Trên đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) có một ngôi làng nhỏ với các hộ dân sinh sống. Bà con sống trong những ngôi nhà liền kề khang trang, xung quanh rợp mát bóng cây. Nhà nào cũng có sân trước, vườn sau. Cùng với những người lính biển, các hộ dân ở đây quyết tâm bám đảo, bám biển vì chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Những ngày cuối năm, tàu HQ 561 đưa cánh nhà báo chúng tôi ra thăm đảo Trường Sa Lớn. Ấn tượng đập vào mắt tôi đó chính là ngôi làng nhỏ khang trang với nhiều hộ dân sinh sống trên đảo này, dù họ đến từ nhiều làng quê khác nhau trong cả nước. Bà con định cư trong những ngôi nhà liền kề rộng rãi, khang trang, xung quanh rợp mát bóng cây. Nhà nào cũng có khoảng sân trước, vườn sau. Mỗi gia đình được cấp một thuyền thúng để đánh bắt hải sản gần bờ cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Tại ngôi làng này, nhà đầu tiên mà chúng tôi thăm là gia đình anh Tô Hoài và chị Đoàn Thị Thịnh. Cũng giống như nhiều hộ dân ở đây, vợ chồng anh Hoài đã sống ở Trường Sa Lớn hơn 3 năm.
Khác với những ngôi nhà hàng xóm, căn nhà kiên cố của gia đình anh Hoài nổi bật trên đảo nhờ mái ngói đỏ, tường quét sơn trắng, nằm giữa màu xanh mướt của rừng cây phong ba, cây tra. Vợ chồng anh Hoài có hai đứa con, đứa lớn đang học ở Nha Trang, còn đứa nhỏ 7 tuổi theo cha mẹ ra Trường Sa Lớn và đang học lớp 3 trên đảo.
Như những đàn ông ở đây, mỗi khi biển yên, anh Hoài lại cùng bạn chèo thuyền thúng ra khơi đánh bắt. Có cá, ngoài phần để lại gia đình dùng, các anh đem biếu bộ đội trên đảo. Còn chị Đoàn Thị Thịnh, vợ anh Hoài cùng những người phụ nữ khác ở nhà trồng rau, chăn nuôi thêm gà, vịt… nuôi được nhiều cũng lại đem tặng bộ đội. Chị Thịnh cho biết, trên đảo Trường Sa Lớn hiện có hai cặp heo sinh sản của các chiến sĩ nuôi. Mỗi heo mẹ một năm đẻ hai lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 con. Vì thế, cũng như cá các loại, thịt heo ở đây không bao giờ thiếu. Mỗi khi có lứa heo mới, các chiến sĩ đem biếu các hộ dân 1 đến 2 con chăn nuôi thêm. Anh Hoài tâm sự: “Chỉ cần chèo thuyền ra xa đảo chừng 200 đến 300m là có thể đánh bắt hải sản ngon lành. Việc đánh bắt cá khá dễ dàng, trừ những ngày biển động sóng to. Có hồi tôi kéo rớ được 30 đến 40kg cá, nhà ăn không hết nên đem cho bếp bộ đội cải thiện. Nói chung, cá ở ngoài này phong phú lắm”.
Không chỉ anh Hoài, chị Thịnh, vợ chồng anh Nguyễn Thành Hưng và chị Lê Thị Trúc Hà cùng với hai con gái rất dễ thương đã ra đảo sống vài năm nay. Anh Hưng nhớ lại: “Khi biết thông tin tỉnh Khánh Hòa đưa người ra định cư tại các đảo ở Trường Sa, chúng tôi đã bàn bạc và quyết định đăng ký tình nguyện ra Trường Sa Lớn. Hàng ngày, hai vợ chồng đều làm nghề biển. Nếu tôi ra khơi thì vợ ở nhà chăm con, thời gian rảnh phụ chồng đan thêm mấy tấm lưới”. Chị Trúc Hà cho biết thêm: “Cuộc sống trên đảo của các gia đình rất ổn định. Ngoài việc chăm chỉ làm ăn, các hộ còn nhận được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ chiến sĩ. Các cháu được học hành, khi đau bệnh thì có bộ đội lo, vì thế ai cũng yên tâm”.
Bình yên, đầm ấm là điều mà tôi cảm nhận khi đến thăm vợ chồng anh Nguyễn Phong Danh. Chị Phạm Thị Như Trinh, vợ anh Danh, chia sẻ: “Các gia đình ở đây đều chung tay cùng bộ đội phụ lo từ việc tăng gia trồng trọt, xếp dỡ hàng hóa, sửa chữa máy móc, doanh trại… cho đến công tác hậu cần, trang trí, tiếp khách mỗi khi có tàu từ đất liền ra. Ngược lại, mỗi khi dân có việc thì cán bộ, chiến sĩ cũng đều chung vai, góp sức giải quyết”.
Nhà của vợ chồng chị Trinh có đủ ti vi, tủ lạnh được chạy bằng điện mặt trời và điện gió. Hồi còn ở đất liền, chị ở nhà chăm sóc gia đình, còn chồng đi lặn biển bắt tôm, cua. Ra đảo Trường Sa Lớn định cư, chồng chị vẫn bám biển, còn chị ở nhà chăn nuôi. Hôm tôi đến thăm, vợ chồng chị đang tất bật làm hoa giấy để các hộ dân và bộ đội trang trí đón tết. Chị Trinh hào hứng nói: “Thỉnh thoảng, chị em phụ nữ chúng tôi lại tổ chức làm bánh, nấu chè mời bộ đội, giúp các anh vơi bớt nỗi nhớ nhà, vững tin chắc tay súng giữ gìn biển đảo quê hương”.
Có thể nói rằng, cuộc sống của các hộ dân trên đảo Trường Sa Lớn bình yên như bao làng quê khác ở Việt Nam. Dù chưa hết khó khăn, nhưng trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, các hộ gia đình ở nơi tiền tiêu Tổ quốc đã được hỗ trợ nhiều mặt về đời sống vật chất và tinh thần. Vì thế, bà con rất an tâm, phấn khởi làm ăn, quyết bám đảo, bám biển như các anh bộ đội nơi đây. Nói như thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy đảo kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, thì có ra đảo mới thấu hiểu hết tình cảm gắn kết keo sơn, quân dân cá nước nơi đầu sóng ngọn gió, mới càng tin tưởng vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của đất mẹ muôn đời…
VĂN TÀI