Mỗi khi Trường Sa có bão, ngư dân đánh bắt xa bờ các tỉnh miền Trung lại đưa tàu thuyền vào “hồ” Đá Tây tránh. Nơi đây không chỉ là ngôi nhà chung che chở cho tàu thuyền mỗi khi gặp thời tiết bất lợi, mà còn là bạn đồng hành, giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng…
“NGÔI NHÀ” ĐÁ TÂY
Theo lịch trình, rời đảo chìm Đá Lát, tàu HQ 571 chở đoàn công tác cấp phát hàng hóa tết và thay thu quân trên các đảo ở phía nam của quần đảo Trường Sa sẽ di chuyển đến Trường Sa Lớn. Nhưng khi tàu vừa đi được mấy hải lý thì nhận được tin báo bão. Vậy là thuyền trưởng Nguyễn Văn Sửu liền vội vã di chuyển hướng tàu về phía “hồ” Đá Tây. Thường ngày, đi trên biển rộng, giữa muôn trùng sóng nước, chúng tôi rất ít khi thấy tàu đánh cá của ngư dân. Nhưng 2 ngày nán lại tại Đá Tây tránh bão, chúng tôi thấy có hơn 50 tàu đánh cá các loại vây quanh. Theo thiếu tá Sửu, mỗi khi có bão, tàu đánh cá của ngư dân lại ồ ạt nối đuôi nhau chạy vào khu vực bãi cạn của đảo Đá Tây, thường gọi là “hồ”. Không giống như hồ nước của đất liền, “hồ” ở đây không có bờ mà chỉ là một bãi cạn hình thành từ miệng núi lửa và san hô nên mặt nước liền kề với mặt biển. Diện tích “hồ” khá rộng: dài 9km, rộng khoảng 6km và độ sâu rất lý tưởng cho tàu thuyền neo đậu, kể cả tàu hàng ngàn tấn cũng có thể thả neo. Tháng 7/1988, Phòng Bảo đảm hàng hải Quân chủng Hải quân đã thả 2 phao đánh dấu luồng vào ở phía đông và thả 3 phao buộc tàu ở phía trong lòng “hồ”. Vì vậy, đây là nơi trú ngự an toàn mỗi khi tàu thuyền gặp bão ở Trường Sa.
Trong 2 ngày lưu lại trên đảo Đá Tây B, đoàn công tác chúng tôi được chiến sĩ của đơn vị chở tham quan các công trình trên đảo bằng xuồng CQ. Phía tây của đảo, Công ty Bảo đảm hàng hải Việt Nam đã xây dựng một ngọn hải đăng. Công trình này góp phần đảm bảo an ninh hàng hải, giúp tàu thuyền qua lại có thể tránh đâm va với các bãi đá ngầm. Còn phía đông của đảo là Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá do Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông thành lập từ năm 2005. Không chỉ cứu chữa tàu thuyền miễn phí, trung tâm còn được ví như “siêu thị” giữa đại dương, cung cấp nước ngọt miễn phí, bán dầu diezel, thực phẩm bằng giá bán tại đất liền và thu mua hải sản để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, giảm chi phí, tăng thu nhập cho từng chuyến ra khơi. Mỗi năm, trung tâm cung cấp gần 500.000m3 nước ngọt miễn phí và hàng nghìn m³ dầu diezel cho tàu thuyền.
GIÚP NGƯ DÂN VỮNG TIN
Trong những ngày nán lại tại đảo Đá Tây, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện với ngư dân của một tàu cá của Phú Yên đang tránh bão. Lên Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây mua gạo và xin nước ngọt, anh Đào Mạnh Tuấn, chủ tàu PY96931, chia sẻ: “Có trung tâm và hải quân trên đảo, ngư dân chúng tôi luôn an tâm đánh bắt cá mà không sợ đói và nguy hiểm. Mưa gió bão bùng như thế này hoặc mình có đau ốm đều được các anh tận tình giúp đỡ. Ngư dân chúng tôi coi Đá Tây - Trường Sa là nhà mình”.
Theo anh Chu Minh Sơn, Trưởng ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, cán bộ nhân viên trung tâm sẵn sàng sắp xếp nơi ăn ở khi ngư dân đau ốm bệnh tật, tạo mọi điều kiện giúp đỡ về vật chất, tinh thần khi bà con vào đảo yêu cầu. Ngoài “đóng đô” ở Đá Tây, hiện nay, trung tâm còn có một số điểm ở đảo Tốc Tan, Sinh Tồn, Đá Lớn làm dịch vụ cung ứng hàng cho bà con. Đội tàu này gồm 9 con tàu vừa cung ứng hàng hóa vừa thu mua hải sản ngư dân đánh bắt được chuyển về đất liền, bảo vệ ngư dân ở trên biển tránh bị tàu nước ngoài xua đuổi.
Trong thời gian làm chính trị viên của đảo Đá Tây, đại úy Hoàng Xuân Dũng và đồng đội của mình đã cứu nhiều tàu ngư dân bị nạn trên biển. Để cảm ơn tấm lòng cứu mạng, mỗi khi đánh bắt gần đảo, ngư dân đều tạt qua, chuyển cá tươi lên cho cán bộ chiến sĩ trên đảo cải thiện bữa ăn. Theo đại úy Dũng, không chỉ có hải quân giúp đỡ tàu cá bị nạn, chính ngư dân của các tàu cá trong lúc đánh bắt, thấy tàu khác bị nạn cũng ra tay cứu giúp. Anh Dũng kể lại: “Một lần, có một tàu của ngư dân Bình Định trong khi đánh bắt hải sản gần khu vực đảo Đá Tây bị hỏng máy, phá nước, chìm tàu. Lúc đó, một tàu cá của Phú Yên đánh bắt gần đó, thấy vậy, liền đến cứu vớt các ngư dân bị nạn và liên lạc, bàn giao lại cho đảo. Đó là một nghĩa cử cao đẹp, càng tiếp thêm động lực để ngư dân vững tin ra khơi bám biển”.
KIỀU MY