẩn chiết bàng vuông trong điều kiện thời tiết giữa biển khơi luôn rất khắc nghiệt. Tuy khó thành công, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ ai cũng muốn trồng cho bằng được vì đây là một kỷ niệm khó quên trong những tháng ngày giữ đảo. Cây bàng vuông được trồng sau một tháng thì chỉ huy đảo sẽ đi nghiệm thu. Nếu cây sống thì mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ.
Thượng úy Hoàng Đức Thắng (đảo Trường Sa Lớn) đang chiết bàng vuông để trồng rộng rãi trên các đảo |
Chiến sĩ Đỗ Văn Tân (đảo An Bang) chăm sóc cây bàng vuông được chiết để chuẩn bị trồng |
Hoa bàng vuông nở đẹp trên đảo xa |
Trẻ thơ Trường Sa với hoa bàng vuông |
Cụm ảnh của VĂN TÀI