Ra đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), nhiều khách đất liền được dịp chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 11 ngày đêm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển trời Tổ quốc thiêng liêng.
Năm 1988, tình hình Trường Sa và biển Đông diễn biến phức tạp, nước ngoài bành trướng mà đỉnh cao là sự kiện Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 đã làm 64 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam mất tích và hy sinh. Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ chủ quyền vùng trời Trường Sa, ngày 7/5/1988, Bộ Quốc phòng quyết định tái lập Trạm Ra đa 11 thuộc Tiểu đoàn 297, Lữ đoàn 378. Hiện nay, Trạm Ra đa 11 thuộc Trung đoàn 292, Sư đoàn 337, Quân chủng Phòng không - không quân. |
Trung tá Nguyễn Mậu Thông, Trạm trưởng Trạm Rađa 11, cho biết: Trạm Ra đa 11 là trạm ra đa đầu tiên trên huyện đảo Trường Sa quản lý các mục tiêu trong bán kính từ 200 đến 300km. Trạm có nhiệm vụ chính là sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, biển, đảo và chỉ đường cho lực lượng phòng không, không quân hoạt động hiệu quả. Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ của trạm còn thường xuyên theo dõi các chuyến bay qua không phận huyện đảo Trường Sa.
Theo trung tá Nguyễn Mậu Thông, trạm đóng quân trên địa bàn phức tạp, khắc nghiệt về thời tiết, thường xuyên bị ảnh hưởng, xâm hại bởi gió, muối biển nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khí tài. Tuy nhiên, với tinh thần tự lực tự cường khắc phục khó khăn, đơn vị đã làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng khí tài, hệ số kỹ thuật luôn đạt và vượt 95%, trạm nguồn điện đạt 85%; đảm bảo tự sửa chữa máy móc, các thiết bị nếu bị hỏng hóc.Trong bối cảnh tình hình ở biển Đông đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo, chỉ huy Trạm Ra đa 11 xem công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng. Chiến sĩ trẻ Lê Thanh Hải chia sẻ: “Là chiến sĩ Phòng không - không quân, chúng em thấm nhuần phương châm “4 tránh 3 không” (tránh đối đầu về quân sự, tránh xung đột vũ trang, tránh bị cô lập về chính trị, tránh lệ thuộc về chính trị và không liên minh quân sự; không cho bất kỳ, lực lượng, tổ chức, quốc gia nào sử dụng Việt Nam tấn công nước thứ 3; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự). Mỗi người lính cũng tuân thủ tinh thần 6K (kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, không để xảy ra xung đột)”.
Đóng quân nơi đầu sóng, ngọn gió, cán bộ, chiến sĩ không tránh khỏi những khó khăn về cơ sở vật chất. Nhưng với ý chí quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng đóng quân trên đảo, đơn vị đã hoàn tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, nhà che đậy khí tài đã được xây dựng khang trang, vững chắc. Lính trạm trồng được rau xanh, cải thiện đời sống.
Hải vui mừng nói thêm: “Vườn rau tăng gia nay đã rất đa dạng và phong phú. Nào là mồng tơi, rau cải, rau lang, mướp, đu đủ… đã góp phần cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Ngoài ra, chúng em còn tham gia các phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, giao lưu kết nghĩa với dân và các đơn vị bạn, vui lắm”.
Năm 2000, Trạm Ra đa 11 vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới. Trong quá trình cống hiến, phục vụ, trạm còn đạt được nhiều giấy khen và phần thưởng cao quý khác.
DIỆU ANH